Chuyến đò chở những ước mơ
Giáo dục 20/02/2019 09:05
Chị Nguyễn Bích Tuyền, nhà ở tiểu khu 083 trong rừng đước của xã Viên An, huyện Ngọc Hiển cách Trường Tiểu học I - Viên An gần 20 cây số nên việc cho con đến trường vô cùng khó khăn. 5 năm trước, đứa con trai của chị là Trần Bảo Nam học tiểu học, chị Tuyền phải giao hết việc nhà cho chồng, còn chị hằng ngày phải theo con tới trường đến quá trưa khi con tan học mới về nhà. Cùng xóm với chị Tuyền cũng có nhiều hộ chung cảnh ngộ, cha hoặc mẹ các em cũng phải đến trường cùng con.
Đó là chuyện của những năm học trước đây, nay có dịp về lại những ngôi trường này ít thấy bóng dáng phụ huynh ngồi chờ con dưới bóng mát của những tán cây phượng quanh trường. Vì con em của họ đã có những chuyến đò đưa rước đến nơi về đến chốn. Các bậc phụ huynh rất an tâm để phát triển kinh tế gia đình, tiếp tục chăm lo con em mình ăn học đàng hoàng.
Một trong những chủ phương tiện đò đưa rước học sinh đến trường ở xã Viên An hiện nay, có anh Ngô Tuấn Anh cư ngụ Ngã ba Ông Linh chỉ mới 34 tuổi đời nhưng đã có thâm niên gần 15 năm làm nghề chạy đò đưa rước học sinh trên vùng sông nước đầy cách trở này.
Do hoàn cảnh gia đình nghèo khó, Tuấn Anh chỉ học hết lớp 9 rồi nghỉ, đi làm thuê, dành dụm ít tiền mua vỏ máy làm nghề đưa rước học sinh, vừa có thu nhập cho gia đình, vừa tạo điều kiện cho con em ở vùng sâu, vùng xa đến trường bớt vất vả.
Công việc của anh bắt đầu từ 5 giờ sáng và kết thúc khi những tia nắng cuối cùng trong ngày đã khuất sau những cánh rừng. Theo anh Tuấn Anh, việc đầu tiên của một ngày mới là trang bị áo phao phải đúng quy định của Luật Giao thông đường thủy, nhằm bảo đảm an toàn cho các em nếu xảy ra sự cố. Mỗi ngày, anh bốn lượt đi về đưa rước hơn 50 học sinh THCS và THPT đoạn đường sông dài hơn 10km.
Hằng ngày, anh Tuấn Anh đưa rước hơn 50 học sinh vùng sông nước huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau đến trường. |
Chuyến đò của Tuấn Anh trong nhiều năm qua, đã đưa biết bao ước mơ của nhiều thế hệ học trò trên vùng sông nước này học được cái chữ để thực hiện hoài vọng của mình. Có rất nhiều người từ những chuyến đò quê hương Viên An để tiếp bước vào giảng đường đại học, trở thành những nhà giáo, kĩ sư... Chị Nguyễn Thị Hồng Nghi, đã gần 10 năm đi trên chuyến đò của anh Tuấn Anh để học cái chữ, nay đã trở thành nhà giáo và quyết định đem cái chữ về dạy cho học sinh Trường Tiểu học I - Viên An bộc bạch: “Sự thành đạt của tôi hôm nay có công rất lớn từ chuyến đò của anh Tuấn Anh. Bởi từ chuyến đò này, hằng ngày đã nâng bước tôi đến trường để học được cái chữ ”
Trên địa bàn huyện Ngọc Hiển hàng năm có khoảng 3.000 học sinh đến trường bằng phương tiện đò, trong đó xã Viên An chiếm hơn 1.000 em. Ông Diệp Thanh Điền, Chủ tịch UBND xã Viên An cho rằng: “Để rút dần khoảng cách đi lại của học sinh vùng sông nước này, địa phương đã cố gắng xây dựng những tuyến lộ giao thông theo hình thức “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, nhưng cũng chỉ thực hiện được một số tuyến huyết mạch. Còn lại những tuyến xa xôi, cách trở ngoài khả năng địa phương, nên giải pháp trước mắt là tạo mọi điều kiện cho các chủ đò đưa rước học sinh đến trường được thuận lợi và an toàn”.
Cùng sự nỗ lực của các ngành chức năng, việc phối hợp có hiệu quả giữa nhà trường, phụ huynh và chủ phương tiện đò là rất quan trọng, nhằm chung tay chăm lo cái chữ cho con em vùng sông nước ngày thêm khởi sắc. Trong đó, sự góp sức của chủ đò Ngô Tuấn Anh rất cần được biểu dương. Bởi những chuyến đò như thế này đã đưa biết bao học sinh cập bến ước mơ.
Bài và ảnh Việt Đoàn