Bà chủ thương hiệu nước mắm Tâm Sắc - Trường Lệ
Tuổi cao gương sáng 13/06/2018 09:02
Dưới cái nắng oi ả của ngày hè, vợ chồng bà Sắc đang đảo từng vại mắm. Mùi nước mắm thơm nồng là thành quả lao động của vợ chồng bà sau bao năm vất vả, để xây dựng thành công thương hiệu nước mắm Tâm Sắc - Trường Lệ.
Bà Sắc sinh năm 1956, năm 18 tuổi kết hôn với ông Văn Đình Tâm. Lấy chồng chưa đầy 3 tháng, ông lên đường nhập ngũ. Ở lại hậu phương, bà tích cực tham gia công tác Đoàn, dân quân du kích và chăm lo gia đình. Chiến tranh kết thúc, chồng bà trở về, hoàn cảnh gia đình, quê hương còn nhiều khó khăn. Với truyền thống, kinh nghiệm làm nước mắm của gia đình và địa phương, bà Sắc bàn với chồng mạnh dạn sản xuất nước mắm để bán ra thị trường.
Khởi nghiệp với đôi bàn tay trắng, gia đình bà chỉ xây dựng vài bể mắm nhỏ, lấy vốn xoay vòng. Năm 1985, khi Nhà nước mở cửa kinh tế, bà xây 5 bể và sắm hàng chục chum, vại sành để mở rộng sản xuất. Nước mắm mang nhãn hiệu Tâm Sắc - Trường Lệ của gia đình bà luôn được đánh giá cao về chất lượng, độ thơm ngon. Năm 2009, cơ sở của bà được UBND tỉnh công nhận bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Chồng bà được cử tham gia lớp tập huấn do Dự án “Hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản thương mại và phát triển bền vững qua mô hình hợp tác xã nhỏ nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo” do chính phủ Tây Ban Nha tài trợ và được tỉnh hỗ trợ 100 triệu đồng để phát triển sản xuất.
Bà Lê Thị Sắc
Đến nay, gia đình bà Sắc có xưởng chế biến nước mắm 600m2, mỗi năm sử dụng 70 - 80 tấn cá nguyên liệu, chế biến hơn 8.000 lít nước mắm, mắm tôm, moi chua các loại. Hiện tại, nước mắm Tâm Sắc - Trường Lệ có hơn 30 cửa hàng và hàng trăm khách hàng thường xuyên tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước; riêng tại tỉnh Bình Dương, mỗi năm cơ sở cung cấp gần 2.000 lít nước mắm. Với giá bán từ 20 - 100.000 đồng/lít, trừ chi phí, mỗi năm gia đình bà thu hàng trăm triệu đồng, giải quyết việc làm cho 8 lao động thường xuyên với mức lương 4 - 6 triệu đồng/tháng và 10 lao động thời vụ với mức thu nhập 150.000 đồng/ngày.
Bà Sắc chia sẻ: “Vào vụ cá, phải làm từ 4h sáng đến chiều tối cho kịp xử lí nguyên liệu. Vất vả nhất vẫn là khâu bảo quản. Trời mưa gió, vợ chồng tôi phải đội mưa để ủ, che các thùng mắm, bể mắm, bởi chỉ dính một giọt nước mưa thì hỏng cả vại. Khi trời nắng, hằng ngày phải đảo, đánh tơi từng vại để mắm chín đều, thơm ngon. Vợ chồng tôi quen rồi, không làm là thấy trong người bứt rứt. Dù tuổi già, nhưng tôi luôn nghĩ, lao động để làm giàu cho mình và làm đẹp quê hương, nên cứ làm đến khi nào sức khỏe không cho phép thì thôi”.
Theo bà Sắc, để có nước mắm ngon, phải có nguồn nguyên liệu tươi, tỉ lệ muối vừa phải từ 28 - 30%; thời gian ủ từ 2 - 3 năm; thời gian ủ càng lâu, độ đạm càng cao và bảo quản được lâu. Nước mắm ngon khi nếm đầu lưỡi có vị ngọt, khi chế biến thức ăn có mùi hương đặc trưng. Màu sắc của nước mắm phụ thuộc vào cá nguyên liệu nhưng nói chung khi ra ngoài môi trường, nước mắm sẽ dần sẫm màu, song không ảnh hưởng đến chất lượng. Để nước mắm giữ được hương vị và chất lượng tốt, người tiêu dùng nên đựng trong các chai thủy tinh thay vì chai nhựa.
Ở tuổi 63, nước da sạm đen, đôi tay chai sần, bà Sắc vẫn hăng say lao động và chăm sóc cháu con. Bà cũng thường xuyên tham gia hoạt động Hội NCT, đóng góp cho các công việc phúc lợi của phố phường. Bà Sắc vinh dự được Hội NCT thành phố chọn là điển hình tham gia Hội nghị biểu dương NCT làm kinh tế giỏi tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2013 – 2018.
Bài và ảnh Nguyễn Hiền