Các đập Trung Quốc giữ nước sông Mekong
Câu chuyện quốc tế 12/05/2020 10:54
Trong đợt khô hạn bất thường vào mùa mưa năm ngoái ở hạ lưu sông Mekong thì thượng nguồn sông Mekong vẫn có dòng chảy lớn. Các đập thủy điện của Trung Quốc đã giữ lại lượng nước cao kỉ lục.
Các đập Trung Quốc giữ lượng nước rất lớn
Các nhà nghiên cứu của Eyes on Earth, tổ chức chuyên tư vấn về nước, dùng dữ liệu độ ẩm ở thượng nguồn, đo được nhờ vệ tinh, để mô phỏng mực nước “tự nhiên” khi xuống tới hạ lưu - tức mực nước nếu không có sự can thiệp nào đến dòng chảy, chẳng hạn đập thủy điện ở thượng nguồn.
Độ ẩm ở thượng nguồn sẽ là do các yếu tố như mưa và tuyết tan. Nhóm nghiên cứu sẽ xem mực nước thực tế khác đi bao nhiêu so với mực nước “tự nhiên”, nhờ đó xác định tác động của các đập thủy điện Trung Quốc lên dòng chảy ở hạ lưu, vào một thời điểm nhất định.
Với dữ liệu từ năm 1992 đến 2012, mực nước “tự nhiên” theo mô phỏng và mực nước thực tế ở trạm Chiang Saen (Thái Lan) - trạm xa nhất ở hạ lưu đi lên phía thượng nguồn, gần với biên giới Trung Quốc khá trùng khớp, cho thấy tính chính xác của mô hình. Cả hai mực nước “tự nhiên” và thực tế đều lên đỉnh rồi xuống đáy theo mùa mưa - mùa khô.
Năm 2019, vùng hạ lưu sông Mekong đã ghi nhận đợt hạn hán kỉ lục trong vòng 50 năm |
Nhưng từ năm 2012, mực nước thực tế lên xuống bất thường hơn, nhiều giai đoạn lên xuống không theo mùa mưa - mùa khô và cũng không dao động lớn như mực nước “tự nhiên”. Đáng chú ý, từ năm 2012, mực nước thực tế cao nhất vào mỗi mùa mưa (từ khoảng tháng 5) đều thấp hơn đáng kể so với mực nước “tự nhiên” lúc đó (cũng đang ở đỉnh).
Năm 2012 cũng là năm hoàn thành đập thủy điện Nọa Trát Độ (Nouzhadu) ở thượng nguồn, hiện là đập lớn nhất của Trung Quốc trên dòng Mekong (công suất 5.850 MW và lượng giữ nước lên tới 27 tỉ m3).
Dữ liệu của Eyes on Earth cho thấy thượng nguồn sông Mekong vẫn có lượng mưa trên trung bình, nhưng các đập của Trung Quốc đã giữ lại lượng nước kỉ lục.
Nguyên nhân thực sự đợt hạn kỉ lục 2019?
Lượng mưa thấp hơn bình thường tại hạ lưu cũng được cho là nguyên nhân khiến mực nước sông Mekong giảm kỉ lục mùa Hè năm ngoái. Thông cáo ngày 18/7/2019 của Ủy hội sông Mekong nói lượng mưa giảm và thời tiết khô nóng hơn bình thường là nguyên nhân khiến nước sông Mekong xuống thấp kỉ lục.
Somkiat Prajumwong, Tổng Thư kí Văn phòng Tài nguyên Nước Thái Lan, nói: “Hiện chúng tôi chưa rõ nguyên nhân của đợt hạn. Nguyên nhân ban đầu là biến đổi khí hậu, nhưng nguyên nhân chính vẫn chưa được xác định”. Ông đề nghị nghiên cứu chung thêm với Trung Quốc. Một nghiên cứu trước đây ước tính dòng chảy từ Trung Quốc đóng góp tới 40% dòng chảy ở hạ lưu vào mùa khô.
Chính phủ Trung Quốc phản bác nghiên cứu của Eyes on Earth và nói nguyên nhân là hạn hán. Năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo quy trách nhiệm cho Trung Quốc trong việc gây ra hạn hán ở hạ lưu sông Mekong.
Khu vực đồng bằng sông Cửu Long có thể bị ảnh hưởng lớn nếu dòng chảy bị giảm đi. “Nước biển sẽ vào sâu hơn, sẽ dẫn đến vấn đề xâm nhập mặn, thách thức cho nông nghiệp và gây lũ lụt”, ông Eyler nói.
Thông tin về các đập Trung Quốc cần được minh bạch
Dù không giải thích nguyên nhân đợt hạn năm 2019, đóng góp lớn nhất từ nghiên cứu của Eyes on Earth là sự minh bạch, hé lộ tác động của các đập thượng nguồn tới hạ lưu, trong bối cảnh Trung Quốc vẫn từ chối chia sẻ dữ liệu giữ nước và xả nước. Ông Brian Eyler nói, điều quan trọng nhất ở nghiên cứu này là cho thấy “thời kì bí mật sẽ kết thúc” đối với các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong.
“Trong nhiều thập kỉ, thông tin của Trung Quốc về hoạt động của các đập và lượng nước xả ra giống như chiếc “hộp đen” và không được chia sẻ thường xuyên với các nước hạ lưu”, ông Eyler nói. “Cách duy nhất để biết thêm về các đập đó là thông qua ảnh vệ tinh”.
“Điều này có thể gây sức ép lên Trung Quốc phải chia sẻ thêm dữ liệu, hay khuyến khích Trung Quốc giảm bớt tình trạng hạn hán cực độ trong tương lai” cho vùng hạ lưu, theo Jake Brunner, Trưởng nhóm Liên minh quốc tế bảo vệ thiên nhiên, khu vực Đông Dương.