Vụ hàng nghìn học sinh nghỉ học ở Hà Nội: Cần sớm có biện pháp để tránh thiệt thòi cho học sinh
Xã hội 22/11/2019 07:45
Đấu tranh cũng vì tương lai các con
Theo người dân thôn Văn Lôi (xã Thanh Lâm), nguyên nhân dẫn đến việc phản ứng dữ dội từ phía người dân chính là việc họ không hề được hỏi ý kiến. Các cấp lãnh đạo từ xã đến thành phố và chủ đầu tư dự án chưa hề công bố cho nhân dân biết về văn bản đánh giá tác động môi trường của dự án.
Người dân xã Thanh Lâm cho rằng họ phản đối là vì tương lai của con cháu mình. |
Ngoài ra, nhiều người dân còn cho rằng Dự án này có nhiều thông tin không được rõ ràng. Bởi lẽ, với tên gọi mỹ miều Công viên tưởng niệm thiên đường Thanh Tước, khiến nhiều người nghĩ rằng đây chính là công viên nhưng thực chất đây lại là nghĩa trang khổng lồ, với hàng vạn ngôi mộ. Quy mô ban đầu của nghĩa trang này lên đến 6,4 hecta, với gần 1 vạn ngôi mộ, sau đó mở rộng thêm vào năm 2030 là 23 hecta.
Chính vì sự không rõ ràng này mà người dân liên tục tổ chức các cuộc phản đối như căng băng rôn, dựng lều lán ngăn cản về thi công của chủ đầu tư. Mới đây nhất là việc cho hàng nghìn học sinh các cấp nghỉ học. Chị Nguyễn Thị Hồng Thi (thôn Văn Lôi, Thanh Lâm, Mê Linh) bức xúc cho biết: “Các cụ ở đây bảo rằng bây giờ đi đấu tranh cũng vì tương lai các con, các cháu. Thế nên các cháu cũng phải nghỉ học để đi đấu tranh. Học để làm gì khi mà môi trường ô nhiễm, rồi cũng chết sớm mà thôi. Đầu làng nước lúc nào cũng đen ngòm, mùi nồng nặc, đó là ảnh hưởng của nghĩa trang cũ”.
Lớp học không có học sinh đã kéo dài một tuần nay. |
Về việc thành phố và Bộ Xây dựng thu hồi quyết định xây dựng nhà hoả táng, nhưng vẫn không nhận được sự tin tưởng của nhân dân xã Thanh Lâm. Chị Thi giải thích: “Trong các Nghị định 26, 23 của Chính phủ năm 2013, 2016, có mục lưu tro cốt và cát táng trên đất liền thổ. Trên thực tế không có đất liền thổ mà toàn bộ là ao hồ, đầm lầy. Hiện nguồn nước rất ô nhiễm. Nhiều người dân nơi đây đã mắc bệnh ung thư, bản thân tôi cũng bị ung thư buồng trứng 3 năm nay rồi. Sở dĩ nhiều người dân nơi đây không tin tưởng là bởi vì hiện nay ở nghĩa trang Thanh Tước vẫn còn mấy trăm ngôi mộ chờ. Nếu như trước kia đây là nơi để chôn cất những cán bộ trung, cao cấp và thuộc quản lý của Phùng Hưng. Vậy thì tại sao lại chuyển thành dự án tư nhân của Hoa Sen Vàng. Trong quyết định của Thủ tướng chính phủ không có cái nào thể hiện dự án này thuộc Hoa Sen Vàng?”.
“Khi nào dừng dự án chúng tôi sẽ cho các con đi học”
Việc người dân tổ chức các buổi phản đối Dự án nghĩa trang Thanh Tước không còn mới mẻ, tuy nhiên việc cho con em mình nghỉ học như thể giọt nước tràn ly. Việc làm này đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của dư luận cũng như các cơ quan quản lý. Cụ thể trong hai ngày 14 – 15-11, trên toàn địa bàn xã Thanh Lâm, Tam Đồng, Tiến Thắng (Mê Linh) đã có gần 1.000 học sinh nghỉ học. Số học sinh này thuộc cả ba cấp mầm non, tiểu học và THCS. Đến thời điểm hiện tại, con số nghỉ học đã lên tới hơn 2.000 học sinh, thuộc hai xã Thanh Lâm và Tam Đồng.
Rất nhiều người đã căng băng rôn để phản đối dự án mở rộng nghĩa trang Thanh Tước. |
Ông Nguyễn Văn Huỳnh (Chủ tịch UBND xã Tam Đồng), tỏ ra rất lo lắng bởi chính quyền đã vào cuộc, động viên bà con bằng rất nhiều hình thức nhưng vẫn không có kết quả. Theo như ông Huỳnh thì để giải quyết được vấn đề học sinh nghỉ học cần phải giải quyết hài hoà quyền lợi của người dân. Nếu cứ để tình trạng này kéo dài, học sinh không được đến trường sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, an ninh trật tự xã hội, đặc biệt các cháu sẽ chịu rất nhiều thiệt thòi. “Chúng tôi đã có đơn báo cáo lên huyện, lên thành phố, mặc dù thành phố đã quyết định loại bỏ hạng mục hoả táng nhưng người dân vẫn không tin. Họ cho rằng phải khi nào nhìn thấy quyết định bằng giấy trắng mực đen thì mới dừng phản đối và cho con đến trường” – Ông Huỳnh cho hay.
Trước việc học sinh nghỉ học quá nhiều, các trường trên địa bàn 2 xã đã mời những người trong ban phụ huynh học sinh để tuyên truyền không nên cho con nghỉ học. Tuy nhiên vẫn không lay chuyển được tình thế. Chị Nguyễn Thị Thanh cương quyết: “Chúng tôi đã trao đổi lại với Hiệu trưởng rằng, bây giờ cả làng, cả xã người ta đồng lòng thì chúng tôi không thể đi vận động được. Ngày 19/11, bà con đã có giấy hẹn của thành phố. Nhưng bà con nói rằng, họ sẽ chỉ cho con đến trường chừng nào dự án này chính thức dừng lại”.
Trường tiểu học Thanh Lâm A nhiều ngày nay trở nên vắng vẻ, bởi đây là trường có số học sinh nghỉ nhiều nhất. Cô Ngô Thị Trung Thanh, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Phần lớn là phụ huynh tự ý cho con nghỉ học với lý do con ốm, nhà có việc. Ngoài ra một số phụ huynh khác khi đưa con đến trường thì bị một số bộ phận khá đông chặn ở ngã ba, ngã tư cản trở không cho họ đưa con tới lớp”.
Tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 19/11, ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết: “Dự án Công viên tưởng niệm thiên đường Thanh Tước (xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh) được Hà Nội triển khai trên cơ sở quy mô mở rộng tiếp 6,5ha, sau này tổng thể 23 ha thì năm 2014 UBND TP đã ủy quyền cho Sở Quy hoạch-Kiến trúc ký quyết định; và việc thực hiện quy hoạch năm 2014 theo đúng tiêu chí của Luật Quy hoạch và các quy định liên quan, trong đó cũng có nội dung lấy ý kiến cộng đồng. Khi lấy ý kiến cộng đồng thì có một bộ phận người dân không đồng ý, mặc dù Thủ tướng phê duyệt nằm trong mạng lưới tổng thể. Khi xin ý kiến, chúng tôi cũng quán triệt là mong người dân góp ý cho dự án làm thế nào tốt hơn. Nghĩa trang này phục vụ cho huyện Mê Linh, chủ yếu cát táng, phạm vi ảnh hưởng chỉ trong 100m so với quy chuẩn. Tuy nhiên, có rất nhiều kiến nghị là nằm trong vùng ảnh hưởng. Thành phố quyết tâm triển khai dự án vì nghĩa trang này phục vụ bản thân địa phương và nằm trong mạng lưới nghĩa trang của thành phố. Tất cả các nghĩa trang hay bãi rác thì không địa phương nào muốn nhận nhưng nếu không thì nó sẽ đi đâu? Các vùng quy hoạch khác ở phía Bắc, Nam, Đông, Tây thành phố đều có nghĩa trang tập trung của thành phố như Phú Xuyên, Thạch Thất, Gia Lâm…chứ không phải nguyên ở Mê Linh”. |