VEPIC cùng 3 Nhà xuất bản tập huấn sử dụng SGK lớp 4, 8, 11 bộ sách Cánh Diều
Xã hội 25/05/2023 15:34
Tham dự có TS Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học; PGS TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học; Ban Lãnh đạo Công ty VEPIC, Ban Giám hiệu Trường ĐH Sư phạm, Ban Giám đốc Nhà xuất bản Đại học sư phạm cùng gần 300 BCV là các Tổng Chủ biên, Chủ biên, Tác giả, Chuyên gia bộ sách Giáo khoa Cánh Diều; các BTV, trưởng ban Biên tập sách…
Sách giáo khoa Cánh Diều là bộ sách được thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông do bốn đơn vị gồm NXB Đại học Sư phạm, NXB Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, NXB Đại học Huế và Công ty Đầu tư xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam (Công ty VEPIC) liên kết, phối hợp tổ chức biên soạn, xuất bản theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Phát biểu tại hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Hội nghị tập huấn sử dụng sách có ý nghĩa quan trọng giúp chúng ta thống nhất về quan điểm để tổ chức đại trà cho các thầy cô giáo ở các địa phương.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại buổi tập huấn. |
Các nhà xuất bản có SGK được các địa phương chọn sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành giáo dục các địa phương tổ chức tập huấn cho các giáo viên. Vì vậy, hiện nay các nhà xuất bản đang phối hợp với Bộ để tập huấn cho các báo cáo viên là chuyên gia, giáo viên được tuyển chọn, những người trực tiếp tham gia biên soạn chương trình... để tổ chức tập huấn.
Nội dung là tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên hiểu kỹ về các yêu cầu của chương trình, từ mục tiêu, yêu cầu cần đạt, nội dung của chương trình môn học và đặc biệt là có định hướng về phương pháp giảng dạy và định hướng về cách đánh giá học sinh.
Các nhà khoa học, nhà xuất bản, báo cáo viên tham gia hội nghị. |
Sau khi các nhà xuất bản kết hợp với Bộ tổ chức tập huấn, các chuyên gia sẽ về các địa phương tập huấn trực tiếp. Hiện nay có nhiều địa phương mời đội ngũ chuyên gia về địa phương để tổ chức tập huấn trực tiếp... nhưng đi cả 63 tỉnh thì rất khó khăn. Cho nên sẽ tổ chức tập huấn ở một vài tỉnh và tổ chức tập huấn trực tuyến và kết nối với các tỉnh bạn để từ đó các giáo viên có thể nghe.
Phát biểu tại hội nghị, ông Ngô Trần Ái - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty VEPIC cho biết, bộ sách giáo khoa Cánh Diều là công trình mà các thầy, cô đã nhiệt tình lao động ngày đêm để có được kết quả như ngày hôm nay, triết lý và thông điệp của bộ sách Cánh Diều là "Mang cuộc sống vào bài học, đưa bài học vào cuộc sống" ngày càng được xã hội thấu hiểu, quan tâm và trân trọng, được nhiều trường trên cả nước chấp nhận, lựa chọn, tin tưởng.
Vì thế, SGK Cánh Diều đứng vững và ngày càng phát triển có xu hướng tăng trưởng trên chặng đường về đích. Đây là cơ hội cũng là thách thức áp lực không nhỏ với toàn bộ quá trình biên soạn, xuất bản, giới thiệu tập huấn, bồi dưỡng và phát hành bộ SGK Cánh Diều.
Trong quá trình xuất bản sách Cánh Diều, việc giới thiệu tập huấn sử dụng SGK là một khâu then chốt, có ý nghĩa quyết định để đưa SGK đã được phê duyệt đi vào hoạt động giáo dục học sinh trên toàn quốc.
Phiên thảo luận trực tuyến tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. |
Hội thảo tập huấn sử dụng SGK lớp 4, 8, 11 bộ sách Cánh Diều hôm nay (25/5) có 2 phiên làm việc:
Phiên làm việc chung: Từ 8h00 đến 9h45. Tất cả đại biểu tập trung ở Hội trường K, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nghe chỉ đạo về mục đích, ý nghĩa tổ chức hội thảo tập huấn báo cáo viên; phổ biến một số văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến tập huấn giáo viên sử dụng sách giáo khoa lớp 4, lớp 8, lớp 11 biên soạn theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Phiên làm việc theo nhóm: Từ 10h00 – 17h00; Trao đổi, thảo luận về tài liệu tập huấn giáo viên sử dụng sách giáo khoa lớp 4, lớp 8, lớp 11; Có 26 phòng thảo luận và được tổ chức theo môn/ lớp. Chủ trì là tổng Chủ biên các môn học, Chuyên viên Vụ cùng các BCV, biên tập viên tham gia trao đổi, thảo luận để hoàn thiện bộ Tài liệu tập huấn giáo viên sử dụng SGK 4, 8, 11 biên soạn theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Sách giáo khoa Cánh Diều. |
Ghi nhận tại buổi tập huấn trực tuyến tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, các nhà khoa học, chuyên gia và báo cáo viên được cùng nhau thảo luận, phân tích các bài dạy; cách tổ chức dạy học các dạng bài cụ thể; cách ứng dụng các phương pháp dạy học đổi mới để phát huy tính tích cực và sáng tạo của học sinh...
Được biết, trong thời gian tới, các đơn vị nêu trên sẽ phối hợp chặt chẽ với đội ngũ báo cáo viên, các sở GDĐT hoàn thiện tài liệu, xếp thời khoá biểu và triển khai tập huấn giáo viên trên tinh thần quán triệt, vận dụng các văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT đảm bảo chất lượng, hiệu quả, góp phần thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và triết lí của bộ SGK Cánh Diều: “Mang cuộc sống vào bài học, đưa bài học vào cuộc sống”.
Được biết, năm học 2023-2024 là năm đầu tiên học sinh lớp 8, lớp 11 trên cả nước học theo sách giáo khoa mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.