Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, thích ứng với già hóa dân số
Chăm sóc NCT 12/07/2024 18:03
Già hóa dân số và những thách thức
Tuổi thọ người Việt Nam hiện nay đã tăng cao, tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh của người Việt Nam năm 2023 là 73,7 tuổi; trong đó, tuổi thọ trung bình của nam giới là 71,1 tuổi, của nữ giới là 76,5 tuổi. So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh của Việt Nam hiện nay đứng thứ 4 trong khu vực.
Sự già hóa dân số mang đến cả cơ hội và thách thức. Về cơ hội, già hóa dân số có thể thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực như bảo hiểm, ngân hàng, dinh dưỡng, du lịch, đổi mới công nghệ và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất hoặc quản lý trong bối cảnh thiếu lực lượng lao động.
Các hoạt động điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân như: cắt tóc, gội đầu, truyền thông về phòng bệnh...tại Bệnh viện Lão khoa TƯ góp phần nâng cao hiệu quả điều trị, giúp người bệnh cao tuổi giảm nhẹ, vơi bớt nỗi đau, tạo động lực để chiến thắng bệnh tật, sớm trở về với người thân và cộng đồng. Ảnh: Bệnh viện Lão khoa TƯ |
Tuy nhiên, già hóa dân số cũng đặt ra những thách thức nghiêm trọng về tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội, lao động, thiết kế cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Chúng ta đang phải đối diện với gánh nặng bệnh tật lớn, trung bình một người cao tuổi (NCT) ở Việt Nam mắc 3 bệnh với khoảng 95% NCT có bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, sa sút trí tuệ, tim mạch,…
Hiện nay, các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường đã được đưa về tuyến y tế cơ sở, giúp NCT được quản lý và điều trị ngay tại cộng đồng. Tuy nhiên, các bệnh lý phức tạp như sa sút trí tuệ, Parkison...thì chưa thể triển khai tại cộng đồng do tuyến y tế cơ sở chưa đủ năng lực chẩn đoán và điều trị các bệnh lý này. Khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho NCT ở nước ta hiện vẫn còn hết sức hạn chế.
“Theo Thông tư số 35 ngày 31/1/2021 của Bộ Y tế, tất cả các bệnh viện tuyến tỉnh trở lên đều phải thành lập khoa lão. Tuy nhiên, hiện số lượng bác sĩ được đào tạo về chuyên ngành lão khoa còn rất ít. Nhân viên làm việc trong các khoa lão tại các bệnh viện tuyến tỉnh hiện tại chưa đủ kiến thức cũng như chưa được đào tạo bài bản về chuyên ngành lão khoa. Vì vậy, khi chăm sóc sức khỏe cho NCT còn gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề chẩn đoán, theo dõi và chỉ định can thiệp một cách phù hợp” TS.BS Trần Viết Lực, Bệnh viện Lão khoa Trung ương nhận xét.
Đời sống vật chất của NCT ở nước ta nay còn nhiều khó khăn. Đặc biệt những trường hợp sống ở vùng sâu vùng xa, không có thu nhập hàng tháng nên không có điều kiện thăm khám sức khỏe định kỳ. Do đó, đa số bệnh nhân cao tuổi được phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn, dẫn đến việc điều trị khó khăn và tốn kém.
Để cải thiện sức khỏe NCT, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đã đề cập và đưa ra những mục tiêu cụ thể về chăm sóc NCT, trong đó có chăm sóc y tế. Nhà nước đã có chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí đối với người từ 80 tuổi trở lên. Tuy nhiên, để ứng phó với vấn đề già hóa dân số cũng như đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của NCT, theo TS. BS Trần Viết Lực, hệ thống y tế cần được củng cố và có những thay đổi phù hợp với thực tế.
Chăm sóc sức khỏe NCT không chỉ là nhiệm vụ riêng của ngành y tế mà cần có sự chung tay của gia đình và xã hội. Cùng với đó, việc triển khai các hoạt động tuyên truyền nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe NCT tại cộng đồng, tổ chức các câu lạc bộ sức khỏe cho NCT, đào tạo đội ngũ tình nguyện viện, nhân viên công tác xã hội hỗ trợ chăm sóc người già tại nhà, mở rộng và xây dựng các trung tâm dưỡng lão… cũng là những nhu cầu bức thiết và cần được quan tâm để thích ứng với già hóa dân số.
Người cao tuổi cần được chăm sóc đúng cách
Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, để chăm sóc tốt cho sức khoẻ người cao tuổi cần quan tâm tới cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Bên cạnh sự quan tâm của gia đình và xã hội giúp chăm sóc sức khỏe tinh thần thì để chăm sóc sức khỏe thể chất người cao tuổi cần chú ý những điều sau:
Giao lưu Câu lạc bộ Khiêu vũ thể thao NCT tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Thanh Hà |
Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Chế độ dinh dưỡng là một yếu tố không thể bỏ qua. Nếu biết cách cân bằng dinh dưỡng NCT sẽ có sức khỏe tốt và tinh thần lạc quan. Người cao tuổi cần ăn uống cân đối các nhóm dưỡng chất (gồm chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất). Nên ăn các thức ăn thực vật như: vừng, lạc, đậu đỗ, rau xanh và hoa quả chín, ăn ít thịt thay vào đó là cá, tôm,… vì người cao tuổi, tiêu hóa hấp thụ chất đạm kém nên dễ xảy ra tình trạng thiếu đạm. Ở đậu, lạc, vừng và cá đều có nhiều chất đạm lại có nhiều chất dầu giúp đề phòng các bệnh về tim mạch. Bên cạnh đó, khi ăn, cần ăn chậm nhai kỹ thức ăn. Chế biến các món hấp, luộc nhừ thay thế các món chiên, nướng. Các món ăn chế biến mềm, thái nhỏ, hầm kỹ để phù hợp với hàm răng yếu và dễ tiêu hóa. Không ăn quá no, nhất là vào buổi tối, sau khi ăn xong nên ngồi nghỉ ngơi hoặc đi lại nhẹ nhàng trong vòng 30 phút sẽ giúp dạ dày nhào trộn thức ăn và dễ tiêu.
Tiết mục văn nghệ của Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau NCT Hà Nội. Ảnh: Thanh Hà |
Vận động và luyện tập thể dục thường xuyên giúp giảm các vấn đề liên quan đến tuổi tác và lão hóa. Luyện tập thể dục đều đặn giúp tăng cường sức khỏe, hạn chế mắc các bệnh tim mạch, góp phần làm giảm cân nặng trong trường hợp thừa cân, chống loãng xương, cải thiện cơ lực và các hoạt động chức năng, cải thiện về mặt tâm lý. Người cao tuổi nên chọn bài tập thể dục phù hợp với sức khỏe, sở thích, dễ thực hiện như đi bộ, tập thể dục dưỡng sinh, yoga, chơi cờ,...
Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần: thông qua việc làm này có thể giúp người cao tuổi phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý tiềm ẩn nếu có.