Tượng đài là biểu trưng cho một dân tộc, một địa phương, một ngành, một lĩnh vực; đánh dấu một sự kiện lịch sử hay tưởng niệm người có công lao to lớn. Ở Việt Nam, ngoài những tượng đài lịch sử, tượng danh nhân, một số ngành văn hóa do có nhiều thành tựu đặc biệt cũng được tôn vinh thành tượng đài. Hãng phim truyện Việt Nam nằm trong số đó.
|
Hãng phim truyện Việt Nam đã có hơn 60 năm truyền thống, để lại nhiều tác phẩm điện ảnh tiêu biểu. |
Thành lập năm 1953, nền điện ảnh cách mạng sản xuất bộ phim truyện đầu tiên mang tên “Chung một dòng sông”. Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) đã có chặng đường 65 năm hành trình cùng đất nước, làm ra những bộ phim nổi tiếng, trở thành kinh điển như “Bài ca ra trận”, “Bao giờ cho đến tháng Mười”, “Chị Tư Hậu”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội”, “Đừng đốt”, “Mùi cỏ cháy”, “Thị xã trong tầm tay”… Địa chỉ số 4 Thụy Khuê đã gắn bó với nhiều thế hệ nghệ sĩ với những tên tuổi như Phạm Văn Khoa, Vũ Năng An, Nguyễn Hải Ninh, Đặng Nhật Minh, Trà Giang, Thế Anh, Minh Châu, Như Quỳnh, Lan Hương, Lê Vân, Phương Thanh... mà sau này hầu hết trong số họ trở thành NSND.
Với hơn 400 bộ phim với nhiều thể loại: Phim nhựa điện ảnh, phim truyền hình, phim nghệ thuật và phim tài liệu để lại ấn tượng tốt trong lòng khán giả, gây tiếng vang và giành được nhiều danh hiệu, giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế. Nhưng bước vào cơ chế thị trường, Hãng lâm vào cơn bĩ cực do phải chuyển sang mô hình mới, gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng. Trong quá trình cổ phần hóa dưới cái tên “Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam” có nhiều sai sót. Việc để Vivaso (Tổng Công ty Vận tải Thủy) thâu tóm, trong khi không có tiềm lực và có tâm với điện ảnh tạo nguy cơ xô đổ “tượng đài”. Đẩy các nghệ sĩ sống lay lắt, lương bị cắt, bảo hiểm không được đóng, tinh thần đảo lộn... Những sai phạm kéo dài trong 3 năm qua, nhất là về giá trị đất đai, về giá trị thương hiệu, về chính sách trả lương… gây bất bình không chỉ đối với nghệ sĩ Hãng phim mà còn đối với toàn xã hội.
Sự đóng góp nhiều xương máu, mồ hôi nước mắt, trí tuệ của không biết bao người, Hãng Phim truyện Việt Nam mới làm nên thương hiệu nhưng thật nhẫn tâm, thương hiệu đó được đánh giá không đồng.
Không để “ngôi đền thiêng” và “tượng đài” lụi tàn một cách đau đớn là điều quan tâm, mong ước của nhiều người. Làm thế nào để sớm đưa ra các giải pháp vực dậy Hãng phim, tái tổ chức lại cho đúng với mô hình một Hãng phim hàng đầu của đất nước. Bằng mọi giá phải giữ lại mảnh đất ở số 4 Thụy Khuê và thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần chọn nhà đầu tư chiến lược phải vì mục đích phát triển nền điện ảnh Việt Nam. Dù tồn tại ở mô hình nào cũng nhất thiết phải cho ra được những tác phẩm điện ảnh xứng tầm và phù hợp với xu hướng phát triển chung của thời đại. Phải khôi phục lại “tượng đài” Hãng phim truyện Việt Nam cho các thế hệ hôm nay và mai sau./.
Tường Minh