Có một “chợ cóc” trong lòng phố cổ
Xã hội 10/04/2023 10:58
Hối hả kẻ bán, người mua
Sau gần nửa năm tôi quay ra Hà Nội. Và định ngày cuối tuần trở lại “chợ cóc” xem còn hoạt động nữa không. Bởi dạo ấy, sau một tuần quanh quẩn đó đây, có hai buổi sáng sớm tôi ghé lại thì “chợ cóc” đã biến thành… “chợ đuổi”- đuổi thì chạy! Chuyện thường ngày thôi, bởi chợ lấn chiếm vỉa hè, lòng đường bị... các lực lượng chức năng đuổi.
Một “chợ cóc” hình thành được vài năm nay ở ngã tư phố Hàng Bông (dãy số chẵn) thuộc địa bàn phường Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm) với phố Đường Thành, phường Cửa Đông (quận Hoàn Kiếm). Từ 4 giờ sáng, trời còn mờ sương đã có người bán rời nhà, chở hàng đến chợ. Đến nơi là họ hối hả bày hàng ra trên vỉa hè vì thời gian có hạn không đợi chờ ai! Lác đác có người chở hàng bằng xe gắn máy, xe đạp đến vỉa hè dãy nhà số chẵn bày hàng. Nhiều tấm bạt nhựa được trải ra trên vỉa hè, hàng được trút từ bao tải lớn ra. Cũng từng bao tải nhựa đựng quần áo (đồ cũ lẫn mới); thùng giấy, túi nilon đựng giày nam, nữ các loại da bóng, giày thể thao, ví, túi xách, đồng hồ… bày ra. Có người bán hàng áo quần đặt ba, bốn cái ghế nhựa nhỏ cho khách ngồi để thong thả chọn lựa hàng. Chừng 5 giờ, trời sáng hẳn là xong phần dọn hàng. Người bán chỉ lo “sửa nguội” như xếp lại áo gió, áo thun, quần bò các kích cỡ, lau lại giày cho sạch bụi hoặc đánh xi cho bắt mắt. Khách mua hàng là những người đi tập thể dục sớm cả những người đi xe máy ngang qua ghé vào. Chỗ thì khách ướm thử giày, chỗ thì khách mặc vào cởi ra lần lượt vài ba cái áo thun, cái áo khoác mỏng… ngay và luôn tại chỗ. Có người bán phải dùng đèn pin soi cho khách kiểm tra hàng.
Nhộn nhịp kẻ bán, người mua. |
Bà X. (71 tuổi) nhà ở phố Bảo Khánh (phường Hàng Trống) kể: “Ba mẹ con đều bán giày ở đây nhiều năm rồi. Chỉ có mưa to, gió lớn mới ở nhà. Lớn tuổi rồi vẫn phải bươn chải. Các con lớn có gia đình riêng hết. Gần một tiếng đồng hồ mới bán được đôi giày cho một bà khách giá 80 nghìn đồng. Nói thiệt với chú, lãi chỉ chục nghìn đồng”…
Chấp nhận thôi!
Lần trước, giữa tháng 10/2022, từ một khách sạn trên phố Hàng Lược, tôi đến “chợ cóc” vừa lúc 5 giờ sáng. Vẫn không khí hối hả bày biện hàng trên vỉa hè. Đường phố còn vắng người qua lại. Hà Nội sớm Thu chớm lạnh. Một người bán hàng chở bốn bao quần áo thật to trên chiếc xe đạp. Chị ta hất xuống các bao tải hàng và thong thả trải tấm bạt trên vỉa hè, xổ tung quần áo trong các bao tải ra. Cạnh chị ta một thanh niên mặc quần lửng, cởi trần, lôi từ trong các bao nilon từng đôi giày một rồi xếp ngay ngắn trên tấm bạt, trải gần với lề đường. Chỉ nửa tiếng sau là lác đác khách đến chọn lựa hàng. Có một, hai người đến dọn hàng ra trễ, sau 5 giờ một chút. Chị T, em gái anh bán giày nói, tan chợ phải trả lại môi trường xanh sạch, trả lại mặt bằng cho các cửa hàng kinh doanh… Khi tôi hỏi nếu địa phương giải tán chợ này để giữ cho phố cổ văn minh, sạch đẹp thì sao, một chị bán đồ cũ than vãn: “Chồng em chết, nay một mình đang nuôi đứa con khuyết tật 31 tuổi. Hỏi bác không nhào ra đường lấy gì mà sống? Bán chiếc áo lãi năm, mười nghìn đồng. Bác thấy đó, phường dẹp cũng phải chấp nhận nhưng rồi cũng kiếm cái vỉa hè nào đó mà bày hàng bán kiếm sống thôi”.
“Nhảy cóc” qua đường khác là…yên tâm! |
Tôi có mặt ở “chợ cóc” lần này từ lúc 4 giờ rưỡi. Tinh mơ phố cổ vẫn còn phảng phất hương Xuân. Vẫn không khí bán mua chộn rộn. Cạnh tấm bạt bày một mớ áo quần, giày cũ, túi xách, vài cuộn băng keo dính, là ông già dáng thấp, ốm, khoanh tay trước ngực đứng lên. Ông ta đi đi lại lại. Đó là ông Th. (64 tuổi), nhà ở quận Hai Bà Trưng, phân trần: “Tuổi cao nhưng vẫn phải bươn chải bác ạ! Gần tan chợ mà lãi có 30 nghìn đồng, ăn gói xôi mất 10 nghìn đồng rồi… Hàng mua ở đây là rẻ nhất trên đời rồi còn gì? Hôm nay so với mọi hôm là bán được đó! Tan chợ rồi về nằm co ở nhà thôi chứ biết làm gì?”. Một chị trung niên đang thu dọn đống quần áo vào bao chuẩn bị rời đi. “Sáng giờ có bán được đồng nào đâu. Do em ngủ dậy trễ, dọn hàng muộn nên đành chấp nhận! Mấy ông đến nhắc rồi phải dọn đi thôi!”, chị thở dài… 6 giờ 30 phút, một anh nhân viên Đội Trật tự đô thị phường xuất hiện nhắc nhở người bán thu dọn, trả lại vỉa hè và mặt tiền cho các cửa hàng, quán, tiệm mở cửa… đón ngày mới. Tuy là thời gian còn nửa tiếng nữa nhưng vẫn phải nhắc vì nhiều người bán còn lo sắp xếp thu dọn hoặc kéo dài thêm ít thời gian bán được cái gì hay cái ấy.
Đến giờ “chợ cóc” bắt đầu nhảy. Người thì gói ghém quần áo, túi xách, kẻ quơ vội mấy đôi giày, túi đeo… bỏ vào bao cột lên xe hoặc vác trên vai. Họ hối hả “nhảy cóc” qua địa bàn phường khác nằm trên phố Đường Thành bày hàng ra... Nhiều chỗ hai bên vỉa hè đã bị “chợ cóc” tranh thủ... xí chỗ. Một số người vác hàng chạy qua bên dãy nhà số chẵn, phố Hàng Bông… tiếp tục hoạt động! Người mua nhiệt tình nổ máy xe hoặc chạy bộ theo sau. “Chợ cóc” nhảy đến đâu thì người mua chạy theo đến đó. Trải bạt, xổ hàng. Rồi lại tiếp tục ướm thử giày dép, áo quần cứ… tự nhiên như người Hà Nội vậy.
Đúng là việc chính quyền Hà Nội liên tục giành giật lại vỉa hè cứ như “bắt cóc bỏ đĩa”! Nếu căng quá thì “chợ cóc” rút mà lơ thì “chợ cóc” bung! Mà nào phải “chợ cóc”, còn bao nhiêu chợ lấn ngõ, lấn đường… Những người bán tôi gặp, trò chuyện, họ… chấp nhận trong ngày thu nhập giảm sút vì bán không được hàng; thời gian bán được quá ngắn… nhưng vì cuộc sống nên không thể nào dừng lại! Nếu chính quyền thành phố quyết liệt lập lại trật tự vỉa hè ở đây thì có nơi nào đủ điều kiện, phù hợp, giúp ổn định cho những người phải lấy vỉa hè làm kế mưu sinh?.