Cho học sinh dùng điện thoại trong lớp: Giải pháp nào "lợi cả đôi đường"?
Giáo dục 22/09/2020 08:16
Thầy cô băn khoăn
Theo Thông tư số 32 ban hành điều lệ trường THCS, THPT, từ 1.11 cho học sinh dùng điện thoại trong lớp phục vụ việc học tập nhưng phải có sự giám sát của giáo viên. Quy định này ngay lập tức thu hút nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận, trong đó không ít người tỏ ra quan ngại, lo lắng.
Đa số các bậc phụ huynh đều cho rằng cho học sinh sử dụng điện thoại sẽ lợi bất cập hại, học sinh sẽ bị xao nhãng và những việc không hay sẽ xảy ra từ chính chiếc điện thoại.
Không chỉ các bậc phụ huynh, ngay cả các thầy cô giáo cũng có nhiều băn khoăn trước quy định mới này. Cô Vũ Thị Quyến (giáo viên trường THPT Mai Hắc Đế) cho rằng việc cho học sinh dùng điện thoại trong lớp để phục vụ học tập sẽ tốt với các em có ý thức cao tuy nhiên điều nay không quá cần thiết.
"Theo tôi, bài tập giáo viên giao hầu hết các học sinh sẽ được chuẩn bị ở nhà. Tôi không phủ nhận việc sử dụng điện thoại trong giờ ở một góc độ nào đó sẽ hỗ trợ cho giáo viên và học sinh trong các bài kiểm tra bằng điện thoại. Tuy nhiên, nếu đặt lên bàn cân so sánh lợi hại thì cá nhân tôi vẫn thấy việc quản lý, hạn chế việc sử dụng điện thoại trong trường học sẽ tốt hơn", cô Quyến lý giải.
Trong khi đó, cô Phạm Thái Lê (giáo viên trường Marie Curie) cho rằng, quy định cho học sinh dùng điện thoại trong lớp là một bước tiến trong tiến trình đổi mới giáo dục, tuy nhiên điều này cũng cần phải có sự nghiên cứu kĩ lưỡng. "Tôi mong chờ một sự nghiên cứu cụ thể, bởi nếu học sinh có thể dễ dàng tìm mọi thứ trên Internet, có chăng sẽ làm thui chột đi tư duy phản biện và tìm hiểu?".
Nhiều mối băn khoăn khi cho học sinh dùng điện thoại trong lớp. Ảnh: LDO. |
Giáo dục ý thức học sinh là quan trọng nhất
Trước những băn khoăn lo lắng khi cho học sinh dùng điện thoại trong lớp, nhiều giải pháp cũng được đưa ra, đặc biệt dưới góc độ của những người quản lý. Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng THCS - THPT Lê Quý Đôn mong dư luận hãy hiểu đúng về quy định mới này bởi cho học sinh dùng điện thoại trong lớp không có nghĩa là các em sẽ được dùng thoải mái mà không có sự giám sát của thầy cô. "Có những giờ học việc sử dụng điện thoại hỗ trợ thầy cô và học sinh rất nhiều, nó như một công cụ hỗ trợ việc học.
Trong những giờ học đó, giáo viên và nhà trường phải có những quy định cụ thể để sử dụng điện thoại một các hiệu quả nhất. Điện thoại thông minh không xấu mà lỗi là do người sử dụng, nên hãy hiểu đúng và làm đúng".
Còn TS Nguyễn Quang Liệu, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng, quy định mới phù hợp với thời đại công nghệ số nhưng việc quan trọng nhất vẫn là giáo dục tư tưởng để các em học sinh thực hiện quy định một cách tự giác và đúng đắn nhất.
Bên cạnh đó, TS Nguyễn Quang Liệu cũng đưa ra giải pháp, nhà trường nên có kế hoạch cụ thể, những bài học nào nên sử dụng điện thoại thì giáo viên phải đăng ký trước để nhà trường dễ dàng quản lý.