Chế tài pháp luật đối với tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”
Tin pháp luật 18/10/2023 10:18
Quá trình điều tra xác định, trong thời gian giữ chức vụ Phó Giám đốc Ban Quản lí dự án đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm, ông Trần Trí Anh đã có hành vi lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản...
Theo đó, ông Anh bị cơ quan tố tụng cáo buộc đã chiếm đoạt 600 triệu đồng của một doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội. Vụ án đang được điều tra mở rộng.
Dươi góc độ pháp lí, TS, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, đây là tội danh có chủ thể đặc biệt, phải là người có chức vụ quyền hạn; là người được Nhà nước giao phó chức trách, nhiệm vụ hoặc được phân công nhiệm vụ để thực hiện vì lợi ích chung, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước.Tuy nhiên, người này đã sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình một cách trái pháp luật để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của tổ chức, cá nhân khác.
Bị can Trần Trí Anh tại cơ quan điều tra. Ảnh cơ quan CA cung cấp |
Bộ luật Hình sự (BLHS) không giải thích thế nào là hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn. Tuy nhiên, về mặt lí luận pháp lí, hành vi lạm dụng là hành vi sử dụng quá mức, vượt quá giới hạn cho phép.
Hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 355 BLHS là sử dụng vượt quá quyền hạn, chức trách, nhiệm vụ được giao hoặc tuy không được giao, không được phân công nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực đó nhưng vẫn thực hiện.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Người có chức vụ, quyền hạn đã dựa vào chức vụ, quyền hạn của mình để thực hiện các hành vi vượt quá giới hạn quyền lực để ép buộc, yêu cầu tổ chức cá nhân thuộc phạm vi quản lí của mình, các tổ chức, cá nhân phụ thuộc mình phải đưa tài sản rồi chiếm đoạt.
Tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” khác với tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là việc sử dụng quyền lực trong giới hạn hay vượt ngoài giới hạn.
Nếu việc sử dụng quyền lực trong giới hạn để chiếm đoạt tài sản, đây là hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, còn nếu vượt quá giới hạn quyền lực để chiếm đoạt tài sản thì đó là lạm dụng chức vụ quyền hạn.
Để buộc tội đối với bị can trong vụ án này, cơ quan tiến hành tố tụng cần thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh người này là người có chức vụ quyền hạn nhưng đã thực hiện hành vi vượt quá giới hạn quyền lực của mình, sử dụng chức vụ quyền hạn như một phương thức để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn là hành vi nào? thể hiện qua các tài liệu chứng cứ gì? Và chứng minh hành vi này nhằm mục đích để chiếm đoạt tài sản của doanh nghiệp.
Với số tiền chiếm đoạt 600 triệu đồng và nếu hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm, bị can trong vụ án này có thể phải đối mặt với khung hình phạt quy định tại Khoản 3, Điều 355 BLHS là phạt tù từ 13 năm đến 20 năm.
Luật sư Đặng Văn Cường phân tích: “Hiện nay đang là khởi đầu của vụ án hình sự, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi, làm rõ hậu quả, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Đồng thời làm rõ mặt chủ quan của tội phạm, bao gồm lỗi, động cơ, mục đích phạm tội và xác định số tiền chiếm đoạt làm căn cứ để xử lí”.