Biện pháp ngăn ngừa thoái hóa khớp ở người cao tuổi
Sức khỏe 06/05/2024 09:58
Ảnh minh họa |
Thoái hóa khớp thường xảy ra ở các khớp theo thứ tự nhiều ít là: Cột sống thắt lưng, cột sống cổ, khớp gối, khớp háng, khớp ngón tay, khớp vai và các khớp khác. Bệnh thường biểu hiện bằng các triệu chứng như đau kiểu “cơ giới”, hạn chế vận động, biến dạng khớp, có tiếng lạo sạo, lục cục khi vận động khớp, teo cơ, tràn dịch khớp, có thể sưng, nóng, đỏ ở khớp và biểu hiện toàn thân như sốt, mệt mói, suy nhược cơ thể... Việc khám xét, làm các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh là hết sức cần thiết để chẩn đoán xác định và đánh giá mức độ của thoái hóa. Thoái hóa khớp là một bệnh không quá nguy hiểm nhưng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đúng cách thì có thể gây ra nhiều hệ lụy như suy nhược thần kinh, trầm cảm, dính khớp và teo cơ gây tàn phế, gãy xương, hoại tử xương, chấn thương do té ngã, xẹp lún và trượt đốt sống, thoát vị đĩa đêm cột sống gây chén ép các đám rối thần kinh gây liệt bại... Bởi vậy, việc phòng ngừa thoái hóa khớp ở người cao tuổi là hết sức quan trọng. Trên thực tế, quá trình lão hóa tự nhiên và việc loại trừ triệt để các yếu tố nguy cơ là hết sức khó khăn, thoái hóa khớp không thể chữa khỏi triệt để, nhưng với việc phòng ngừa tích cực, chúng ta hoàn toàn có thể làm chậm quá trình lão hóa, ổn định bệnh lí và dự phòng tích cực các biến chứng có thể xảy ra. Các biện pháp phòng ngừa thoái hóa khớp ở người cao tuổi cụ thể như sau:
1. Duy trì đời sống tinh thần, thói quen sinh hoạt và lao động khoa học hợp lí
Trước hết, người cao tuổi phải hiểu về bệnh một cách đầy đủ, từ đó có được một đời sống tinh thần lạc quan và hoan hỉ, một tâm thế sẵn sàng “chúng sống với lũ nhưng không để bị lũ cuốn trôi”. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng, đặc biệt đối với những người thuộc thể loại thần kinh yếu, phụ nữ, người bị bệnh nặng... Tiếp đến là luôn tạo thói quen sinhn hoạt và lao động khoa học và hợp lí như:
- Chống các tư thế xấu trong sinh hoạt và lao động. Duy trì tư thế đúng khi ngồi, đứng và làm việc để tránh tạo áp lực không cần thiết lên khớp.
- Tránh các động tác quá mạnh, đột ngột và sai tư thế khi mang vác, đẩy, xách... các vật dụng nặng. Hạn chế mang vác quá nặng hoặc làm các động tác quá sức.
- Hết sức tránh bị chấn thương khớp, khi vận động đi lại, tập thể dục hoặc chơi thể thao chú ý không uốn cong quá 90 độ khi thực hiện động tác gập đầu gối, luôn giữ cho bàn chân bằng phẳng nhất có thể trong khi duỗi để tránh chấn thương ở đầu gối, khởi động trước khi tham gia các môn thể thao hoặc các hoạt động thể lực, mang giày vừa vặn, tập thể dục trên bề mặt mềm, có ma sát, tránh vận động trên các bề mặt cứng như đường nhựa, sân bê tông.
- Bảo đảm sử dụng thiết bị bảo hộ khi cần và tuân thủ các hướng dẫn an toàn khi tham gia vào các hoạt động lao động và vận động.