Cổ phiếu Bảo Việt có thực sự hấp dẫn?
Đầu tư - Tài chính 23/08/2019 12:46
Ảnh minh họa: Internet |
Tập đoàn Bảo Việt (mã BVH) được phê duyệt Đề án cổ phần hóa Tổng công ty Bảo hiểm theo Quyết định số 310/2005/QĐ-TTg ngày 28/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2007, Tập đoàn Bảo Việt hoàn thành cổ phần hóa với tầm nhìn đến năm 2025 đặt mục tiêu giữ vững vị trí số 01 thị trường trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ; là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực quản lý quỹ cung cấp các dịch vụ tài chính trong nước. Bảo Việt hướng tới cột mốc quan trọng trở thành Tập đoàn tỷ USD vào năm 2016, với tổng doanh thu hợp nhất trên 1 tỷ USD.
…Nhưng nợ đã “ngập đầu”
Báo cáo tài chính hợp nhất của BVH cho thấy, 6 tháng đầu năm 2019, lợi nhuận sau thuế đạt 670 tỷ đồng, giảm khoảng 20% so với cùng kỳ.
Tính đến 30/6/2019, tổng tài sản của BVH đạt 120.937 tỷ đồng, tăng 6,9% so với cuối năm trước. Khoản mục tiền và các khoản tương đương tiền đạt 1.871 tỷ đồng, giảm 13%, nhưng đầu tư tài chính ngắn hạn tăng gần 10%, đạt 60.603 tỷ đồng, đầu tư tài chính dài hạn tăng hơn 6%, đạt 43.603 tỷ đồng.
Đáng chú ý, BVH ghi nhận khoản nợ phải trả là 104.876 tỷ đồng. Trong đó nợ ngắn hạn là 25.863 tỷ đồng và nợ dài hạn là 79.013 tỷ đồng, chủ yếu là khoản dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm.
So với vốn chủ sở hữu tính tới thời điểm cuối tháng 6/2019, khoản nợ phải trả gấp 6,5 lần. Tại ngày 30/6/2019, vốn chủ sở hữu của BVH là 16.061 tỷ đồng.
Trao đổi với Báo Ngày mới Online, một chuyên gia trong ngành tài chính cho rằng, hệ số nợ của BVH so với nhiều doanh nghiệp Nhà nước khác chưa phải xếp bậc quá cao. Nhưng nếu so với một đơn vị kinh doanh dịch vụ và tập đoàn uy tín số 1 ngành bảo hiểm thì đây là con số khá sốc cho nhà đầu tư.
Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu giúp nhà đầu tư có một cái nhìn khái quát về sức mạnh tài chính, cấu trúc tài chính của DN và làm thế nào DN có thể chi trả cho các hoạt động.
Thông thường, nếu hệ số này lớn hơn 1, có nghĩa là tài sản của DN được tài trợ chủ yếu bởi các khoản nợ, còn ngược lại tài sản của DN được tài trợ chủ yếu bởi nguồn vốn chủ sở hữu.
Về nguyên tắc, hệ số này càng nhỏ, có nghĩa là nợ phải trả chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng tài sản hay tổng nguồn vốn thì DN ít gặp khó khăn hơn trong tài chính. Hệ số này càng lớn thì khả năng gặp khó khăn trong việc trả nợ hoặc phá sản của DN càng lớn.
Trên thực tế, nếu nợ phải trả chiếm quá nhiều so với nguồn vốn chủ sở hữu có nghĩa là DN đi vay mượn nhiều hơn số vốn hiện có, nên DN có thể gặp rủi ro trong việc trả nợ, đặc biệt là DN càng gặp nhiều khó khăn hơn khi lãi suất ngân hàng ngày một tăng cao. Các chủ nợ hay ngân hàng cũng thường xem xét, đánh giá kỹ hệ số nợ (và một số hệ số tài chính khác) để quyết định có cho DN vay hay không.
Cổ phiếu BVH tiềm ẩn rủi ro?
Thực tế, cổ phiếu BVH chứa ẩn nhiều mâu thuẫn nội tại. Thành lập năm 1965, Bảo Việt là tập đoàn hoildings tài chính, bảo hiểm lớn nhất với 69% cổ phần từ Bộ Tài chính, 17,5% Sumitomo life và 3% SCIC.
BVH hoạt động trong cả mảng bảo hiểm nhân thọ với 55% lợi nhuận sau thuế và phi nhân thọ với 21% lợi nhuận sau thuế. Các dịch vụ tài chính khác chiếm 24% lợi nhuận sau thuế.
Xét về lợi thế cạnh tranh, BVH chiếm lĩnh vị trí số 1 trên cả thị trường nhân thọ lẫn phi nhân thọ, lần lượt đạt xấp xỉ 22% thị phần (trên Dai-ichi, Rrudential & Manulife) và 21% thị phần (trên PVI, BMI). Nhờ uy tín từ Bộ Tài chính, quy mô lớn và kênh phân phối rộng khắp thì BVH có thể giữ được vị trí hàng đầu một thời gian nữa.
BVH đã tăng trưởng 50 năm qua với lượng khách hàng tới 17 triệu người và hơn thế do đó BVH từng là “trứ trụ của VN-Index” là điều dễ hiểu. Thế nhưng, các doanh nghiệp nội trong nước đang phải đối mặt với việc cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ FDI.
Và thực tế, lợi nhuận ròng của BVH đã không hề tăng trưởng gần 20 năm nay. ROE của công ty trì trệ ở mức 7-8% - thấp so với trung bình doanh nghiệp niêm yết và ngành tài chính. Tỷ lệ chi phí kết hợp (combined ratio) cao tận mức 120% khiến BVH thua lỗ thuần hoạt động bảo hiểm một khoản lớn mỗi năm.
Về mặt tài sản, tỷ lệ đòn bẩy 8.3x của BVH được giới đầu tư cho rằng rất rủi ro về mặt dự phòng chi trả dài hạn. Nếu so với đòn bẩy trung bình ngành bảo hiểm chỉ ở mức 2.0x-3.0x.
Ngoài ra, công ty còn phải trích lập dự phòng nhiều khoản phải thu cho vay, hợp tác kinh doanh và trái phiếu doanh nghiệp ít an toàn.
Đó là lý do mà không ít nhà phân tích cho rằng, công ty trì hoãn việc xếp hạng tín nhiệm với A.M Best nhiều năm qua. Bởi vì, thực tế là dù BVH khó có khả năng để vỡ nợ, song không loại trừ khả năng thảm họa nào đó xảy ra, thì rủi ro mất phần lớn vốn chủ là hoàn toàn có thể với tỷ lệ đòn bẩy cao.
Ngoài ra, BVH đang được bán với mức định giá tên lửa so với các tập đoàn bảo hiểm chất lượng trên thế giới. Trong khi lợi nhuận ròng gần một thập kỷ không hề tăng trưởng, ROE (tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu) chưa tương xứng.
Các tập đoàn Berkshire, Allianz, Prudential, Chubb, Generali,…chỉ được giao dịch ở mức 0.8x-1.4x P/B. Nhưng BVH lại có mức định giá 55x P/E trung bình 5 năm và 4.7XP/B.
Mới đây, Cục thuế thành phố Hà Nội vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Tập đoàn Bảo Việt. Tập đoàn này đã khai sai thuế thu nhập doanh nghiệp làm phát sinh số thuế phải nộp. Theo đó, Bảo Việt bị xử phạt 40,5 triệu đồng và phải nộp đủ số tiền thuế thu nhập thiếu là hơn 202 triệu đồng.
Từ những góc nhìn trên nhà đầu tư không thôi đặt dấu hỏi về độ hấp dẫn thật sự của BVH, an toàn tài chính cũng như sự minh bạch của lãnh đạo tập đoàn?