Anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung trong lòng NCT Ia Grai
Tin tức 30/04/2022 16:13
Theo hướng dẫn viên Bảo tàng: Bảo tàng tập trung thờ và tưởng niệm anh hùng áo vải Nguyễn Huệ; lưu giữ những hiện vật lịch sử liên quan đến cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, dấu tích ba anh em nhà Tây Sơn: Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ. Bảo tàng Quang Trung là địa chỉ hấp dẫn các nhà nghiên cứu, du khách trong và ngoài nước khi đến vùng đất Nam Trung Bộ. Đây là một trong những Bảo tàng thu hút được đông đảo khách tham quan du lịch và tìm hiểu về lịch sử nhiều nhất ở Việt Nam.
Biểu diễn đánh trống khởi binh nghĩa quân Tây Sơn |
Theo thuyết minh tại Bảo tàng, Vua Quang Trung có rất nhiều công lao chống thù trong, giặc ngoài để bảo vệ toàn vẹn đất nước nhưng chiến công nổi bật nhất vẫn là trận đại thắng quân Thanh. Năm 1788, vua Thanh là Càn Long cử Tôn Sĩ Nghị, Sầm Nghi Đống đem 20 vạn quân cùng Lê Chiêu Thống tiến vào nước ta hòng “tiêu diệt Tây Sơn, dựng lại nhà Lê”. Vua Quang Trung hành quân thần tốc ra Bắc đánh tan 20 vạn quân Thanh hùng hậu, thống nhất đất nước. Trong suốt thời gian trị vì, Vua tiến hành nhiều cải cách triệt để giúp đất nước phát triển nhanh chóng.
Phòng trưng bày và cuốn sổ vàng ở Bảo tàng còn lưu dấu bút tích ghi lại cảm tưởng của nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ và bộ, ngành, đoàn thể Trung ương khi đến tham quan Bảo tàng. Trong đó, tôi ấn tượng nhất là lời cảm tưởng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm Bảo tàng ngày 25/11/1983: “Dưới ngọn cờ đại nghĩa của người anh hùng áo vải cờ đào, quần chúng nông dân cả nước ta đã vùng dậy đập tan ách thống trị của các tập đoàn phong kiến, thống nhất nước nhà. Dân tộc ta từ Nam chí Bắc đã cùng nhau đứng lên chiến đấu một mất một còn, diệt giặc ngoại xâm. Trong những trận quyết chiến thần tốc bảo vệ độc lập, chủ quyền của đất nước, đời đời bất diệt đã nổi lên tấm gương chói lọi của Nguyễn Huệ - người lãnh tụ kiệt xuất của quân khởi nghĩa Tây Sơn, người anh hùng vĩ đại của dân tộc”.
Biểu diễn võ thuật hào khí Tây Sơn |
Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, nguyên Bí thư Thị ủy An Khê cho biết: “Thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai là vùng đất Tây Sơn Thượng đạo, cái nôi của cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, gắn liền với tên tuổi anh hùng dân tộc Quang Trung Nguyễn Huệ và triều đại nhà Tây Sơn của gần 250 năm trước. Trải qua hàng trăm năm nhưng dấu ấn của cuộc khởi nghĩa của ba anh em nhà Tây Sơn hiện vẫn còn đậm nét trên vùng đất An Khê với quần thể 6 cụm 18 di tích lịch sử, văn hóa như: An Khê Đình, An Khê Trường, Gò Chợ, Miếu Xà, Cây Ké, Cây Cầy, Hòn Bình, Hòn Nhược, Hòn Tào, Gò Kho, Xóm Ké, Hồ ông Nhạc, Nền nhà, Kho tiền, vườn Mít, cánh đồng cô Hầu, Sa khổng lồ và đá Book Nhạc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia năm 1991”.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Bảo tàng Quang Trung |
Đoàn rất xúc động khi nhìn thấy toàn bộ hình ảnh 18 di tích lịch sử văn hóa Tây Sơn Thượng Đạo đã được đưa vào trưng bày tại Bảo tàng Quang Trung.
Trong cuộc hội thảo khoa học: “Tây Sơn Thượng đạo trong khởi nghĩa Tây Sơn”, tổ chức tại thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai, GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học lịch sử Việt Nam khẳng định: “Mỗi bước trưởng thành của phong trào, mỗi thắng lợi mà nghĩa quân Tây Sơn giành được trên khắp mọi miền đất nước đều bắt nguồn từ đây và đều có căn nguyên từ những năm tháng gian nan này”.
Chuyến đi đã để lại ấn tượng sâu sắc cho tất cả cán bộ NCT trong Đoàn. Sông núi này, nước non này hẳn không bao giờ quên được hình bóng anh hùng áo vải Quang Trung Nguyễn Huệ vì nước, vì dân.