Bắc Ninh: Đoàn ĐBQH lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo luật trình Quốc hội
Tin tức - Sự kiện 11/09/2020 13:56
Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: ĐPTTHBN) |
Nhằm phục vụ công tác xây dựng luật tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV; chiều 10/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào 2 Dự án luật: Luật Cư trú sửa đổi và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đồng chí Trần Thị Hằng, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Hạnh Chung, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo Uỷ ban MTTQ tỉnh; các ông, bà ĐQBH tỉnh và một số cơ quan liên quan.
Đây là 2 Dự án luật đã được các ĐBQH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 còn có nhiều ý kiến khác nhau, đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý.
Các đại biểu dự Hội nghị nhất trí cao về sự cần thiết của 2 Dự án luật nhằm khắc phục những bất cập trong lĩnh vực quản lý nhà nước về cư trú và xử lý vi phạm hành chính. Cơ bản nhất trí với nội dung, bố cục của các Dự thảo luật, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện các Dự thảo luật bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, khả thi.
Đối với Dự án Luật Cư trú (sửa đổi), các ý kiến tập trung vào nội dung về: Điều kiện đăng ký thường trú; thủ tục đăng ký thường trú; điều khoản thi hành… Đại biểu nhất trí cao về việc bỏ Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú để thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật trên Cơ sở dữ liệu về cư trú. Tuy nhiên, đề xuất Ban soạn thảo cần quy định lộ trình thực hiện luật để có sự chuyển tiếp bỏ Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú vì hiện nay gần 30 thủ tục hành chính của các bộ, ngành còn yêu cầu Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú, trong khi điều kiện cơ sở hạ tầng phương tiện kỹ thuật điện tử chưa đồng bộ, chưa bảo đảm.
Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, các ý kiến tập trung vào nội dung: Hình thức xử phạt vi phạm hành chính; mức phạt tiền tối đa; thẩm quyền xử phạt; cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; thời hiệu xử lý vi phạm hành chính... Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo quy định thống nhất thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 2 năm đối với tất cả các hành vi vi phạm, trừ trường hợp có thời hiệu khác đã được thống kê cụ thể trong luật. Về việc bổ sung biện pháp cưỡng chế xử lý vi phạm hành chính bằng việc ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với các đối tượng vi phạm vẫn còn ý kiến khác nhau. Có ý kiến đề nghị cân nhắc bỏ quy định áp dụng xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền đối với người nghiện ma túy vì không khả thi.
Ý kiến của các đại biểu được Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu, tập hợp gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm căn cứ hoàn thiện các Dự án Luật trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 10.