Bảo hiểm xã hội tỉnh Vĩnh Phúc: Vì mục tiêu an sinh xã hội bền vững
Xã hội 30/05/2024 14:55
PV: Những năm qua, công tác tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về Bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt nhiều kết quả, góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, ổn định cuộc sống cho người lao động và Nhân dân trên địa bàn, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, thưa Giám đốc?
Giám đốc Nguyễn Duy Phương: BHXH Vĩnh Phúc đã chủ động phối hợp cùng các sở, ban, ngành liên quan tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác BHXH, BHYT, BHTN, đặc biệt là các giải pháp phát triển phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương. Các chỉ tiêu bao phủ về BHXH, BHYT, BHTN là một trong những chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của chính quyền từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã hằng năm. Từ năm 2014 đến nay, tỉnh đã 4 lần kiện toàn, bổ sung thành viên, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo để phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ.
Giám đốc BHXH Vĩnh Phúc Nguyễn Duy Phương. |
Cùng với mức hỗ trợ của Nhà nước, BHXH tỉnh đã chủ động, tích cực tham mưu tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn như: Nghị quyết số 163 (năm 2014) của HĐND tỉnh về việc hỗ trợ kinh phí để thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015- 2020; Nghị quyết số 17 (năm 2020) quy định chính sách hỗ trợ người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2025; Nghị quyết số 03 (năm 2020) quy định chính sách hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020- 2025…
Để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, BHXH tỉnh đã nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, thực hiện đơn giản hóa và giảm số lượng các thủ tục hành chính toàn ngành; triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao trình độ chuyên môn cùng tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức… Do vậy, tính đến hết tháng 12/2023, BHXH tỉnh quản lí hơn 7.500 đơn vị, doanh nghiệp với hơn 274.700 người tham gia BHXH, chiếm 45,31% lực lượng lao động, vượt 6,31% so với chỉ tiêu Chính phủ giao và cao hơn 0,31% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (nhiệm kì 2020- 2025); số người tham gia BHTN gần 228.000 người, chiếm 37,63% lực lượng lao động, vượt 6,13% so với chỉ tiêu Nghị quyết số 01 của Chính phủ; số người tham gia BHYT là 1,151 triệu người, đạt 95,05% dân số, vượt 1,85% so với chỉ tiêu Nghị quyết số 01 của Chính phủ và 0,05% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
So với thời điểm khi tái lập tỉnh (1997), số người tham gia BHXH hiện nay đã tăng 254,9 nghìn người (gấp 13,9 lần), hơn 7.200 đơn vị (gấp 26,8 lần); số người tham gia BHYT từ 11% dân số lên 95% dân số ở thời điểm hiện tại…Cùng đó, số thu từ BHXH, BHYT, BHTN tăng hằng năm và luôn hoàn thành vượt mức chỉ tiêu, kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Nếu năm 1997, tổng thu BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 16,5 tỉ đồng, thì năm 2023 tổng thu là 6.460,5 tỉ đồng (gấp 391,5 lần). Từ năm 1997 đến hết tháng 4/2024, đã có hơn 1.947 triệu lượt người trên địa bàn tỉnh được giải quyết và thụ hưởng đầy đủ, kịp thời các chính sách BHXH; hơn 148 nghìn lượt người hưởng chế độ BHTN. Trung bình mỗi năm có hơn 43 nghìn người được hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng; hơn 1 triệu lượt người được bảo đảm quyền lợi khám chữa bệnh BHYT…
PV: Mục tiêu và các biện pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2024 của BHXH Vĩnh Phúc như thế nào, thưa Giám đốc?
Giám đốc Nguyễn Duy Phương: Mục tiêu trong năm 2024 của BHXH Vĩnh Phúc là phấn đấu nâng tỉ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh đạt 95,18% dân số; tỉ lệ tham gia BHXH đạt 45,52% lực lượng lao động và tỉ lệ lao động tham gia BHTN đạt 38,3% lực lượng lao động; số thu đạt từ 100% trở lên so với kế hoạch BHXH Việt Nam giao; giảm tỉ lệ số tiền chậm đóng xuống dưới mức 1,9% trên số phải thu…
Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đó, BHXH Vĩnh Phúc tiếp tục chủ động tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo về BHXH, BHYT, BHTN; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, các cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội để thực hiện thật chu đáo các chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn. Cùng đó, toàn ngành phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, quyết tâm, năng động, sáng tạo của từng bộ phận và của mỗi cá nhân; tăng cường các giải pháp gia tăng diện bao phủ BHXH, BHYT, BHTN; đổi mới nội dung công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số để ngày càng nâng cao chất lượng phục vụ, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia; sớm hoàn thành mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân trên địa bàn Vĩnh Phúc.
PV: Trân trọng cảm ơn Giám đốc!