Bình Định: Bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh
Tin tức 11/06/2024 07:54
Quang cảnh Hội nghị |
Di tích quốc gia đặc biệt Tháp Dương Long tại huyện Tây Sơn. |
Tỉnh Bình Định hiện có 149 di tích, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 34 di tích quốc gia, 113 di tích cấp tỉnh. Trong những năm qua, UBND tỉnh Bình Định giao Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định quản lý hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh; Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định giao Bảo tàng tỉnh Bình Định quản lý hệ thống tháp chăm, di tích lịch sử cách mạng và các di tích danh lam thắng cảnh.
Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định Tạ Xuân Chánh cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lí và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Bình Định vẫn còn những hạn chế nhất định, trong đó có tình trạng một vài di tích bị xâm hại. UBND tỉnh Bình Định ban hành Quyết định số 16, ngày 24/6/2024 về Quy chế Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Trong đó, giao Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định trực tiếp quản lý và phát huy 22 di tích; phân cấp cho các địa phương trực tiếp quản lý 127 di tích.
UBND tỉnh Bình Định thống nhất quản lý Nhà nước các di tích đã được xếp hạng và công trình thuộc danh mục kiểm kê di tích được UBND tỉnh phê duyệt trên địa bàn tỉnh.
Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định là cơ quan chuyên môn có trách nhiệm tham mưu, đề xuất UBND tỉnh quản lý Nhà nước các di tích trên địa bàn tỉnh. Trực tiếp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích quốc gia đặc biệt. Các di tích quốc gia (trừ một số di tích quốc gia gắn với các hoạt động phát huy giá trị về lịch sử, văn hóa hoặc điều kiện quản lý của địa phương) và một số di tích cấp tỉnh về phong trào Tây Sơn trên địa bàn huyện Tây Sơn.
UBND cấp huyện thực hiện việc quản lý Nhà nước về di tích trên địa bàn. Trực tiếp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích cấp tỉnh (trừ một số di tích cấp tỉnh về phong trào Tây Sơn trên địa bàn huyện Tây Sơn), một số di tích quốc gia (gắn với các hoạt động phát huy giá trị về lịch sử, văn hóa hoặc điều kiện quản lý của địa phương) và các công trình thuộc danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, các sở, ngành liên quan quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích do Sở Văn hóa và Thể thao, các tổ chức, cá nhân khác trực tiếp quản lý trên địa bàn.
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về Quy chế Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bình Định. Các đại biểu cho ý kiến dự thảo hướng dẫn của Sở Văn hóa và Thể thao về việc thành lập ban/tổ quản lý di tích ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Định; chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý và phát huy di tích trên địa bàn.