2 ông bà gần 100 tuổi đau đáu tìm mộ con liệt sỹ
Sự kiện 10/10/2020 17:05
Ông Nguyễn Văn Hội 96 tuổi và vợ là bà lê Thị Nguyệt 98 tuổi, trú tại xã Tân Phúc, huyện Nông Cống (Thanh Hóa). Ông bà sinh được 11 người con; trong đó 7 người đi bộ đội, thanh niên xung phong vàngười con đầu đã nằm lại chiến trường.
Giỏi làm thiện nguyện
Ông Hội bố mất từ lúc 10 tuổi, cuộc sống đầy khó khăn vất vả. Lớn lên ông đi bộ đội, là chiến sỹ quân y. Ông gặp bà là một nữ cứu thương của xã Hoàng Sơn lúc ấy, họ có duyên trở thành vợ chồng. Sau khi xuất ngũ, trở về quê hương, ông là Trạm trưởng Trạm xá 34 năm, bà ở nhà làm ruộng nuôi 10 người con ăn học thành người có ích cho xã hội.
Mặc dù đã gần tuổi trăm tròn, cái tuổi xưa nay rất hiếm nhưng ông Hội, bà Nguyệt còn khỏe mạnh và minh mẫn “ấy là cái phúc của gia đình ông bà”, người dân nơi đây vẫn bảo vậy. Bao nhiêu năm qua, ông bà vẫn nuôi gà, trồng rau, đi chợ. Có vài năm gần đây do mắt đã mờ, chân tay chậm chạp bà không còn đi chợ nữa mà “đồ quê” do chính tay mình sản xuất là để phục vụ cuộc sống và cung cấp cho con cái mỗi khi ở xa về thăm cha mẹ.
Trong các phong trào ở địa phương như xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, tuổi cao gương sáng…ông bà luôn là tấm gương đầu tàu, gương mẫu cho con cháu, bà con noi theo. Năm 2008, ngoài đóng góp chung như nhân dân ở địa phương, ông bà còn ủng hộ xã 10 triệu đồng vào công trình làm đường bê tông nông thôn. Năm 2013 ông miệt mài cùng với con trai theo trợ lỹ của một lãnh đạo trung ương đi vận động những người con xa quê thành đạtđược số tiền là 3 tỷ đồng để xây dựng trạm y tế xã. Năm xã sửa chữa tượng đài, ông bà không tiếc bỏ số tiền tích cóp được là 4,5 triệu đồng để đóp góp cho quê hương. Mới đây, ông Hội bà Nguyệt còn mua tặng nhà văn hóa thôn một chiếc tivi, một bộ tăng âm với số tiền 7,5 triệu đồng, ủng hộ 2,5 triệu vào phong trào phòng chống Covid-19…
Ông Hội và bà Nguyệt là những tấm gương sáng của vùng quê Tân Phúc |
Ông Hội chia sẻ thêm: “Xác định từ nhà rồi ra ngoài ngõ”, 2 ông bà tôi dùng toàn bộ số tiền đã tích cóp cả đời để lập quỹ khuyến học trong gia đình. Năm ngoáimột cháu vừa thi đậu vào trường chuyên Lam Sơn , chúng tôi đã thưởng cho cháu 3 triệu đồng, nhằm khuyến khích động viên cho cháu chắt trong nhà thi đua học tập, rèn luyện để có những kết quả tốt.
Từ khi nghỉ hưu, ông Hội tích cực tham gia phong trào tập thể ở địa phương, thường xuyên giảng dạy về vấn đề chăm sóc sức khỏe cho các thành viên trong câu lạc bộ ở địa phương. Đồng thời trực tiếp kiểm tra sức khỏe cho hội viên. Những năm gần đây, do tuổi đã cao, sức khỏe hạn chế, ông không thể đi khám sức khỏe hay truyền đạt kiến thức cho bà con được nữa,ông đã kì công in ấn một loạt tài liệu về sức khỏe để phát cho thành viên các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau chi hội Thái Sơn, để các thành viên chủ động chăm sóc sức khỏe cho mình.
Đau đáu một nỗi niềm
Hết mình vì công việc, vì gia đình; hết mình vì phong trào chung để xây dựng quê hương. Ông Hội, bà Nguyệt thấy không còn gì phải luyến tiếc trong chặng đường dài của cuộc đời mình. Giờ đây khi tuổi đã xế chiều, ông bà chỉ còn niềm mong mỏi duy nhất, khôn nguôi là tìm thấy mộ của đứa con trai đầu lòng đã hi sinh ở chiến trường ác liệt.
Cậu con trai ấy khi mới 17 tuổi đã xung phong ra chiến trường, địa phương đã không đồng ý vì chưa đủ tuổi, nhưng ông Hội đã xin và làm cam đoan cho con trai mình để được cùng anh em trong làng vào chiến trường phục vụ tổ quốc. Đó là năm 1964.
Liệt sỹ ấy là Lê Văn Phơn, sinh năm 1947 đơn vịD400, C15 chuyên môn bảo vệ lãnh đạo quân khu Thừa Thiên Huế. Tháng 3-1969, ông đi công tác cùng đoàn cao cấp của quân khu Thừa Thiên Huế ra Bắc. Đến ngã ba bản Đông, trên đường 559, thuộc địa phận Lào, đoàn bị bị máy bắn. Đoàn có hai xe ô tô, trong đó có một xe hỏng hoàn toàn, một xe còn lại phải tiếp tục lên đường ra Bắc để làm nhiệm vụ. Đoàn đã bàn giao lại những người bị thương cho binh trạm 49 ở địa phận này. “Nhưng vì chiến tranh liên miên, đơn vị nơi thằng Phơn công tác đã mất liên lạc với nó luôn. Đơn vị cũng chỉ biết trạm đã quy tập hài cốt những người đã hi sinh về nghĩa trang nhưng đến nay cũng chưa ai biết đó là nghĩa trang nào…bao nhiêu năm qua,tôi và con trai thứ đã đi khắp các chiến trường để tìm thằng cả nhưng kết quả là vô vọng”, ông Hội ngậm ngùi.
Chủ tịch Hội NCT huyện Nông Cống cho biết: “Vợ chồng ông Hội và bà Nguyệt là những người nông dân nghèo, cuộc sống khó khăn nhưng biết vươn lên, điều quý trọng hơn cả là khi bớt được ghánh nặng về kinh tế thì ông bà đã san sẻ cho những người nghèo, đi đầu trong các phong trào ở địa phương để xây dựng quê hương, gương mẫu phát huy truyền thống của gia đình để dạy dỗ con cái; gia đình 10 người con đều là những công dân mẫu mực, được làng xóm kính trọng. Tôi cũng chỉ mong sao ông bà sớm tìm được mộ đứa con của mình để họ không còn đau đáu nỗi niềm xót thương vô tận.”