Bộ GD&ĐT đề xuất phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 với 2 môn bắt buộc
Giáo dục 15/11/2023 17:26
Bộ GD&ĐT cho biết đã lấy ý kiến rộng rãi về 3 phương án thi. Trong đó, phương án 1 là thí sinh thi 2 môn bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn (trong các môn Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ); phương án 2 gồm 3 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ) và 2 môn tự chọn; phương án 3 là thi 4 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử) và 2 môn tự chọn.
Kết quả, đa số chọn phương án 2 hoặc 3 môn bắt buộc. Cụ thể, khi khảo sát gần 130.700 cán bộ, giáo viên về phương án 2 và 3, gần 74% chọn phương án 2. Sau đó, Bộ khảo sát thêm khoảng 18.000 cán bộ, giáo viên ở TP.Hồ Chí Minh, Long An, Tây Ninh, Lạng Sơn và Bắc Giang với cả 3 phương án thì 60% chọn phương án 1 (thi 2 môn bắt buộc).
Đặc biệt, Bộ GD&ĐT cũng lấy ý kiến 10 chuyên gia tại cuộc họp do Văn phòng Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực phối hợp với Cục Quản lý chất lượng hôm 5/10. Kết quả, 6 chuyên gia chọn phương án thi 2 môn bắt buộc, 3 ý kiến chọn phương án thi 3 môn bắt buộc và một ý kiến khác.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại phiên họp Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, tại Hà Nội, ngày 14/11. Ảnh: VGP |
Dựa trên những kết quả này cùng các ý kiến góp ý và những nguyên tắc cốt lõi trong xây dựng phương án thi, Bộ GD&ĐT kiến nghị kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 gồm 2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn (phương án 2+2).
Lý do mà Bộ đưa ra là giảm áp lực thi cử cho học sinh, giảm chi phí cho gia đình các em và cả xã hội bởi so với kỳ thi hiện tại, số môn thi giảm 2, số buổi thi giảm 1.
Phương án này cũng không gây mất cân bằng giữa khối khoa học xã hội hay khoa học tự nhiên. Tỷ lệ thí sinh chọn tổ hợp khoa học xã hội của 3 năm gần đây luôn khoảng 64-68%.
Với 9 môn lựa chọn, Bộ GD&ĐT cho rằng học sinh đã được kiểm tra, đánh giá toàn diện, thể hiện điểm số trong học bạ. Việc được lựa chọn 2 môn thi tạo điều kiện để thí sinh theo đuổi định hướng nghề nghiệp, năng lực và sở thích của bản thân.
Đề thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ theo hướng tăng cường đánh giá năng lực, phù hợp với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Môn Ngữ văn thi tự luận, các môn còn lại thi trắc nghiệm, tương tự hiện nay.
Bộ cũng dự kiến giữ ổn định thi tốt nghiệp THPT trên giấy đến năm 2030, song song với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; sau năm 2030 từng bước thí điểm thi trên máy tính với các môn trắc nghiệm ở những nơi đủ điều kiện.
Tại cuộc họp ngày 14/11, do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì, Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực dành nhiều thời gian thảo luận về các đề xuất của Bộ GD&ĐT đối với các phương án tổ chức thi và xét tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Theo các đại biểu, phương án thi tốt nghiệp phải tiếp cận đồng bộ, bài bản, tập trung đầu tư cho ngân hàng đề thi chuẩn hoá cho tất cả địa phương, vùng miền. Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, mục tiêu số 1 của kỳ thi tốt nghiệp THPT là đánh giá được chất lượng đào tạo bậc phổ thông. |
Vì sao thí sinh làm lộ đề thi tốt nghiệp THPT môn Văn ở Cao Bằng bị khởi tố? Công an tỉnh Cao Bằng cho biết đã ra quyết định khởi tố đối với 3 bị can gồm: Vũ Trung Hiếu (18 tuổi, trú ... |
Thí sinh ở Yên Bái làm lộ đề thi tốt nghiệp THPT môn Toán bị khởi tố Công an tỉnh Yên Bái thông tin, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi ... |
Thu ngân sách 10 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1.398,7 nghìn tỷ đồng Theo báo cáo của Bộ Tài chính, lũy kế 10 tháng thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.398,7 nghìn tỷ đồng, bằng 86,3% dự ... |