"Chúng tôi đến Việt Nam để học tập, tìm kiếm cơ hội"
Tuổi cao gương sáng 10/05/2018 08:41
Đoàn chuyên gia gồm TS Takeo Ogawa, Chủ tịch Trung tâm Già hóa châu Á, Giáo sư danh dự của Trường Đại học Kyushu Nhật Bản; bà Fumiko Okamoto, Trưởng ban Hội nhập Xã hội châu Á; ông Yoshinori Doi, cán bộ chương trình, Ban Hội nhập châu Á, Quỹ Hòa bình Sasakawa.
Trao đổi với phóng viên, bà Fumiko Okamoto cho biết: Quỹ Hòa bình Sasakawa là Quỹ tư nhân độc lập ở Nhật Bản, có vai trò đóng góp thúc đẩy phát triển thế giới, hoạt động với 5 mục tiêu chính: Thúc đẩy các mối quan hệ Mỹ - Nhật Bản, hồi giáo - Nhật Bản, Nhật Bản - châu Á, chính sách liên quan an ninh hàng hải, bình đẳng giới. Nhật Bản là nước dân số già nhất thế giới, có rất nhiều kinh nghiệm cũng như cách thức thích ứng với già hóa, có nhiều dự án để chia sẻ kinh nghiệm với châu Á để thực hiện thích ứng già hóa tốt hơn. Ở Nhật Bản, đã thành lập nhiều trung tâm dưỡng lão, hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe hiện đại nhưng đang có xu hướng không bền vững. Hoạt động tăng thu nhập cũng rất quan trọng, các thành viên Quỹ muốn tìm hiểu tác động của hoạt động này, để từ đó có căn cứ, bằng chứng cho quá trình nghiên cứu, hoạt động.
Đoàn chuyên gia Quỹ Hòa Bình Sasakawa, lãnh đạo Tổ chức HAI tại Việt Nam, Hội NCT xã Tân Lập,
huyện Đan Phượng chụp ảnh lưu niệm.
"Chúng tôi đang nghiên cứu các vấn đề chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp. Tuy NCT là đối tượng chăm sóc sức khỏe là chính nhưng bản thân họ cũng có thể cung cấp dịch vụ và tự chăm sóc rất tốt. Chúng tôi sang Việt Nam với mong muốn tìm hiểu vai trò của cộng đồng và các tổ chức xã hội trong chăm sóc sức khỏe; những kinh nghiệm, thành công của Việt Nam về mô hình chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng", bà Fumiko Okamoto nói.
TS Takeo Ogawa, đã 75 tuổi, chuyên gia từng tập huấn rất nhiều về kĩ năng chăm sóc và điều dưỡng ở Nhật Bản và một số nước khu vực châu Á. Ông cho rằng, quá trình già hóa, các hoạt động dựa vào cộng đồng rất quan trọng. Trong các quốc gia ASEAN, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm chăm sóc sức khỏe cho NCT. Ông tham gia đoàn lần này để có tiếng nói chuyên gia nhằm thúc đẩy hoạt động của Quỹ Hòa bình Sasakawa hơn nữa. Ông chia sẻ: "Chúng tôi muốn tìm kiếm giải pháp, thúc đẩy đối thoại từ các bên liên quan chính để giải quyết vấn đề chung. Chúng tôi đánh giá rất cao mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn dựa vào cộng đồng ở Việt Nam và mong muốn hợp tác. Vì vậy, chúng tôi đến đây để tìm kiếm cơ hội. Ở nước Nhật có nhận thức NCT là gánh nặng cho xã hội, trong khi Việt Nam người từ 60 tuổi trở lên là NCT nhưng nhiều người còn khỏe mạnh, năng động. Chúng tôi muốn coi những người như vậy là nguồn lực của xã hội chứ không phải gánh nặng và thúc đẩy sự tham gia của họ vào sự phát triển xã hội".
Các chuyên gia Nhật Bản với Báo Người cao tuổi
Đặt nhiều câu hỏi tìm hiểu thực trạng cuộc sống vật chất, tinh thần, sức khỏe của NCT và hoạt động tổ chức Hội NCT ở Việt Nam, ông Yoshinori Doi, chuyên gia phụ trách dự án bao gồm các nghiên cứu về già hóa tại châu Á tỏ ra thích thú với các thông tin trao đổi. Ông cho biết: "Ở đất nước chúng tôi có tổ chức liên minh NCT, tuy nhiên không có tờ báo quốc gia về NCT mà chỉ có các bản tin ở địa phương".
Cuộc trao đổi thú vị của lãnh đạo Tổ chức Hỗ trợ NCT quốc tế tại Việt Nam, phóng viên Báo Người cao tuổi đã giúp các chuyên gia đến từ Nhật Bản cập nhật nhiều thông tin hữu ích về thực trạng đời sống NCT; hoạt động phong phú, đa dạng của tổ chức Hội NCT các cấp; mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau. Các vị khách đến từ "xứ sở hoa anh đào" lấy làm vinh dự được đến thăm, làm việc với Tổ chức Hỗ trợ NCT Quốc tế tại Việt Nam và đặc biệt, đánh giá cao vai trò truyền tải thông tin, nhân rộng điển hình "Tuổi cao - Gương sáng" và hướng dẫn công tác Hội của Báo Người cao tuổi…
Bài và ảnh Thanh Hà