Vị Thượng tọa mang niềm vui cho những mảnh đời bất hạnh
Tuổi cao gương sáng 23/08/2018 09:54
Chùa Cẩm Phong là ngôi chùa trên 100 năm tuổi, toạ lạc tại ấp Cẩm Thắng, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu, nằm cạnh sông Vàm Cỏ Đông có nhiều hoa lục bình tím nở quanh năm.
Vào chùa tu tập từ năm 13 tuổi, thầy Thích Định Tánh quanh năm đi chân đất, nên các tăng ni, Phật tử quen gọi thầy với cái tên dân dã: “Thượng tọa chân đất”. Đã từng trải qua một thời thơ ấu gian nan, vất vả nên vị sư trụ trì rất thấu hiểu nỗi đau, cảm thông với những hoàn cảnh khó khăn, phải bươn chải kiếm sống nhưng khi đến cuối đời lại không có nơi nương tựa. Thầy nghĩ, công việc nhà chùa không chỉ đơn thuần với việc gõ mõ, tụng kinh mà cần tham gia giúp đời cứu độ chúng sinh và càng giúp được nhiều người bất hạnh chính là làm theo lời dạy của Đức Phật. Với suy nghĩ đó, vào năm 1996, khi cơ duyên đến, thầy Định Tánh thành lập cơ sở để nuôi dưỡng những cụ già cô đơn trong vùng. Cứ thế, dần dần nhiều người có hoàn cảnh khó khăn ở xa cũng tìm đến chùa để mong được hưởng chút bình yên những tháng ngày còn lại của cuộc đời.
Chủ tịch TW Hội Phạm Thị Hải Chuyền tặng quà Trung tâm
Hơn 20 năm qua, Thượng tọa Thích Định Tánh hết lòng xây dựng mái ấm từ hai bàn tay trắng. Hòa thượng trải đủ nghề: Lo tang lễ, làm dưa muối, đồ chay, kho đồ chua đem ra chợ ngồi bán từng túi nilon nhỏ để gom góp, lo toan chi phí cho “đại gia đình” mà thầy hết lòng thương yêu. Thầy cũng không quản ngại, tập trung thu mua hàng tấn dưa cải, bắp cải về thức thâu đêm chế biến thức ăn sẵn bỏ cho các mối quen… Khoảng giữa những năm 2000 nhà chùa kí kết được hợp đồng cung cấp thức ăn chay cho một công ty gần đó, cũng nhờ vậy mà kinh tế có phần khá hơn.
Số lượng người đến với Mái ấm ngày càng nhiều, nhưng với tâm huyết của thầy và sự giúp đỡ tận tình của các nhà hảo tâm hiến tặng đất và đầu tư tiền của xây dựng khu nhà ở mới nên việc ăn ở, sinh hoạt của các cụ cũng như việc học tập của các cháu được thoải mái, tiện nghi đầy đủ hơn trước rất nhiều. Nhờ tấm lòng sẻ chia của nhiều người nên Mái ấm đã thật sự thành mái ấm của tình thương.
Một ngày của thầy bắt đầu từ trước 4 giờ sáng, thực hành công phu, ngồi thiền, sau đó tất bật lo toan chu tất các công việc lớn nhỏ, nhiều lúc quá bận rộn, nhất là thời điểm đang xây dựng Mái ấm Mây Ngàn.
Những số phận người già vào chùa mỗi người một cảnh: Có người bệnh nặng, không nhớ tên tuổi, khi ra đi, thầy lo hậu sự chu đáo. Đối với những người bị tật gặp khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày, thầy đều cử người chăm sóc. Trẻ em đến tuổi, thầy thu xếp cho đi học đến nơi đến chốn; những em trí tuệ kém phát triển được giáo viên kèm cặp thêm. Có trường hợp, bé bị bỏ rơi trước cổng chùa khi còn đỏ hỏn lại dị tật bất thường, đầu to, không lỗ tai nhưng thầy cố nuôi nấng chăm sóc… thấm thoát niềm vui đến với bé, được bước vào lớp học. Cũng có khi thầy phải đến tận nơi ẵm về như một cặp song sinh tại Bệnh viện Từ Dũ TP Hồ Chí Minh mồ côi khi vừa lọt lòng mẹ…
Vào thăm khu nhà mới thấy hết thực cảnh ở đây: Nhiều cụ nằm liệt giường, ăn uống vệ sinh tại chỗ; lại có những cụ tâm thần bất định miệng luôn lẩm bẩm những câu nói vô hồn. Cũng nhờ có các nhà hảo tâm và các tổ chức từ thiện, tình nguyện mà người già và trẻ nhỏ được chăm lo từng bữa ăn, nơi ở tuy còn thiếu thốn, đạm bạc.
Không chỉ lo cho trẻ cơm ăn áo mặc, nơi trú nắng trú mưa, mà con phải dạy cho chúng hoàn thiện về nhân cách, có nghề nghiệp để giúp ích cho xã hội. Những đứa trẻ đầu tiên đến với thầy, giờ đây có nhiều em đang học đại học ở Sài Gòn. Nhà sư luôn mơ ước về tương lai tốt đẹp của những các cháu.
Thầy vui mừng chia sẻ: “Giờ này có thể nói, những mảnh đời bất hạnh đã tìm được giấc ngủ an lành, ấm áp tình người, chan chứa yêu thương trong ngôi nhà chung mang tên Mái ấm Mây Ngàn này rồi”
Đặng Tài Tính