Chuyện về NCT xã Ea Tar chung tay xây dựng quê hương
Hoạt động hội địa phương 18/09/2020 11:23
Ngoài ra còn có 28 NCT làm công tác đảng, mặt trận, tổ hòa giải ở các thôn, buôn. Đảm nhiệm các cương vị trong hệ thống chính trị ở cơ sở, NCT là lực lượng tin cậy, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho lãnh đạo cấp ủy, chính quyền; mỗi hành động của NCT đều nêu tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập, làm theo.
Buổi luyện tập của CLB bóng chuyền hơi NCT xã Ea Tar |
Đồng bào các dân tộc nơi đây còn nhắc lại câu chuyện vào năm 2018, khi Thôn 2 làm hội trường sinh hoạt cộng đồng, kinh phí đầu tư 285 triệu đồng. Khi ấy, người dân đã tín nhiệm bầu một số thành viên trong Chi hội NCT của vào Ban vận động và Ban giám sát xây dựng. NCT “xắn tay” vào cuộc, đi từng ngõ, gõ từng nhà vận động. Người góp công, người góp của, chẳng lâu sau, công trình hoàn thành trong sự tin tưởng, phấn khởi của bà con.
Năm 2015, Công ty Cao su Đắk Lắk có một số diện tích canh tác tại địa phương được chuyển đổi sang cây trồng khác như cà phê, tiêu, sầu riêng. Một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ không đồng ý vì cho rằng trước đó Công ty đã kí hợp đồng với họ là trồng cao su nên không chuyển sang cây trồng khác và yêu cầu nếu chuyển đổi thì phải trả đất cho họ. Kiến nghị của đồng bào được NCT phản ảnh tại các cuộc tiếp xúc cử tri. Hội NCT xã phối hợp với chính quyền, đoàn thể mà nòng cốt là các già làng, những người có uy tín tuyên truyền, vận động trên cơ sở các quy định của pháp luật. Từ đó, người dân hiểu ra, đồng thuận cùng doanh nghiệp chuyển đổi cơ cấu cây trồng vừa nâng cao hiệu quả kinh tế lại giải quyết hài hòa lợi ích cả đôi bên.
Làm đường giao thông nông thôn ở buôn Mlăng, xã Ea Tar |
Phát huy vai trò trụ cột trong gia đình, là những ông bà, cha mẹ, NCT chăm lo cho con cháu từ khi chúng mới ra đời cho đến lúc trưởng thành. Để làm được điều đó, dù đã hi sinh cả tuổi xuân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trở về gia đình, NCT lại lao vào làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo và để có điều kiện chăm lo cho con cháu. Những cái tên như Y Nênh Ayun, Y Lê Niê, ở buôn Mlăng đã nổi tiếng trong xã, ngoài huyện về việc sở hữu và chăm sóc những rừng cao su, cà phê mênh mông, cho thu nhập cao, mỗi năm hàng tỉ đồng. Các ông Lê Ngỡ, ở Thôn 1, Lê Minh Đức ở buôn Ea Kiêng với mô hình trang trại kết hợp trồng trọt, chăn nuôi thu nhập hằng năm cả mấy trăm triệu đồng, được bà con ngưỡng mộ học tập. Vươn lên bằng chính nội lực của mình, không tự ti, không trông chờ vào sự đãi ngộ của Nhà nước, NCT Ea Tar đã góp phần đưa tỉ lệ người nghèo trong xã từ 10% năm 2015 xuống còn 4% và đưa xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019.
Khám mắt cho NCT tỉnh Đắk Lắk |
Hội cũng tích cực tuyên truyền hội viên và NCT nhắc nhở, giáo dục con cháu, dòng họ thực hiện nếp sống mới ở khu dân cư, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Tiêu biểu ở các thôn có đông đồng bào dân tộc Kinh thực hiện nếp sống mới trong việc tang, không mê tín dị đoan, không để kèn trống quá giờ quy định và rải vàng mã dọc đường đưa tang. Buôn Ea Tar hầu hết là đồng bào Dao từ Quảng Bình di cư vào, tệ nạn tảo hôn, cờ bạc thường xảy ra, nhưng Hội cùng Ban tự quản đã kiên trì vận động, tuyên truyền, đến nay các tệ nạn trên cơ bản bị đẩy lùi.
Theo Chủ tịch Hội NCT xã Phạm Văn Hải, do chăm lo tốt cho hội viên, xây dựng tổ chức Hội và phát huy vai trò NCT, lớp người “cây cao bóng cả” trong xã tự hào xứng đáng với niềm tin của Đảng, Chính quyền và Nhân dân địa phương. 5 năm qua, Hội NCT xã được TƯ Hội tặng 2 Bằng khen, UBND huyện tặng 5 Giấy khen, Hội NCT huyện tặng 5 Cờ thi đua đơn vị dẫn đầu phong trào "Tuổi cao - Gương sáng" của huyện. Ông Hải cũng “bật mí”: Sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền và Hội cấp trên; cùng với đội ngũ cán bộ Hội đoàn kết, có năng lực, uy tín, nhiệt tình chính là yếu tố quyết định thành công của cán bộ, hội viên NCT trong những năm qua.