Chuyện giờ mới kể: Qua đêm trong phòng Tổng Bí thư
Giáo dục 04/02/2024 10:11
Ông Lê Duẫn và bà Thuỵ Nga giữa thập niên 1950 |
Thường một đợt đi viết của hai anh em tôi ở Hạ nguồn Mekong là trên nửa tháng, hết tỉnh này sang tỉnh khác. Mỗi đợt như thế, nếu tấp vô hội văn học - nghệ thuật hay toà soạn báo của bất cứ tỉnh nào thì phải “lai rai” một hai ngày, kéo sang đêm, chưa say, anh chị em đồng nghiệp chưa cho đi. Vì thế mà có đợt từ Long An xuống Cà Mau phải mất mươi ngày! Hồi ấy rượu đế miền Tây ngon lắm, mồi thì quăng chài, quăng câu xuống rạch, xuống kinh là tha hồ tôm càng xanh, cá lóc, cá chốt, cá rô. Mắm sặc, mắm cá linh thì chạn bếp các cơ quan đầy keo, đầy hũ. Ngó sen, bông súng, bông điên điển, hẹ nước, bồn bồn, đọt choại, rau dệu, rau đắng, rau trai, năn bộp thì dưới ao, sau hè cơ quan đã có, hoặc sang nhà dân xin, nên những cuộc nhậu không mấy khi “hao tổn” đồng lương quá ít ỏi.
Sướng nữa là nếu không đi xe con của toà soạn, ngồi xe đò xuống một địa phương nào đó rồi vào làm việc với uỷ ban hay huyện uỷ, uỷ ban hay Tỉnh uỷ là mấy hôm sau văn phòng cho xe công vụ đưa xuống bất cứ địa phương nào anh em chúng tôi đề nghị. Vì thế mà thời đó, chúng tôi quen thân với hầu hết anh chị em chánh - phó văn phòng uỷ ban, Huyện uỷ, chánh - phó văn phòng uỷ ban, Tỉnh uỷ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, ngoài tình nghĩa còn để được… ưu tiên. Hồi ấy cơ quan báo chí rất ít, phóng viên không có mấy, lại say nghề và đạo đức nghề nghiệp “đầy mình” nên được cưng!
Thường thì sau khi hòm hòm bài và ảnh, chặng cuối của hai anh em tôi là thị xã Long Xuyên, tỉnh lỵ của tỉnh An Giang vì tỉnh này có nhiều phong trào làm ăn giỏi, như thành lập hàng ngàn “tổ đường nước”, hàng ngàn hợp tác xã nông nghiệp mà không phải “úp bộ” (bắt những gia đình không tự nguyện vào làm ăn tập thể) nên sản lượng lúa và hoa màu năm nào cũng dẫn đầu cả nước; và đã manh nha tổ chức được du lịch vùng Bảy Núi. Đặc biệt, Chánh văn phòng Tỉnh uỷ An Giang là Hai Vũ - nguyên phóng viên Báo Giải phóng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, bạn vong niên của tôi, rất nhiệt tình giúp đỡ anh chị em từng là đồng nghiệp trong những năm chiến tranh vệ quốc vô cùng gian khổ.
Là chỗ trên cả mức thân tình, nên có một lần, sau bữa cơm tối tại nhà Hai Vũ, khi ngồi trên xe về Văn phòng Tỉnh uỷ bên bờ sông Hậu, anh bảo: “Hôm nay tao cho hai đứa bay ngủ trong phòng đặc biệt”.
Anh Hai kêu cô nhân viên văn phòng trực đêm pha trà rồi lấy chìa khoá trong túi áo vừa mở cửa vừa hỏi hai anh em tôi: “Tụi bay biết phòng này của ai không?”. Thấy “phòng đặc biệt” ấy gần phòng làm việc của Bí thư Tỉnh uỷ An Giang Lê Văn Nhung, nên tôi mau mắn: “Phòng nghỉ trưa của Bí thư Tỉnh uỷ”. Hai Vũ bảo: “Trật lất. Của Tổng Bí thư Lê Duẩn”.
Tôi và Thanh Phương rất ngạc nhiên vì “vinh dự” được qua đêm trong căn phòng chỉ dành cho Tổng Bí thư, lại thêm ngạc nhiên vì nó chỉ rộng khoảng 16 mét vuông, giường đệm, tivi, máy điều hoà nhiệt độ, máy làm nóng nước trong phòng tắm trông khá cũ kỹ, có lẽ đều sản xuất trước năm 1975.
Hai Vũ bố trí cho phóng viên chỗ ngủ như vậy là sai nguyên tắc, nhưng chắc vì tình thân và tin tưởng hai anh em tôi “trên cả mức tốt” mà anh “phá lệ”.
Đêm ấy, Thanh Phương và tôi chuyện trò mãi về tình vợ chồng son sắt dù rất nhiều trắc trở của ông Lê Duẩn và bà Nguyễn Thuỵ Nga (khi trở lại chiến trường năm 1964, bà mang tên Nguyễn Thị Vân - Bảy Vân).
Hồi đó, vì bị tù đày ở Côn Đảo rồi vì nhiệm vụ cách mạng mà ông Lê Duẩn đã xa vợ con ở Quảng Trị 20 năm không tin tức. Tổ chức, nhất là Hội Phụ nữ cứu quốc giục ông Ba lấy vợ để có người chăm sóc nhưng ông từ chối. Năm 1948, khi đang là Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ, ông gặp bà Thuỵ Nga lúc ấy là Tỉnh uỷ viên, Đoàn trưởng Phụ nữ cứu quốc tỉnh Cần Thơ trong một hội nghị ở bưng biền, hai người nảy sinh tình cảm, lại được các đồng chí trong Xứ uỷ Nam Bộ, nhất là ông Lê Đức Thọ tác hợp, ngày 29/5/1950, họ thành vợ thành chồng.
Năm 1954, ông Lê Duẩn xuống tàu cùng vợ và hai con tập kết ra miền Bắc, nhưng đó là cách che mắt tình báo đối phương, nên khi tàu sắp nhổ neo, ông bí mật xuống một chiếc xuồng trở lại Cà Mau lãnh đạo cuộc kháng chiến lần thứ hai ở miền Nam.
Chiều hôm qua, bà Bảy Vân đã tiếp hai anh em tôi với tư cách là Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ An Giang. Bà dung dị và hóm hỉnh, lâu lâu lại cười khúc khích khi trả lời phóng viên về cách Đảng Bộ và Nhân dân An Giang vượt qua khó khăn để hàn gắn vết thương chiến tranh.
Chúng tôi nghĩ, Tỉnh uỷ An Giang thật là chu đáo khi chuẩn bị căn phòng này cho Tổng Bí thư Lê Duẩn nghỉ ngơi mỗi lần về làm việc với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, và thật là tâm lý khi chuẩn bị căn phòng này vì bà Bảy Vân đang là công dân của thị xã Long Xuyên.