Chợ đoàn kết ở miền biên viễn
Xã hội 18/07/2023 10:24
Chợ đoàn kết ở miền biên viễn
Gần Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn có một chợ phiên rất đặc biệt. Trước đây chợ họp vào các ngày 14 và 29 dương lịch, nhưng sau này để tăng cường giao lưu giữa hai nước, năm 2018, chính quyền hai tỉnh vùng biên Việt Nam và Lào đã tăng phiên chợ thành 4 lần/tháng, vào Chủ nhật hằng tuần. Chợ mang tên Nậm Cắn, hay còn được gọi bằng cái tên thân mật là chợ Đoàn Kết.
Từ chiều hôm trước, đồng bào hai nước đã tất bật dựng lều, quán nhưng đêm xuống hầu hết những người đi chợ không ngủ. Họ gặp nhau, chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống bên chén rượu ngô nồng đượm. Những người chủ quán ở đây đều nói được tiếng Việt. Lúc này, chợ phiên không còn là hoạt động giao thương buôn bán nữa mà là nơi giao lưu thắm tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Lào. Có người vượt hàng chục ki lô mét đường rừng đến chợ không phải để mua bán mà đơn giản chỉ muốn gặp bạn bè để giao lưu. Sau những phiên chợ vùng biên, tình đoàn kết anh em đồng bào hai nước càng thêm gắn chặt.
Lên chợ phiên là lên với một vùng văn hóa đặc sắc của người dân rẻo cao biên giới. Chợ phiên Nậm Cắn quy tụ đồng bào các dân tộc: Mông, Thái, Khơ Mú... |
Giao thông miền núi ngày nay đã khá hơn, lại có phương tiện cơ giới nên đi chợ phiên không còn vất vả nữa. Ở đây, nhiều người già nếu sức khỏe còn tốt thường không bỏ sót phiên chợ nào, nhất là phiên cuối năm để được đắm say trong tiếng khèn gọi bạn, hòa mình trong không khí đông vui cho bõ những ngày thầm lặng nơi bản làng heo hút.
Rất nhiều loại hàng hóa từ nhiều vùng miền đã được đưa lên đây, trong đó phần lớn là thực phẩm chuẩn bị đón Tết. Mặt hàng chủ lực của người Việt ở phiên chợ chủ yếu là quần áo, giày dép, đồ gia dụng... Còn tiểu thương Lào lại cung ứng vải thổ cẩm, ẩm thực cho du khách đi chợ. Cải Mông, gà đen là những thực phẩm ưa thích của người Việt, trong khi đó bạn Lào lại chú ý muối, mực khô, cá biển, cá đồng... Người mua lẫn người bán cùng ngắm nghía thật lâu món hàng. Ở đây người ta có thể trả bằng tiền Lào hoặc tiền Việt. Để tăng cường giao lưu, hợp tác giữa hai nước, chính quyền địa phương nơi đây đã ban hành nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện cho người dân hai nước có cơ hội thường xuyên gặp gỡ và giao thương.
Đến chiều chợ vãn dần, mọi người tranh thủ chất hàng lên gùi, lên xe, lên ngựa để về nhà kẻo mặt trời khuất núi. Sau một ngày gặp gỡ bạn bè, trao nhau địa chỉ và số điện thoại giữa chợ, mặt ai cũng chứa đầy niềm vui, trên lưng chứa đầy hàng. Chỉ tạm xa nhau vài ngày thôi, mọi người lại xuống chợ gặp nhau ở phiên chợ đầu năm mới.
Vàng mùa cải nương
Nắng vàng ban mai sánh như mật rừng choàng xuống nương cải, mang cái dịu nhẹ sau Tết về đỉnh núi của người Thái, người Mông tự bao giờ. Nắng đầu năm vàng hơn, cái vàng được nhuộm sắc của bạt ngàn hoa cải, người bạn thân quen của đồng bào trên núi từ bao đời nay.
Miền xuôi có đủ loại cải, nhiều đến khó nhớ. Vậy mà ngược đường biên mùa này, ngẩn ngơ gặp rực vàng hoa cải nương cheo leo Huồi Tụ, Nậm Cắn (Kỳ Sơn) hay Tri Lễ, Cắm Muộn (Quế Phong) của người Mông, người Thái mà nhớ khó quên. Cữ này, người miền cao lên đốt nương sau vụ lúa chín, vãi hạt cải làm thức rau ăn quanh năm. Cũng đâu cần chăm bón nhiều, tro rạ nương đã ủ vị mặn mòi bón cho những mầm cải lên xanh. Giống cải nương mạnh mẽ cứ thế mà vươn lên xanh tốt nơi triền miên trên những dải núi cao xanh. Một mùa cải ngọt lành của miền Tây xứ Nghệ đã bắt đầu như thế.
Rau cải Lào - một loại rau bà con Nhân dân trồng trong các khu rừng giáp biên giới Nghệ An đem ra chợ bán. |
Cũng chỉ cỡ non tháng, cải đã bén xanh khắp đỉnh núi, triền nương, hốc đá, mỏm đất. Giống rau ưa đất núi mọc cao ngang ngực người, từng bẹ rau lá xanh mỡ màng, mép lá quăn tít tựa mào gà, thân căng mọng nước. Đến khi cho thu hoạch, cải xanh um chen nhau trong bế, trong gùi theo người về bản làm rau ăn hằng ngày. Mỗi chiều, nương cải loang loáng một màu xanh, ánh lên bởi mặt trời rọi chiếu. Mấy cô thiếu nữ Mông đeo gùi sau lưng lúi húi nhổ cải. Ở bên kia đồi, mấy cô gái Thái cũng xoải cánh tay trong bộ váy áo sặc sỡ sắc màu để hái rau cải, cho vào gùi, vào giỏ đeo nặng sau lưng.
Những ngày rét lạnh, trên chiếc mâm mây không thể thiếu món rau cải. Món rau núi thật sạch, thật giòn và thật ngon. Cải nương được hái về còn tươi mỡ màng, ngắt bỏ cuống già, cho vào luộc nhừ rồi chấm với muối gừng thì ngon biết mấy. Cũng là món rau cải Mông, miếng thịt lợn sấy trên gác bếp mùa trước, lấy xuống đập đập mấy cái cho bay bồ hóng, ngâm nước sôi chừng nửa tiếng rồi thái lát mỏng xào lẫn rau cải xanh. Thế là được một đặc sản chỉ có nơi những bản xa này.
Khi mùa rau cải sắp vãn, người Mông hái về muối ăn dần. Chỉ cần mấy củ gừng núi, củ giềng thái lát, rau cải phơi tái thế mà mấy bà mẹ Mông muối hàng chục ống nứa dưa cải to để hong nắng ngoài triền đồi. Chỉ vài hôm sau, cải ngấm muối ngả vàng, màu vàng suộm, giòn tan, thơm thơm cay cay. Ở mấy bản xa hơn, thức tươi hiếm hoi, bà con lại chọn ngày nắng nhiều đem lá cải ra phơi kĩ, cất dành cho những ngày rét mướt. Thứ cải khô này thường được nấu với thịt gà Mông băm nhỏ. Ngồi bên bếp hồng, ngoài trời sương giá chực len qua mái nhà, vách gỗ pơ mu, thưởng thức nồi canh cải gà ri với cơm gạo nương thì ấm lòng lắm lắm.
Cuối mùa cải, người ta thôi không hái nữa bởi còn phải dành đơm hoa kết trái, làm giống đến mùa sau. Thế là, núi đồi sau nhiều ngày mang trên mình màu áo xanh mỡ màng của cải nương thì giờ choàng lên màu vàng của tấm áo mới. Một mùa hoa tuyệt đẹp nơi núi rừng, mùa hoa cải, mùa hoa mang sắc vàng còn hơn cả mật ong, hơn cả nắng sớm mùa Thu. Hôm trước chỉ lác đác mấy cây cải cao lêu đêu ra hoa, mấy hôm sau, cả triền núi, cải đua nhau trổ hoa, sắc vàng lan tràn từ đỉnh núi xuống chân núi, từ đỉnh núi này sang đỉnh núi kia.
Mùa cải, mùa vàng về và đi trong hanh hao của sắc Xuân mới, trong cái se lạnh của tiết trời hòa vào vẻ sặc sỡ của những bộ váy Mông trên những mỏm đá. Mùa cải nương đang về ở một vùng miền Tây xứ Nghệ trong núi đồi xanh thẳm.