Bình Thuận: Vùng cao Hàm Cần, Mỹ Thạnh thiếu nước mùa khô
Tin tức 31/03/2024 14:59
Con sông Bà Bích trơ đá và lòi cát lòng sông |
Khát nước
Cuối tháng 3, chúng tôi về Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam. Đây là xã vùng sâu, vùng cao đồng bào dân tộc thiểu số Rai của Bình Thuận. Ngang những cánh rừng mùa khô lá rụng nhiều, những bụi tre nứa ven đường chỉ còn trơ cành. Cầu Bà Bích ngày nào nhìn xuống nước chảy trong veo trên những khe đá giờ cũng trơ đáy, còn vài vũng đen ngòm.
Với sự dẫn đường của lãnh đạo địa phương chúng tôi vào rừng nơi có con sông Bà Bích cấp nước cho bà con ở đây cách tầm hơn 4km. Mới hơn 9h mà đã thấy nóng ran. Mọi khi vào rừng là thấy không khí mát mẻ nhưng mùa khô đi ngang những khu ruộng khô cháy, con đường hai bên chỉ còn những cây gai, cây tạp, có vài gốc cây to cũng bị mục rỗng, cháy... cũng khiến không khí hầm hơn. Dọc đường gặp hai người dân đi lấy tàn ong về. Hỏi chuyện các chị bảo mùa này chỉ đi lượm lặt cái gì thêm để ăn chứ hạn có trồng được gì đâu. Đến nơi thật sự chúng tôi không nghĩ đó là con sông bởi chỉ còn những tảng đá, có đoạn trơ hết cả đáy, lòi cát khiến ai cũng nghĩ đấy chỉ là con đường trong rừng. Bắt gặp một nhóm anh em che bạt đang khoan đá trong khu vực để thăm dò địa chất.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam cho biết: “Đây là nơi sẽ làm đập ngăn trữ nước trong dự án hồ Sông Móng-Kapet. Nếu không ngăn trữ nước thì khi tới mùa khô nước đổ về trôi sạch chỉ còn trơ đáy như thế này thôi. Hàm Thuận Nam phải nói có những nơi khô hạn nhất Bình Thuận, năm nào cũng vậy, cứ tới mùa khô là thiếu nước". Còn ông Trần Ngọc Quảng, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh thì nói: "Bà con cần nước lắm, quanh năm chỉ sản xuất được 1 vụ lúa nhờ nước trời. Có trồng thêm bắp và một số cây khác nhưng cũng bị chết cháy, không đậu trái được vì thiếu nước. Mong muốn của bà con ở đây sớm có cái hồ trữ nước lại...".
Cũng nhiều lần lên Hàm Cần, Mỹ Thạnh trao quà từ thiện cho bà con nơi đây, nói chuyện mới hiểu hết nỗi vất vả, nhọc nhằn của đồng bào vùng cao. Thiếu nước người dân phải vét thêm từng hố nhỏ còn sót lại dưới lòng sông Linh để chắt nước bỏ vào chai, can nhựa mang về dùng. Trồng trọt không được, có nhà phải đi lụm phân bò bán lấy tiền mua gạo. Mặc dù được Nhà nước rất quan tâm đầu tư về nhiều mặt, nhưng cái đói, cái nghèo vẫn cứ quấn lấy..
Hồ thủy lợi nhiều nhưng đã cạn
Công trình đập dâng Hàm Cần thuộc địa bàn thôn 3, xã Hàm Cần, Chi nhánh Thủy lợi Hàm Thuận Nam đang trực tiếp quản lý và vận hành. Công trình này, theo thiết kế có nhiệm vụ tưới cho 200ha đất canh tác và cấp nước sinh hoạt cho vùng bào dân tộc thiểu số thuộc thôn 3, xã Hàm Cần. Những năm gần đây, tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, lượng nước trên sông giảm nhanh. Hàng năm, khoảng tháng 12 là không còn nước và đến tháng 6 mới có nước trở lại, do thời tiết có mưa. Vì vậy hiện nay, công trình này chỉ cấp nước tưới cho khoảng 40ha cây lúa vụ Hè Thu và vụ Mùa vào mùa mưa. Vào mùa khô, công trình này không có nguồn nước để phục vụ tưới cho khoảng 150ha cây thanh long trong khu tưới, người dân phải tự đào ao, khoan giếng để tưới, vì công trình này đến nay nguồn nước không còn.
Đến hồ Tà Mon khi cái nắng đã lên gần đỉnh đầu, nhìn lòng hồ trơ đáy, nứt nẻ, tít xa mới thấy còn vũng nước ít ỏi nơi sâu nhất tự dưng thấy chóng mặt. Tranh thủ chụp ít hình chúng tôi vội đi lên vì cái nắng chát chúa nơi đây khi hồ cạn nước. Do ảnh hưởng hiện tượng El Nino nên tình hình nguồn nước không được thuận lợi, mùa mưa kết thúc sớm nên trong tháng 11/2023 hồ Tà Mon đã mở nước phục vụ tưới cho cây thanh long. Trong mùa khô năm 2023-2024 hồ Tà Mon đã mở nước phục vụ tưới được 7 phiên tưới và phiên tưới cuối cùng kết thúc vào ngày 2/3/2024, vì hồ hết nước. Chi nhánh Thủy lợi Hàm Thuận Nam đã có các văn bản gửi UBND xã Tân Lập về việc tuyên truyền vận động người dân không chong đèn thanh long trái vụ và có giải pháp tưới tiết kiệm, mở rộng thêm ao, khoan giếng, đắp các cản, đập tạm trên suối để tích trữ nguồn nước nhằm đảm bảo phục vụ sản xuất.
Tương tự các hồ khác như công trình hồ chứa nước Ba Bàu có 2 tuyến kênh gồm kênh chính Đông và kênh chính Bắc, với diện tích tưới là 3.646ha. Hiện hồ Ba Bàu đang mở nước phục vụ tưới cho 2 tuyến kênh gồm: kênh chính Đông dự kiến kết thúc phiên tưới vào ngày 30/3/2024 và kênh chính Bắc dự kiến kết thúc phiên tưới vào ngày 4/4/2024. Đây cũng là phiên tưới cuối cùng của 2 tuyến kênh...
Thay lời kết
Thực trạng thiếu nước tại một số xã ở Hàm Thuận Nam nhất là Hàm Cần, Mỹ Thạnh ngày càng đến hồi báo động, các cấp, ngành chức năng đang nỗ lực ra các giải pháp để điều tiết nước sinh hoạt cầm cự,còn nước tưới thì quá khó khăn cho hơn 2000ha cây nông nghiệp ở 2 xã vùng cao này. Theo lãnh đạo cũng như bà con vùng này mong muốn sớm làm hồ Sông Móng- KaPet để có nước phục vụ đời sống cũng như sản xuất ổn định hơn. Nếu dự án hoàn thành sẽ nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam; cấp nước thô cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II 2,63 triệu m3/năm; tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và TP Phan Thiết; phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận; tăng dòng chảy trong mùa khô, góp phần cải thiện môi trường sinh thái vùng hạ du nhất là đoạn qua TP Phan Thiết, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ của Bình Thuận.
Ra về, khát khô cổ nhưng chúng tôi chỉ dám nhấp môi chút nước mang theo trong chai. Trĩu nặng trong lòng khi những hình ảnh bà con chắt từng miếng nước giữa lòng sông về dùng. Nếu không có giải pháp căn cơ xây thêm hồ ở vùng cao này thì cứ đến mùa khô không lẽ lại "lạy trời mưa xuống..."!?
Cây cháy khô và ruộng bỏ hoang vì thiếu nước |
Phóng viên tại lòng hồ Tà Mon |
Gặp người dân đi lấy tàng ong |
Ông Nguyễn Lê Thành, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông tặng quà cho 25 hộ trong vùng dự án ở Mỹ Thạnh |