Bảng nhãn Lương Đắc Bằng - Một người thầy mẫu mực
Giáo dục 21/11/2023 09:52
Bậc hiền tài nhà Hậu Lê
Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Lương Đắc Bằng tọa lạc trên diện tích khoảng 1.500m2, tại thôn Nam Hội Triều, xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Theo cuốn “Địa chí Hội Triều”, Lương Đắc Bằng, sinh năm 1472, tên thật là Lương Ngạn Ích. Ông là con của thầy đồ Lương Hay, từng đỗ Giải nguyên ở kì thi Hương, mẹ là bà Lê Thị Sử vốn dòng dõi khoa bảng.
Thuở nhỏ, cậu bé Lương Đắc Bằng đã bộc lộ tư chất thông minh, nổi tiếng là thần đồng. Năm lên tuổi 12, cha qua đời, nghe lời căn dặn, Lương Đắc Bằng tìm đến Trạng Lường Lương Thế Vinh, vốn là học trò của cha để theo học. Nhờ được thầy dốc sức dạy dỗ, Lương Đắc Bằng tiến bộ rất nhanh.
Năm 1494, Lương Đắc Bằng thi Hương đậu Giải nguyên. Đến năm 1499, ông đậu Hội nguyên rồi thi Đình đậu Bảng nhãn. Ở khoa thi này, trong triều đình có sự bàn tán, nên vua Lê Hiến Tông đã tổ chức kì thi đối ứng ngay tại sân Rồng để thử tài các tân khoa.
Với tri thức dồi dào, Lương Đắc Bằng đã khiến nhà vua và các đại thần hết sức kinh ngạc. Vua Lê Hiến Tông tán thưởng và quyết định đổi tên Ngạn Ích thành Lương Đắc Bằng nên ông mang tên này kể từ đó.
Bà Đỗ Thị Hạnh, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Hoằng Phong cùng các em học sinh Trường Tiểu học Hoằng Phong bên văn bia tại khu Lăng mộ cụ Lương Đắc Bằng. |
Sau khi đỗ Bảng nhãn, Lương Đắc Bằng lần lượt được bổ nhiệm các chức vụ Tả thị lang Bộ Lại, Đông các đại học sĩ, tước Đôn Trung Bá. Ông làm quan trải qua 4 triều vua gồm: Lê Hiến Tông, Lê Tương Dực, Lê Uy Mục và Lê Chiêu Tông. Dù làm quan ở cương vị nào, Lương Đắc Bằng vẫn nổi tiếng liêm khiết, chính trực, nhìn xa trông rộng và được nhiều người kính trọng.
Thế nhưng, vua Lê Hiến Tông ở ngôi được 8 năm thì băng hà, Lê Túc Tông kế ngôi nhưng tại vị được một năm cũng qua đời. Vua Lê Uy Mục lên ngôi song theo sử sách xưa, nhà vua hoang dâm lại nghiện rượu khiến dân chúng oán hận.
Trước tình cảnh rối ren của thời cuộc, năm 1509, Lương Đắc Bằng quyết định theo Nguyễn Văn Lang phò tá Giản Tu công Lê Oanh. Ông viết “Hịch dụ đại thần bách quan” tố cáo và kêu gọi mọi người khởi binh đánh vua Lê Uy Mục.
Sau khi Lê Oanh lên ngôi (tức vua Lê Tương Dực), Lương Đắc Bằng đã tâm huyết dâng vua 14 kế sách trị nước (còn gọi là Trị bình thập tứ sách). Lúc đầu, nhà vua khen ngợi coi đây là kế hay để trị nước. Triều thần vui mừng vì “Trị bình thập tứ sách” đã lo điều đáng lo, răn những điều đáng răn để quốc thái dân an. Tuy nhiên, không lâu sau nhà vua dần trễ nải việc triều chính khiến lòng dân oán thán.
Năm 1517, đời vua Lê Chiêu Tông, Lương Đắc Bằng cáo quan lui về dạy học, sống cuộc đời bình dị trong căn nhà gỗ lợp mái kè đơn sơ tại quê nhà. Học trò nhiều nơi biết tiếng đến học rất đông, lớp trước lớp sau có đến hàng ngàn người.
Trong số lớp lớp các thế hệ học trò tới học, có nhiều người đỗ đạt cao như: Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc, Thám hoa Nguyễn Thừa Hưu, Hoàng giáp Lại Kim Bảng. Ngoài ra, rất nhiều học trò của cụ đậu Tiến sĩ,...
Lương Đắc Bằng không chỉ dạy dỗ học trò về tri thức, mà còn đặc biệt quan tâm đến truyền thụ đạo lí, hun đúc chí hướng nhân tài để giúp nước, giúp đời. Ông cũng trao lại toàn bộ cuốn kì thi “Thái Ất thần kinh” cho Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đồng thời, căn dặn học trò giữ gìn và vận dụng những điều ghi chép trong sách để giúp nước, giúp đời.
Theo nhiều tài liệu ghi chép, Lương Đắc Bằng mất năm 1522. Trước khi qua đời, ông đã dặn dò Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm dạy dỗ người con trai của mình là Lương Hữu Khánh trở thành người có ích, giúp nước, giúp dân.
Sau này, nhờ sự tận tình dạy dỗ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lương Hữu Khánh học hành rất tiến bộ. Chỉ qua ba kì văn sách đã vượt trên Giáp Hải - một học trò khác của Trạng Trình. Khoa thi năm thứ chín, niên hiệu Đại Chính (1538), đời vua Mạc Đăng Doanh, Hữu Khánh được xếp thứ nhất. Ông sau đó bỏ thi Đình, trải qua nhiều biến cố rồi ra phò tá nhà Lê Trung Hưng, lập được nhiều chiến công hiển hách.
Khu lăng mộ và nhà thờ Bảng nhãn Lương Đắc Bằng được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1994.
Thế hệ sau tiếp nối truyền thống
Hiện tại, khu di tích đang được ông Lương Hữu Thao (61 tuổi) là hậu duệ đời thứ 25 trông coi và hương khói. Ông Thao cho biết, nơi thờ tự hiện nay cũng chính là căn nhà cụ Lương Đắc Bằng thuở xưa dạy học. Năm 2017, con cháu trong dòng họ đã đóng góp xây dựng thêm khuôn viên và khu văn bia tưởng niệm.
Theo ông Thao, tiếp nối niềm tự hào về truyền thống khoa bảng của cụ Lương Đắc Bằng, Lương Hữu Khánh, con cháu trong dòng họ luôn coi trọng sự học và giữ gìn phẩm chất. Nhiều thế hệ con cháu của cụ Lương Đắc Bằng đỗ đạt cao và giữ trọng trách ở các lĩnh vực khác nhau.
Bà Đỗ Thị Hạnh, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Hoằng Phong cho biết: “Sinh thời, cụ Lương Đắc Bằng không chỉ là vị quan chính trực, liêm khiết mà còn là người thầy mẫu mực. Vì vậy, hằng năm mỗi khi có học sinh đạt thành tích cao trong các kì thi, chính quyền và các nhà trường đều tổ chức cho các em tới dâng hương báo công tại di tích”.
Nhiều năm qua, công tác khuyến học - khuyến tài được dòng họ Lương cũng như các cấp ủy, đoàn thể và Hội Khuyến học xã quan tâm, chú trọng. Trong đó, duy trì hoạt động quỹ khuyến học với kinh phí lên tới hàng trăm triệu đồng để khen thưởng cho học sinh đạt thành tích cao trong các kì thi, trúng tuyển đại học và hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó. Trung bình mỗi năm toàn xã có khoảng 25 học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, trong đó, có nhiều trường thuộc tốp đầu cả nước.