Chính phủ nỗ lực hết sức có thể để đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp
Tin tức - Sự kiện 09/08/2021 11:19
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ để lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Sáng 8/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp và bộ, ngành, địa phương để lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Càng trong khó khăn, phức tạp, càng phải giữ vững bản lĩnh và niềm tin, quyết tâm không để khủng hoảng y tế, khủng hoảng kinh tế - xã hội, phấn đấu cao nhất đưa đất nước ta trở lại bình thường trong thời gian nhanh nhất.
Doanh nghiệp đối mặt nhiều khó khăn
Theo Báo cáo của Bộ KH&ĐT, tính đến tháng 7/2021, cả nước có khoảng 840.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Với tinh thần đồng hành với doanh nghiệp, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách, đưa ra giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần duy trì tăng trưởng GDP dương năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,64%.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định: Ngay từ đầu năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã và đang nêu cao tinh thần chia sẻ đồng hành cùng đất nước, vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh khó khăn để duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động.
Ở những nơi, những thời điểm dịch bệnh chưa bị ảnh hưởng nhiều, các doanh nghiệp đã nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh và ứng dụng các giải pháp, công nghệ số để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; nhất là tập trung khai thác thị trường nội địa, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh mới.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Điều đáng mừng là khi dịch bệnh căng thẳng, các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam không chỉ chủ động có những giải pháp linh hoạt tự thích ứng, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, mà còn có nhiều hoạt động hỗ trợ người dân, cộng đồng, đóng góp lớn về tài chính vào Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19 và mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế cho các địa phương, thể hiện tinh thần trách nhiệm, nghĩa cử cao đẹp của doanh nghiệp Việt Nam đối với đất nước. Nhiều sáng kiến được triển khai như ATM gạo, ATM ô xy, bữa cơm miễn phí, siêu thị 0 đồng...
“Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 với biến chủng Delta, đặc biệt bắt đầu từ tháng 7/2021, đã khiến cho những mảng màu xám loang rất nhanh trong bức tranh toàn cảnh khu vực doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Các nguồn lực dữ trữ đang cạn dần trong khi thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Một điểm đáng quan tâm hơn nữa là đợt dịch thứ 4 này đã xâm nhập và tác động tiêu cực tới các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung một lượng lớn người lao động, nhất là ở các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, sản xuất quy mô lớn, ảnh hưởng lớn đến kinh tế địa phương và cả nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với đại diện doanh nghiệp tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Quyết tâm, nêu cao tinh thần vượt khó
Tại Hội nghị, cộng đồng doanh nghiệp khẳng định quyết tâm mạnh mẽ trong nêu cao tinh thần vượt khó, ý chí phấn đấu, tự lực, tự cường, nỗ lực ứng phó và thích ứng với tình hình mới; duy trì hiệu quả các hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo công ăn việc làm cho người lao động; nỗ lực cùng cả hệ thống chính trị và toàn dân thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”, vừa chống dịch, vừa duy trì và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.
Ý kiến phát biểu của các doanh nghiệp tại Hội nghị khẳng định trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và ngân sách còn eo hẹp, nhưng Chính phủ đã hết sức nỗ lực trong bố trí, thu xếp các nguồn tài chính để có những khoản hỗ trợ rất thiết thực cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất. Điều này khẳng định chủ trương nhất quán của Chính phủ là đồng hành cùng doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ tài chính, giải quyết các vướng mắc về cơ chế, chính sách…
Ông Vũ Tiến Lộc đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quan tâm hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách để tiếp tục tạo điều kiện, cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh trên tinh thần an toàn trước dịch bệnh. Đồng thời, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để ngày càng mở rộng, thiết lập các “vùng xanh” nhằm giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội, duy trì và phát triển được các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đại diện một số hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp đề nghị các cấp có thẩm quyền cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ, nhất là đối với các tỉnh phía Nam, để kịp thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động, ổn định đời sống. Đồng thời, đề nghị cần có những giải pháp quyết liệt hơn trong hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa các cơ hội do các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà nước ta đã tham gia mang lại.
Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Nguyễn Hoài Nam cho biết dịch bệnh đã làm cho hoạt động chế biến, xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các tỉnh phía Nam. Ông Nguyễn Hoài Nam đề xuất đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm và nâng tỷ lệ bao phủ vaccine đối với ngư dân, các doanh nghiệp chế biến; tiếp tục có chính sách hỗ trợ tiền điện; có các hướng dẫn cụ thể hơn về y tế tại chỗ đối với khu vực kinh tế này, nhất là hướng dẫn cách ly y tế khi phát hiện có các ca F0, F1, tránh tình trạng bị đóng cửa toàn bộ nhà máy;…
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp châu Âu phát biểu. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam cho rằng điều quan trọng nhất thời gian tới với ngành du lịch là làm sao mở rộng được các “vùng xanh” an toàn và biện pháp kết nối các vùng này với nhau. Cùng với đó, chuẩn bị, thí điểm cho việc mở cửa với thế giới khi Việt Nam tiêm đủ vaccine cho đa số người dân.
Nhiều ý kiến hiệp hội ngành hàng đề nghị cần có các chỉ đạo cụ thể trong thống kê, kiểm kê, đánh giá hàng tồn kho; đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine ở những ngành hàng, lĩnh vực có lực lượng lao động lớn; bảo đảm duy trì các đường dây nóng hoạt động 24/24, nhất là xử lý nhanh vấn đề ách tắc hàng hóa trong lưu thông, phân phối; đưa nhóm mặt hàng điện tử, linh kiện điện tử vào luồng xanh; thống nhất trên toàn quốc các tiêu chí về vùng xanh; không để xảy ra tình trạng khủng hoảng về lao động, việc làm...
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu… đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong hoạt động đồng hành cùng doanh nghiệp; cho rằng những khó khăn mà doanh nghiệp phản ánh đã được Chính phủ, các cơ quan chức năng của Việt Nam xử lý, giải quyết rất kịp thời. Những nội dung mà Chính phủ Việt Nam cam kết với các doanh nghiệp FID được chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả, theo đúng cam kết.
Cộng đồng doanh nghiệp FDI mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục triển khai sâu rộng, hiệu quả hơn nữa chiến lược vaccine phòng COVID-19; quan tâm, bảo đảm ngày càng có nhiều lao động ở khu vực doanh nghiệp FDI được tiêm; duy trì tốt chuỗi cung ứng, nhất là cung ứng lao động cho các doanh nghiệp FDI; tạo điều kiện hơn nữa cho các chuyên gia nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam trên tinh thần bảo đảm an toàn về dịch bệnh;…
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương chia sẻ kinh nghiệm trong việc xét nghiệm tại các doanh nghiệp để duy trì sản xuất, các mô hình “nhà trọ an toàn”, giao thông an toàn “một cung đường, hai điểm đến”... Khẳng định các mô hình này có thể triển khai bền vững, lâu dài, ông Lê Ánh Dương đề nghị tăng cường phân cấp cho các địa phương, đồng thời thực hiện thống nhất trên toàn quốc các quy định về lưu thông hàng hóa để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đại diện các doanh nghiệp tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Không đặt ra các điều kiện, yêu cầu gây ách tắc lưu thông hàng hóa
Trao đổi, giải đáp, chia sẻ với doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng việc thực hiện mục tiêu kép là một chủ trương đúng đắn. Khi kinh tế thế giới phục hồi rất nhanh, tổng cầu đang lên, nếu chúng ta không làm được hoặc làm không khéo nhiệm vụ phát triển kinh tế thì chắc chắn sẽ bị tụt hậu. Những chính sách đã được ban hành cần được thực hiện một cách linh động, sáng tạo.
Bộ trưởng đề nghị các địa phương phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về vấn đề lưu thông hàng hóa trên tinh thần hàng hóa nào cũng là thiết yếu, chỉ trừ hàng cấm, không đặt ra các điều kiện, yêu cầu khác biệt, gây ách tắc lưu thông.
Đối với kiến nghị của doanh nghiệp về giảm giá điện, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định sẽ làm việc với EVN để xem xét, giải quyết, nhất là giảm giá điện cho nhóm ngành chế biến nông, thủy sản theo ý kiến đề xuất của nhiều doanh nghiệp tại Hội nghị.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết ông đã ký văn bản phê bình nghiêm khắc Giám đốc Sở GTVT Thành phố Hải Phòng không tham mưu cho lãnh đạo TP. Hải Phòng thực hiện nghiêm chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về lưu thông hàng hóa. “Là cửa ngõ lưu thông hàng hóa của cả miền Bắc, Hải Phòng cần hết sức nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, không để xảy ra một trường hợp nào nữa”, Bộ trưởng phát biểu.
“Thay mặt ngành giao thông và các địa phương, chúng tôi xin nhận trách nhiệm với các doanh nghiệp về tình trạng ùn tắc giao thông ở một số nơi thời gian qua”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu. Bộ duy trì họp giao ban mỗi tuần 3 lần để tổng kết, rút kinh nghiệm, ngoài ra còn có các nhóm công tác để giải quyết ngay các phản ánh, kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ đã cấp mã QR cho các xe vận tải hàng hóa, lái xe và phụ xe có xét nghiệm âm tính có giá trị 72 giờ, chỉ kiểm tra ở điểm đầu và điểm cuối, nếu địa phương nào không thực hiện là làm trái.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định Chính phủ, Thủ tướng không có bất kỳ một văn bản nào về việc hạn chế lưu thông hàng hóa, nhưng nhiều địa phương hiểu và áp dụng chưa đúng, máy móc. Thậm chí, tại các nơi phong tỏa, giãn cách, Thủ tướng Chính phủ còn nhấn mạnh thêm việc phải bảo đảm hàng hóa, các nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung làm rõ kiến nghị liên quan tới việc quyết toán thuế năm 2020 để doanh nghiệp được hỗ trợ; tiếp thu các ý kiến doanh nghiệp về giấy phép với lao động nước ngoài để tạo điều kiện thông thoáng nhất, thuận lợi nhất; vận dụng Nghị quyết cho phép của Quốc hội để có thể làm thêm quá 40 giờ mỗi tháng…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị các địa phương cần thực hiện nghiêm, nhất quán các chỉ đạo của Chính phủ trong vấn đề bảo đảm lưu thông, di chuyển hàng hóa, tránh gây tình trạng ách tắc hàng hóa trong lưu thông. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Mỗi doanh nghiệp phải là một pháo đài chống dịch
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành bày tỏ đồng tình cao với nhiều đề xuất của doanh nghiệp đối với các cơ quan chức năng trong tháo gỡ khó khăn, nhất là tháo gỡ khó khăn về lãi suất ngân hàng, thuế; tập trung thúc đẩy các dự án đầu tư công để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương cần thực hiện nghiêm, nhất quán các chỉ đạo của Chính phủ trong vấn đề bảo đảm lưu thông, di chuyển hàng hóa, tránh gây tình trạng ách tắc hàng hóa trong lưu thông từ địa phương này, đến địa phương khác.
“Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 là cuộc chiến lâu dài. Các doanh nghiệp với vai trò quan trọng trong nền kinh tế cần có những giải pháp thiết thực, khả thi để giữ vững pháo đài chống dịch; phải chuẩn bị tốt các trang thiết bị y tế, các giải pháp để phát hiện sớm dịch bệnh, duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ cho doanh nghiệp của mình thực sự là một đơn vị xanh trong chống dịch cũng như thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm đời sống, thu nhập, an toàn cho người lao động”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, trong khả năng cho phép, Chính phủ đã thu xếp, bố trí nguồn lực để hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất thông qua các chính sách tài chính, tài khóa như việc miễn giảm thuế, hỗ trợ lãi suất, giảm tiền điện, nước, cước viễn thông… đối với doanh nghiệp, người dân.
Thời gian tới, Chính phủ và các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục vận dụng, thực hiện các chính sách tài khóa, tài chính, tiền tệ linh hoạt để tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đề nghị các doanh nghiệp từ hoạt động thực tiễn tiếp tục đề xuất những chính sách hỗ trợ trên tinh thần bảo đảm sát thực, hiệu quả, tránh trục lợi chính sách.
Các Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm, tiếp thu các ý kiến của doanh nghiệp tại Hội nghị để xử lý, đề xuất các chính sách hỗ trợ hiệu quả, kịp thời đối với doanh nghiệp trên cơ sở bảo đảm cân đối ngân sách, nguồn lực cũng như bảo đảm công bằng, khách quan, đúng đối tượng…
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Thời gian tới, Chính phủ và các cơ quan chức năng sẽ tiếp vận dụng, thực hiện các chính sách tài khóa, tài chính, tiền tệ linh động, linh hoạt để tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Cố gắng đáp ứng cao nhất có thể trong điều kiện có thể
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ Hội nghị đã thống nhất nhận thức, quan điểm, một số nhiệm vụ, giải pháp và cách tổ chức thực hiện để vừa chống dịch thành công, vừa có thể phát triển kinh tế xã hội. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng một lần nữa ghi nhận và đánh giá cao sự chung tay, chung sức, đồng lòng, chia sẻ trong lúc khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp với Đảng, Nhà nước, cùng các cấp, các ngành và nhân dân trong công tác phòng chống dịch. Cộng đồng doanh nghiệp đã có những đóng góp rất quan trọng, thiết thực, hiệu quả và kịp thời về nhiều mặt, góp phần vào những thành tựu, kết quả chung của cả nước trong những năm vừa qua, nhất là từ năm 2020 tới nay.
Thủ tướng cũng đánh giá rất cao các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm, xây dựng, sát thực tế, thể hiện sự đồng lòng giữa các doanh nghiệp với Đảng, Nhà nước và nhân dân, với nỗ lực và quyết tâm khắc phục khó khăn.
Thủ tướng đề nghị Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các cơ quan liên quan chắt lọc, tiếp thu tất cả những ý kiến xác đáng, tâm huyết, trách nhiệm để hoàn thành, trình Chính phủ ban hành một Nghị quyết về phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay. Những ngày tới, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về một số giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 để thực hiện theo Nghị quyết số 30 của Quốc hội. “Hai Nghị quyết này cố gắng đáp ứng những gì cao nhất có thể trong điều kiện có thể của nền kinh tế, của đất nước ta, trong thẩm quyền của Chính phủ”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong bối cảnh hết sức khó khăn do dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới, đặc biệt là tại khu vực Đông Nam Á, dịch bệnh trong nước cũng diễn biến nhanh, khó lường, Thủ tướng đánh giá cao các các địa phương đã kiểm soát tốt dịch bệnh và những nơi tâm dịch vẫn đang cố gắng, nỗ lực phấn đấu hết mình, huy động cả hệ thống chính trị và người dân, doanh nghiệp vào cuộc để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Với sự cố gắng, nỗ lực đó, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,64%, là mức cao so với các nước trong khu vực trên thế giới. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp, thấp nhất trong 6 năm vừa qua. Thu ngân sách Nhà nước 7 tháng đạt 67,9% dự toán, tăng 15,6% so với cùng kỳ. Chi ngân sách được quản lý chặt chẽ. Đặc biệt, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu từ đầu năm đến nay tăng 30,2% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt trên 10,5 tỷ USD, tăng 3,8%. An ninh an toàn cho người dân cơ bản được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được tăng cường; chủ quyền quốc gia được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai rất tích cực, chủ động, đồng bộ, hiệu quả. Chúng ta kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Có được kết quả như vậy là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Phải có niềm tin chiến thắng và bản lĩnh để vượt qua
Thủ tướng nêu rõ, tình hình trước mắt cũng như lâu dài có thời cơ, thuận lợi đan xen với khó khăn, thách thức, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi và thời cơ. Phải thống nhất nhận thức như vậy để trên cơ sở đó xác định tư tưởng chỉ đạo, quan điểm, những nhiệm vụ giải pháp phù hợp với tình hình, biến khó khăn, thách thức thành thời cơ, thuận lợi. Đặc biệt, phải kế thừa những thành tựu đã đạt được trước đây, phát huy những tinh hoa tốt đẹp nhất của dân tộc để phấn đấu, vượt qua khó khăn, khẳng định và trưởng thành, với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và chuyển từ phòng ngự sang tấn công.
Thủ tướng nhắc lại, chúng ta đặt mục tiêu cao nhất là không để khủng hoảng y tế, lấy sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; không để khủng hoảng kinh tế - xã hội, phấn đấu cao nhất đưa đất nước ta trở lại bình thường trong thời gian nhanh nhất có thể.
Thủ tướng nhấn mạnh để phòng chống dịch bệnh, chúng ta phải chấp nhận chịu hy sinh, mất mát, quyết tâm thực hiện việc giãn cách xã hội, tránh lây nhiễm giữa người với người. “Khi cơ thể có bệnh thì phải chấp nhận đau đớn để mổ xẻ, để đổi lại sự khỏe mạnh và bình yên”. Các biện pháp phải được thực hiện quyết liệt, thống nhất, chặt chẽ với sự giám sát, quản lý từ phía Nhà nước và ý thức, trách nhiệm của người dân được nâng cao.
Báo cáo của Bộ KH&ĐT, các ý kiến phát biểu đã nêu 8 nhóm khó khăn của doanh nghiệp và một số khó khăn khác. “Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất thấu hiểu và chia sẻ trước những khó khăn “tứ phương, bốn hướng” với cộng đồng doanh nghiệp, với người dân. Nhưng chúng ta không vì thế đánh mất sự lạc quan, đánh mất bản lĩnh, đánh mất niềm tin. Chúng ta phải có niềm tin chiến thắng, phải có bản lĩnh để vượt qua. Càng khó khăn, càng phức tạp càng phải giữ bản lĩnh của dân tộc ta, của mỗi người dân, càng phải phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến của nhau, phát huy trí tuệ tập thể, sự đoàn kết của toàn dân để chiến đấu chống dịch và sản xuất”.
Thấu hiểu những khó khăn đó, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách, cố gắng hết mình trong điều kiện cao nhất có thể của nền kinh tế. Quốc hội đã khẩn trương ban hành Nghị quyết rất kịp thời để ủng hộ Chính phủ triển khai các giải pháp cần thiết. Chính phủ đã rất chủ động ban hành các biện pháp hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp nhằm vượt qua những khó khăn như Nghị định 52, Nghị định 75, các Nghị quyết 84/NQ-CP, Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết 68/NQ-CP và cắt giảm nhiều thủ tục hành chính. Một số chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đã có kết quả như chính sách cho vay doanh nghiệp (hoãn giãn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí).
“Thẩm quyền của Chính phủ tới đâu thì Chính phủ tận dụng tối đa tới đó, cái gì vướng thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ cố gắng giải quyết. Rất mong các doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục nêu ra các vướng mắc trong các văn bản, vướng mắc từ thực tiễn bởi các quy định dù có làm kỹ đến đâu cũng không bao phủ hết được các góc cạnh của cuộc sống rất phong phú”, Thủ tướng đề nghị.
Thủ tướng nêu rõ, công tác chống dịch hiện nay chưa có tiền lệ, ban đầu có những lúng túng, bị động nhất định, nhưng nếu chúng ta bình tĩnh, kiên định, sáng suốt thì sẽ tìm được giải pháp, hướng đi, như “ba tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đến”..., vừa tham khảo kinh nghiệm các nước, vừa tổng kết từ các mô hình hay tại các địa phương, điều chỉnh, hoàn thiện dần. Thực tế, nhiều địa phương đã có giải pháp linh hoạt, sáng tạo, đạt tăng trưởng khá trong nửa đầu năm như Vĩnh Phúc tăng 14,2%; Hải Phòng tăng 13,52%; Hà Nam tăng 10,41%; Bắc Giang tăng 10,2%...
Thủ tướng khẳng định Chính phủ đang làm và sẽ làm hết sức có thể trong điều kiện có thể trên tinh thần tính toán tổng thể, toàn diện, hài hòa, hợp lý, hiệu quả, phù hợp với hoàn cảnh, không để mất cân đối vĩ mô, khủng hoảng kinh tế. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Chính phủ đang và sẽ nỗ lực hết sức trong điều kiện có thể
Thủ tướng nêu rõ Hội nghị đã trao đổi và thống nhất quan điểm về một số nội dung lớn. Trước hết, mỗi người dân khỏe mạnh, mỗi doanh nghiệp khỏe mạnh thì đất nước khỏe mạnh. Chúng ta phải tiếp tục, kiên trì giải pháp đã đề ra. Trong lúc này, ưu tiên số 1 trên cả nước là khống chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, những nơi nào an toàn thì tiếp tục duy trì và đẩy mạnh sản xuất.
Nội dung lớn thứ hai được thống nhất tại Hội nghị là đẩy mạnh thực hiện chiến lược vaccine. Thủ tướng nhắc lại 3 nội hàm chính của chiến lược vaccine. Trước hết, nhập khẩu vaccine nhiều nhất, sớm nhất có thể. Trong bối cảnh khan hiếm vaccine trên toàn cầu, chúng ta đã nỗ lực tiếp cận vaccine bằng mọi kênh khác nhau, trong đó có đẩy mạnh ngoại giao vaccine. Thủ tướng cho biết theo đề nghị của doanh nghiệp, có những đêm ông viết hàng chục lá thư giới thiệu nhưng đến nay, các doanh nghiệp và địa phương dù rất tích cực vẫn chưa thể tiếp cận được nguồn cung do các nhà cung cấp chỉ làm việc với Nhà nước.
Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và sản xuất vaccine trong nước. Công tác này hiện đã đạt một số kết quả bước đầu nhưng do đây là việc liên quan tới sức khỏe và người dân cho nên không thể nóng vội về mặt chuyên môn và khoa học, dù cần cắt giảm tối đa về mặt thủ tục và hành chính. Đồng thời, tổ chức thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine miễn phí cho người dân, điều chỉnh các đối tượng, địa bàn ưu tiên cho phù hợp với thực tế, mục tiêu cuối cùng là hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống.
Về các biện pháp tài khóa và tiền tệ, Thủ tướng khẳng định Chính phủ đang làm và sẽ làm hết sức có thể trong điều kiện có thể trên tinh thần tính toán tổng thể, toàn diện, hài hòa, hợp lý, hiệu quả, phù hợp với hoàn cảnh, không để mất cân đối vĩ mô, khủng hoảng kinh tế. Điều này đòi hỏi tất cả phải suy nghĩ, cộng đồng trách nhiệm trên tinh thần yêu nước, đại đoàn kết dân tộc, “không để làm chỗ này hổng chỗ kia”. Thủ tướng nhắc lại, mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn trên tinh thần hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro.
Thủ tướng Chính phủ sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Vừa qua, Chính phủ đã phân công nhiệm vụ rất cụ thể cho Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và sẽ tiếp tục điều chỉnh, bổ sung phù hợp thực tiễn, trên tinh thần phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, tăng cường giám sát, kiểm tra.
Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT với vai trò là cơ quan thường trực của Tổ công tác đặc biệt, tiếp tục nắm bắt tình hình khó khăn của doanh nghiệp, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những giải pháp kịp thời, cấp bách.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp khẩn trương tiêm vaccine cho người lao động, đặc biệt ở các thành phố lớn, các tỉnh có nhiều khu công nghiệp; điều chỉnh quy trình phòng chống dịch bệnh để các địa phương, doanh nghiệp tùy điều kiện thực tế có thể áp dụng, sớm ổn định lại sản xuất kinh doanh trong bối cảnh mới, hết sức linh hoạt, không phụ thuộc địa giới hành chính hay thời gian.
Bộ Tài chính khẩn trương triển khai các giải pháp về miễn, giảm thuế để nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động. Đồng thời, đưa ra các giải pháp phát triển thị trường chứng khoán để thúc đẩy nguồn vốn trung và dài hạn, giảm tỷ lệ vốn lớn vào hệ thống ngân hàng, tránh rủi ro cho nền kinh tế. Tinh thần chung của Chính phủ là đẩy mạnh hợp tác công tư, chính sách tiền tệ, tài khóa phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; nguồn lực nhà nước dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực ngoài nhà nước.
Bộ GTVT xây dựng các giải pháp để hàng hóa sản xuất ra phải được lưu thông, vận chuyển trong nước và quốc tế. Tinh thần chung là các chính sách Chính phủ đưa ra phải thực hiện nhất quán, nếu có vướng mắc trong thực tế thì các địa phương đề xuất điều chỉnh chứ không tự ý thực hiện, ban hành các giấy phép con.
Bộ LĐTB&XH đôn đốc triển khai các giải pháp hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp, có thể mở rộng đối tượng, quy mô trong điều kiện cho phép....
Bộ Công Thương nhanh chóng triển khai các giải pháp kết nối tiêu thụ hàng hóa. Bộ NN&PTNT triển khai các giải pháp bảo đảm sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nhất là bảo đảm nguyên liệu, sản xuất liên tục cho các sản phẩm tiêu dùng ở những nơi thực hiện giãn cách xã hội.
Bộ Xây dựng nghiên cứu quy hoạch và xây dựng khu nhà ở cho công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất khu kinh tế... Vấn đề này hiện vướng luật, cần báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét giải quyết.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp và tiếp tục tính toán giảm lãi suất và điều chỉnh chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, cho vay mới phù hợp với tình hình.
Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thiện các biện pháp kỹ thuật, công nghệ để ứng dụng trong phòng chống dịch.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương đẩy nhanh triển khai các chính sách hỗ trợ đã được ban hành; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh nếu có đủ điều kiện. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng yêu cầu các địa phương đẩy nhanh triển khai các chính sách hỗ trợ đã được ban hành; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh nếu có đủ điều kiện; hạn chế tối đa các hoạt động thanh, kiểm tra trong khi đang phải thực hiện các biện pháp chống dịch; phối hợp cùng các bộ, ngành, tổ chức hiệp hội để trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong thời dịch.
Các tổ chức, hiệp hội cần phát huy vai trò trong hỗ trợ doanh nghiệp thành viên, đặc biệt đẩy mạnh các hoạt động kết nối, chia sẻ thông tin, giúp các doanh nghiệp cùng nhau vượt qua khó khăn.
Về phía các doanh nghiệp, Thủ tướng mong muốn cần nâng cao chất lượng quản trị, chất lượng hoạt động và khả năng chống chọi với những cú sốc bên trong và bên ngoài để phát triển bền vững và bài bản.
Thủ tướng nhắc lại Chính phủ và các chính quyền địa phương luôn đồng hành, sát cánh, chia sẻ, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, tri ân những nghĩa cử, hành động cao đẹp, đóng góp chung tay để cùng đất nước bước qua những thời điểm khó khăn, trong đó có cả các doanh nghiệp FDI, không nề hà đáp ứng những lời kêu gọi từ phía chính quyền.
“Bất kỳ lúc nào và nhất là những lúc khó khăn, Chính phủ thể hiện và khẳng định tinh thần đổi mới, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, tất cả vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Tinh thần là nói ít làm nhiều, nói đi đôi với làm, chú trọng hiệu quả, không phô trương hình thức, xem người dân và doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm phục vụ”, Thủ tướng nêu rõ.
Thử thách rất lớn, nhưng đây là thời điểm “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, Thủ tướng tin đội ngũ doanh nhân Việt Nam hiện nay không chỉ vượt qua được dịch COVID-19 mà còn tạo dựng được thương hiệu riêng, đóng góp vào sự phát triển của đất nước với những giá trị đẹp đẽ nhất của người kinh doanh là Tâm-Tài-Trí -Tín.
“Kinh tế có thể khó khăn nhưng niềm tin trong xã hội chúng ta được củng cố. Nguồn lực và sức mạnh từ niềm tin là vô cùng to lớn và là một trong những yếu tố có tính chất quyết định. Tôi tin tưởng rằng, với sự chung tay, đồng hành, sự tham gia tích cực của đồng bào, chiến sĩ, của cộng đồng doanh nghiệp, đất nước ta không chỉ chiến thắng đại dịch mà còn mang tinh thần, cảm hứng từ chiến thắng đó, từ tinh thần yêu nước đó, tự hào dân tộc đó, đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phục hồi và phát triển kinh tế nhanh chóng và bền vững. Tinh thần là mỗi địa phương, doanh nghiệp, mỗi cơ quan, đơn vị là một pháo đài chống dịch và sản xuất kinh doanh, mỗi người dân, mỗi công nhân là một chiến sĩ xung kích trên mặt trận chống dịch và trong sản xuất”, Thủ tướng nhấn mạnh./.