Bạc Liêu: Nỗ lực vươn lên tỉnh khá của khu vực Đồng bằng sông Cửa Long
Tin tức 24/01/2021 15:30
Ông Phạm Văn Thiều, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu trả lời phỏng vấn.
|
Phóng viên: Năm 2020, rất khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Ông đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Bạc Liêu trong?
Ông Phạm Văn Thiều: Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; song với quyết tâm, nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã triển khai quyết liệt các giải pháp vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội, nên đã đạt được những kết quả tích cực. Kết quả có 16/20 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt và vượt; trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 4,08% (đứng thứ 2 trong khu vực); tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người đạt 54,37 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ.
Lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh; mặc dù chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, song các chỉ tiêu của ngành đều đạt. Việc thực hiện đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước” được triển khai tích cực; các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và liên kết trong sản xuất tiếp tục phát triển. Sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản ước đạt 400.000 tấn, tăng 9,59% so cùng kỳ; sản lượng lúa ước 1.150.000 tấn, tăng 0,21% so cùng kỳ.
Công nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá. Các dự án phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo được quan tâm đầu tư, từng bước xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của cả nước.
Thương mại, dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng của đại dịch Covid-19, nên mức tăng trưởng chỉ đạt 2,79%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 63.429 tỷ đồng, tăng 5,04% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 785,1 triệu USD, tăng 11,24% so với cùng kỳ.
Lĩnh vực đầu tư - xây dựng tiếp tục được quan tâm chỉ đạo; đã có nhiều giải pháp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án, đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 28.500 tỷ đồng, tăng 24,32% so với cùng kỳ.
Thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp được đẩy mạnh. Tỉnh đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 26 dự án, tăng 62% so cùng kỳ. Toàn tỉnh có 428 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 5.029 tỷ đồng, tăng 17,26% số doanh nghiệp và tăng 63,2% vốn đăng ký so với năm 2019.
Công tác xây dựng nông thôn mới được chỉ đạo thực hiện quyết liệt và đạt kết quả nổi bật; đến nay có 49/49 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (vượt gấp đôi chỉ tiêu Nghị quyết nhiệm kỳ); có 08 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và 78 ấp được công nhận ấp nông thôn mới kiểu mẫu.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm thường xuyên; chất lượng giáo dục, đào tạo từng bước được nâng lên; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ, tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt. Việc chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công, công tác giảm nghèo và an sinh xã hội đạt kết quả nổi bật; cơ bản hoàn thành Chương trình hỗ trợ nhà ở cho gia đình chính sách, người có công; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,47%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng, lãng phí được triển khai quyết liệt. Công tác tiếp dân, giải quyết yêu cầu, khiếu nại, tố cáo của công dân được thực hiện có hiệu quả. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Phóng viên: Vậy theo ông trong số những thành tựu trên thì lĩnh vực nào có bước phát triển nổi bật và để lại dấu ấn đậm nét nhất?
Ông Phạm Văn Thiều: Trong năm qua, Bạc Liêu đã trở thành “điểm sáng” trong thu hút, mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2020, tỉnh đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 26 dự án, tăng 62% so cùng kỳ, trong đó: 25 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư là 17.711,94 tỷ đồng (tăng 12 dự án và vốn đầu tư tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ); 01 dự án nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư là 4 tỷ USD. Trong đó có nhiều dự án được đánh giá có tính chất động lực, thúc đẩy sự phát triển của Bạc Liêu để trở thành trung tâm kinh tế của tiểu vùng như: Dự án nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, dự án phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, đặc biệt là dự án Nhà máy Nhiệt điện khí tự nhiên hóa lỏng LNG Bạc Liêu 3.200 MW, với tổng mức đầu tư 04 tỷ USD là dự án FDI lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Ngoài ra, tỉnh rất quan tâm đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch được xem là một trong những lĩnh vực nổi bật của tỉnh trong năm qua, từng bước xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của cả nước. Trong năm 2020, có 05 dự án điện gió khởi công, với tổng công suất 270MW và 01 dự án điện gió khánh thành 07 trụ tubin đầu tiên, với tổng công suất 50MW. Đây là những điểm nổi bật để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong năm 2020 của tỉnh.
Phóng viên: Thưa ông, nhiệm vụ năm 2021 và những năm tiếp theo của tỉnh được dự báo hết sức nặng nề. Vậy UBND tỉnh đã có các giải pháp trọng tâm nào để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội?
Ông Phạm Văn Thiều: Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI. Để đạt được mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn (2021 - 2025) tăng 10% - 11%/năm, thì nhiệm vụ năm 2021 và những năm tiếp theo của tỉnh được dự báo hết sức nặng nề. Do đó, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, UBND tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Trước hết, tập trung vào 05 lĩnh vực trụ cột của tỉnh.
Tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án hạ tầng Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tích cực triển khai các nội dung trong Đề án Xây dựng Bạc Liêu trở thành Trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước; quyết liệt triển khai phòng chống hạn mặn mùa khô 2021; đối với phát triển các dự án động lực: Cần tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là giải phóng mặt bằng; đây là một trong những “điểm nghẽn” lớn nhất trong thời gian qua; đối với lĩnh vực du lịch: Cần tìm giải pháp hiệu quả để phục hồi phát triển du lịch, kích cầu du lịch; đồng thời phải thúc đẩy các dự án du lịch trọng điểm của tỉnh, nhất là hoàn tất giải phóng mặt bằng khu Công tử Bạc Liêu để tổ chức đầu giá trong quý I/2021; đối với phát triển kinh tế biển: Trước hết, cần phải thay đổi tư duy, có tầm nhìn dài hạn trong phát triển lĩnh vực còn rất nhiều dư địa này. Bám sát các nội dung Nghị quyết 36 của BCH TW Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, cụ thể hóa trong điều kiện của tỉnh ta để triển khai thực hiện quyết liệt.
Hai, tập trung vào các lĩnh vực kinh tế quan trọng: Tiếp tục duy trì, giữ vững và nâng chất các xã đạt tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, hướng đến đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; quan tâm bảo vệ môi trường, nhất là bảo vệ môi trường trong nuôi tôm; không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng bằng mọi giá; nâng cao chỉ số PCI, PAPI; tăng cường quản lý đất đai, nhất là đất công và khai thác quỹ đất công, đấu giá đất tạo nguồn thu ngân sách; tập trung quản lý quy hoạch xây dựng và trật tự xây dựng trên địa bàn; phải tăng cường thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền các địa phương trong năm 2021; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; từng chủ đầu tư phải theo dõi sát tình hình triển khai thực hiện dự án, phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc để xử lý, tháo gỡ; chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy - UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng giải ngân thấp; quản lý chặt chẽ tiến độ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch đầu tư công trung hạn; tăng cường quản lý thu ngân sách. Quản lý chặt chẽ các nguồn chi, triệt để tiết kiệm; giảm tỷ trọng chi thường xuyên; tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tín dụng, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, người vay bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hạn hán.
Ba, bên cạnh phát triển kinh tế, phải tập trung giải quyết các vấn đề xã hội, trong đó: Ưu tiên cho giảm nghèo, an sinh xã hội, chăm lo gia đình chính sách, người có công; Đào tạo nguồn nhân lực; Giải quyết việc làm; Nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước, cải cách hành chính, đào tạo cán bộ;
Bốn, Giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công bầu cử Quốc hội khóa XV, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Phóng viên: Nhân dịp Tết cổ truyền Tân Sửu 2021 này, ông có những thông điệp gì gửi đến Người cao tuổi cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc trong tỉnh?
Ông Phạm Văn Thiều: Những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua có sự đóng góp, nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh biểu dương sự nỗ lực của Người cao tuổi, cùng toàn thể đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của tỉnh nhà trong năm qua. Năm 2021, có ý nghĩa quan trọng là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025), với khí thế mới, động lực và niềm tin, Tôi tin tưởng rằng Người cao tuổi cùng toàn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc trong tỉnh chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn thách thức, tiếp tục giành nhiều thành tựu mới, xây dựng quê hương Bạc Liêu ngày càng giàu đẹp, phồn vinh, hạnh phúc.
Nhân dịp Tết cổ truyền Tân Sửu 2021, Tôi xin thay mặt Ủy ban nhân dân tỉnh, gửi đến Người cao tuổi cùng toàn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc trong tỉnh lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!