Cách hạn chế tác dụng phụ của hóa trị ung thư
Sức khỏe 14/09/2023 10:41
Theo quan niệm của Đông y, tia phóng xạ và hóa chất là những tác nhân có tính “nhiệt” gây nên các triệu chứng như miệng khô, khát nước, đau họng, phiền táo...
Bên cạnh việc hủy diệt các tế bào ung thư, tia phóng xạ và hóa chất đồng thời cũng phá hoại, làm tổn thương một số cơ quan và tổ chức của cơ thể, gây những phản ứng bất lợi, như toàn thân mệt mỏi, chán ăn, tiêu hóa kém, họng đau, khó nuốt...
Không ít trường hợp, những phản ứng bất lợi này làm ảnh hưởng xấu đến kết quả điều trị và làm cho người bệnh lâm vào tình trạng suy dinh dưỡng, khiến bệnh tình càng thêm trầm trọng. Vì vậy, việc tìm ra những biện pháp cải thiện dinh dưỡng và hạn chế những tác dụng phụ có hại của tia phóng xạ và hóa chất là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng, luôn luôn được thầy thuốc và bệnh nhân quan tâm.
Cách hạn chế tác dụng phụ của hóa trị ung thư |
Để khắc phục những tác dụng phụ nói trên, nói chung cần sử dụng những loại đông dược và thức ăn có tính hàn lương (lạnh, mát), có tác dụng “tư âm, dưỡng huyết, sinh tân” (nuôi âm, bổ máu và làm tăng dịch thể) để hỗ trợ cơ thể trong quá trình điều trị.
1. Người bệnh ung thư giai đoạn đầu khi “nguyên khí” chưa hư tổn nặng
Giai đoạn này hệ miễn dịch vẫn còn có khả năng chống lại bệnh, cần tập trung vào việc nâng cao thể chất và tăng cường sức chống bệnh của hệ thống miễn dịch. Nếu xuất hiện các triệu chứng như môi khô, lưỡi rát, miệng khô khát nước, cổ họng nóng đau, khản tiếng... cần dùng những thức ăn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tư âm sinh tân hoặc một số loại nước như nước ép dưa hấu, nước ép ngó sen, nước luộc đậu xanh, nước chè xanh, nước ép sơn tra, nước ép táo tây...
Một số món dược thiện cụ thể:
Bài 1: Ngó sen gọt bỏ vỏ, ép lấy 100ml nước cốt, hòa thêm với 20ml mật ong; mỗi ngày uống 2 lần (buổi sáng và buổi tối). Ngó sen cần chọn thứ còn tươi, rửa sạch, gọt vỏ xong rửa lại một lần nữa rồi mới ép lấy nước cốt.
Bài 2: Đỗ xanh 20g (loại bỏ tạp chất, bỏ những hạt lép, hạt bị mọt...), bách hợp 10g, thêm 250ml nước, ngâm cho ngấm kĩ, sau đó cho vào nồi áp suất nấu nhừ, thêm 20g đường phèn vào trộn đều, ăn cả nước cả cái. Ngày 2 lần, liên tục trong nhiều ngày sau khi điều trị bằng phóng xạ.
Bài 3: Móng chân lợn 200g, xuyên sơn giáp (sao) 50g, bột ngó sen 100g. Tất cả đem hầm với tim lợn ăn, chia thành 2 lần ăn vào sáng và chiều, ăn liên tục trong 7 ngày.
2. Người bệnh ung thư giai đoạn “nguyên khí” đã bị thương tổn nặng
Giai đoạn này hệ miễn dịch đã suy yếu hoặc rất yếu ớt, các tế bào ung thư có cơ hội phát triển mạnh. Người bệnh thường có những chứng trạng như mắt hoa, đầu choáng váng, da mặt xanh nhợt, toàn thân mệt mỏi, ngại nói, tim đập loạn nhịp, mất ngủ, không muốn ăn, ăn ít, lượng hồng cầu trong máu giảm xuống thấp...
Lúc này cần dùng những món ăn có tác dụng tăng cường thể chất và sức chống bệnh. Thường dùng các vị thuốc và thức ăn như nhân sâm, kỉ tử, hoài sơn, sơn tra, đại táo, nấm hương, mộc nhĩ, tỏi, lạc, vừng, trứng, mẫu lệ...
Mặt khác, nên sử dụng thêm những thức ăn có hàm lượng cao các vitamin A, vitamin C, vitamin E, caroten và kẽm.
Bài 1: Lạc nhân 20g, gạo tẻ 50g, đại táo 10 quả (bỏ hạt) nấu thành cháo; đồng thời dùng hoàng kỳ 15g đem sắc kĩ lấy nước (bỏ bã) hòa vào cháo, chia thành 2 phần, ăn hết trong ngày.
Bài 2: Ý dĩ 60g, ngân nhĩ 30g, uất kim 24g, tỏi 10 nhánh, nấu cùng với 2 con ếch đã lột da; ngày dùng 2 lần, ăn vào buổi sáng và buổi chiều, ăn liên tục trong 10 ngày.
Bài 3: Sơn dược 60g, hạt sen 10g, gạo tẻ 50g, nấu cháo ăn hàng ngày, có tác dụng kiện tỳ ích khí, giúp cơ thể khôi phục chính khí.
Tuy nhiên, bệnh ung thư diễn biến rất phức tạp, vì vậy việc sử dụng dược thiện để hạn chế tác dụng phụ của xạ trị, hóa trị, hỗ trợ điều trị, tốt nhất cần tiến hành dưới sự tư vấn, giám sát của thầy thuốc chuyên khoa.