Ba loại hoa có tác dụng hỗ trợ hạ huyết áp
Sức khỏe 27/02/2023 10:24
1. Kiểm soát tăng huyết áp phòng ngừa bệnh tim mạch, đột qụy...
Tăng huyết áp được chẩn đoán là khi có huyết áp tâm thu > 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương > 90 mmHg.
Tại Việt Nam, huyết áp cao chiếm hơn 35% tổng số ca tử vong. Trong số những người mắc tăng huyết áp ở cộng đồng thì có trên 50% là chưa được phát hiện và trên 70% chưa được điều trị.
Phân độ huyết áp được chia thành các cấp như sau:
- Huyết áp bình thường: Huyết áp tâm thu < 130 mmHg và huyết áp tâm trương < 85 mmHg
- Tiền tăng huyết áp: Huyết áp tâm thu 130 - 139 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 85 - 89 mmHg.
- Tăng huyết áp độ 1: Huyết áp tâm thu 140 - 159 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 90 - 99 mmHg.
- Tăng huyết áp độ 2: Huyết áp tâm thu ≥ 160 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 100 mmHg.
- Cơn tăng huyết áp: Huyết áp tâm thu > 180 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương > 110 mmHg.
- Tăng huyết áp tâm thu đơn độc: Huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và huyết áp tâm trương < 90 mmHg.
Phòng ngừa tăng huyết áp rất quan trọng vì nếu không được kiểm soát có thể dẫn đến các tình trạng sức khỏe khác như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy thận…
2. Một số loài hoa giúp hỗ trợ hạ huyết áp
2.1 Hoa đại
Cây hoa đại còn có tên là cây bông sứ. Tên khoa học của cây là Plumeria rubra L. var. acutifolia (Poir) Bailey, thuộc họ Trúc Đào (Apocynaceae).
Là loại cây nhỡ, cao 3-7m, cành mẫm, to. Lá mọc so le sít nhau, thường tập trung ở đầu cành. Lá dày, nguyên, dài 15-35cm, rộng 5-10cm, hai đầu đều hẹp nhọn, mặt nhẵn bóng, gân giữa nổi rõ.
Hoa đại rất thơm, màu trắng, mặt trong ở phía dưới màu vàng, dài 4-5cm. Quả đại dài hình trụ, dài 12cm. Mùa hoa tháng 4-8.
Kinh nghiệm dân gian thường sử dụng hoa đại phơi khô để làm thuốc chữa ho, kiết lỵ và tiêu chảy.
Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, dịch chiết hoa đại có tác dụng hỗ trợ hạ huyết áp. Hoa khô có tác dụng mạnh hơn hoa tươi. Hoa đại hỗ trợ hạ huyết áp nhưng không làm giãn mạch, không tác dụng đối với tuần hoàn ngoại biên mà tác dụng vào trung tâm và cũng không phải do tác dụng trên hệ phó giao cảm.
Cách dùng hoa đại phòng chống tăng huyết áp:
Bài 1: Hoa đại 20g (khô), sắc lấy nước, uống thay trà trong ngày.
Bài 2: Hoa đại 20g, hoa hòe 12g, cúc hoa 12g, thảo quyết minh 12g. Sắc uống trong ngày.
2.2 Hoa cúc
Hoa cúc có rất nhiều loài. Đông y thường dùng 2 loại làm thuốc là hoa cúc trắng và hoa cúc vàng.
Cúc hoa trắng (kim cúc) là cây thân mọc thẳng cao 0,50-1,40m, toàn thân có lông trắng mềm. Lá mọc so le, cuống dài 1-2,5cm, có lông trắng. Phiến lá hình trứng hay hơi thuôn, hai đầu tù, chia thành 3-5 thuỳ, mép có răng cưa và lượn sóng, mặt dưới nhiều lông màu trắng mốc. Cụm hoa hình đầu, màu trắng hay hơi tía ở phía ngoài, vàng ở giữa, mọc ở đầu cành hay kẽ lá.
Cúc hoa vàng (hoàng cúc) cũng mọc thẳng đứng, cao chừng 90cm. Phiến lá hình 3 cạnh tròn, thùy xẻ sâu. Cụm hoa hình cầu, đường kính nhỏ hơn loài cúc trắng nói trên; hoa trong ngoài đều có màu vàng.
Theo Đông y: Hoa cúc có vị cay ngọt đắng, tính hơi lạnh; có tác dụng sơ tán phong nhiệt, bình ức can dương, thanh can minh mục, thanh nhiệt giải độc... Liều dùng hàng ngày từ 9-15g, dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác. Chữa cảm mạo phong nhiệt, hoa mắt, nhức đầu, tăng huyết áp, đau mắt đỏ, mụn nhọt.
Cách dùng hoa cúc phòng chống tăng huyết áp:
Bài 1: Hoa cúc 10g (khô); hãm nước sôi trong bình kín, uống thay trà.
Bài 2: Hoa cúc 15g, kim ngân 15g, sơn tra 30g, tang diệp (lá dâu) 10g. Sắc nước uống thay trà. Uống liền 15- 20 ngày là 1 liệu trình.
Đông y còn dùng hoa cúc trong những trường hợp sau:
Chữa ho và sốt, cảm mạo: Hoa cúc, tang diệp (lá dâu tằm), mỗi vị 6g; liên kiều, bạc hà, cam thảo, cát cánh,mỗi vị 4g; nước 600ml, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.
Chữa hoa mắt, chóng mặt, ngạt mũi: Cúc hoa, xuyên khung, kinh giới, bạc hà, phòng phong, khương hoạt, hương phụ, cam thảo, bạch chỉ, tế tân, bạch cương tàm. Các vị bằng nhau, trộn đều, tán bột mịn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 4g, sau khi ăn.
2.3 Hoa mào gà
Cây hoa mào gà còn có tên là kê quan hoa. Tên khoa học là Celosia cristata L, là một loại cỏ sống lâu năm, mọc hoang hoặc được trồng làm cảnh và làm thuốc.
Theo Đông y, hoa mào gà vị ngọt, tính mát; vào kinh Can và Đại tràng; có tác dụng thanh nhiệt, chỉ huyết, chỉ lỵ; dùng chữa trĩ lậu hạ huyết, xích bạch hạ lỵ, thổ huyết, khái huyết, huyết lâm, phụ nữ băng trung, xích bạch đới hạ, tiện huyết, niệu huyết. Cành và lá có tính năng và tác dụng tương tự như hoa; cũng thường được dùng để cầm máu và chữa trị các chứng viêm loét.
Theo y học hiện đại, trong hoa mào gà có chất đạm, chất béo; các acid folic, pantothenic; các vitamin B1, B2, B4, B12, C, D, E, K; các amin acid trytophan, lysine; 12 loại nguyên tố vi lượng; 50 loại men thiên nhiên (bao gồm enzyme và coenzyme). Đặc biệt, hàm lượng chất đạm (protein) lên tới 73%, vì vậy hoa mào gà được coi là một loại thức ăn bổ dưỡng cao cấp.
Kết quả nghiên cứu hiện đại cũng cho thấy, hoa mào gà cũng có tác dụng điều hòa nhịp tim, làm giảm lượng ôxy tiêu thụ của cơ tim và hỗ trợ hạ huyết áp.
Cách dùng hoa mào gà phòng chống tăng huyết áp:
Bài 1: Hoa mào gà tươi, sấy khô, tán nhỏ; mỗi lần uống 1,5g, ngày 2 lần.
Bài 2: Hoa mào gà tươi 4 bông, đại táo 10g, sắc kỹ lấy nước uống thay trà.
Đông y còn dùng hoa mào gà trong những trường hợp sau:
Hỗ trợ người bệnh trĩ: Hoa mào gà, phòng phong, lượng bằng nhau, tán bột mịn, trộn với hồ gạo làm thành viên to bằng hạt đậu xanh. Ngày uống 2-3 lần vào lúc đói bụng, mỗi lần 7-10 viên, dùng nước cơm hoặc cháo loãng chiêu thuốc.
Hỗ trợ chữa viêm đường tiết niệu: Hoa mào gà 15g, biển súc (rau đắng) 15g, thài lài 30g; sắc nước uống.
Chữa chảy máu cam: Hoa mào gà, cỏ nhọ nồi, mỗi vị 15g, sắc nước uống.