Văn hóa doanh nghiệp – điểm tựa nâng cao sức mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp trong thời đại 4.0
Doanh nghiệp - Doanh nhân 05/10/2020 13:46
PV: Thưa bà, văn hóa doanh nghiệp không phải là khái niệm mới xuất hiện, tuy nhiên, đến nay, đã có định nghĩa chuẩn về vấn đề này chưa?
PGS. TS Dương Thị Liễu: Vào những năm 1970, sau sự thành công vang dội của hàng loạt các công ty Nhật trên khắp thế giới, đặc biệt tại châu Mỹ, người ta bắt đầu nghiên cứu và tìm hiểu sâu về văn hóa doanh nghiệp – yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành công của các thương hiệu đến từ đất nước “mặt trời mọc”. Cho đến gần đây, sau sự bùng nổ của CMCN 4.0, cụm từ “văn hóa doanh nghiệp” ngày càng phổ biến, trở thành tiêu chí để đo lường giá trị thương hiệu của doanh nghiệp. Tại Việt Nam, vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, sau những khảo sát đầu tiên của Đại học Kinh tế Quốc dân, văn hóa doanh nghiệp đã chính thức được đưa vào nghiên cứu. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, chưa có một khái niệm thống nhất về vấn đề này bởi nó còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Song, có thể nói văn hóa doanh nghiệp là một hệ thống các giá trị, chuẩn mực, quan niệm và hành vi của doanh nghiệp, chi phối hoạt động của mọi thành viên trong doanh nghiệp, được chia sẻ bởi các thành viên và tạo nên bản sắc riêng cho từng doanh nghiệp.
PV: Vậy văn hóa doanh nghiệp được cấu thành từ những yếu tố nào và biểu hiện ra sao, thưa bà?
PGS. TS Dương Thị Liễu: Như đã nói ở trên, văn hóa doanh nghiệp chưa có một định nghĩa chính xác thì thang đo để phân tích, đánh giá các yếu tố cấu thành văn hóa doanh nghiệp cũng chỉ mang tính chất tương đối. Xét từ góc độ văn hóa vật thể và phi vật thể, có thể thấy văn hóa doanh nghiệp biểu hiện qua 3 cấp độ. Ở cấp độ 1, văn hóa doanh nghiệp thể hiện dưới dạng cấu trúc hữu hình như: kiến trúc đặc trưng, biểu tượng, logo, khẩu hiệu, ấn phẩm, tài liệu văn bản,… hoặc thông qua các quá trình như: lễ nghi, hội nghị, lễ kỷ niệm,… Bước sang cấp độ 2, văn hóa doanh nghiệp được biểu thị qua những giá trị được chấp nhận, công bố, chia sẻ như tầm nhìn, sứ mệnh, triết lý kinh doanh của doanh nghiệp hay thậm chí là các chuẩn mực hành vi, quy tắc giao tiếp ứng xử của từng nhân viên. Cuối cùng, ở cấp độ 3, văn hóa doanh nghiệp biểu thị trừu tượng dưới dạng các giá trị cốt lõi về niềm tin, nhận thức, suy nghĩ, tình cảm mặc nhiên,... Cho dù ở cấp độ nào, văn hóa doanh nghiệp cũng biểu hiện như “phần hồn” của doanh nghiệp, là sợi dây kết nối sức mạnh tinh thần giúp củng cố vững chắc nền tảng phát triển của đơn vị đó trên thương trường. Song điều đáng bàn hơn không chỉ là việc phân chia văn hóa doanh nghiệp theo từng cấp độ mà là mối quan hệ giữa hai yếu tố cấu thành là văn hóa vật thể và phi vật thể của nó. Ví dụ như câu chuyện về logo của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel). Chiếc logo đó không chỉ đơn thuần là hình ảnh biểu trưng trong bộ nhận diện thương hiệu cho Viettel mà còn là việc kể chuyện bằng hình ảnh về triết lý kinh doanh nổi tiếng của đơn vị này. “Hãy nói theo cách của bạn” chính là cách mà Viettel khích lệ và tôn trọng bản thể cá nhân hóa của mỗi khách hàng. Do đó, có thể thấy, các yếu tố cấu thành nên văn hóa doanh nghiệp không có sự tách rời mà đan xen, hòa quyện, bổ trợ lẫn nhau để biểu đạt chuẩn xác nhất về nét riêng biệt của từng doanh nghiệp.
Văn hóa doanh nghiệp là điểm tựa nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong thời đại 4.0. Ảnh minh họa |
PV: Có thể thấy, cuộc CMCN 4.0 đã tác động mạnh mẽ đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống. Vậy nó đã làm thay đổi văn hóa doanh nghiệp như thế nào?
PGS. TS Dương Thị Liễu: Do văn hóa doanh nghiệp không phải bất biến mà được bồi đắp dần các giá trị, tư tưởng thông qua bối cảnh mới nên tất yếu nó sẽ chịu những ảnh hưởng không nhỏ từ CMCN 4.0. CMCN 4.0 buộc các vận hành phải nhanh chóng, thuận lợi nên mọi đối tác trên toàn cầu đều đánh giá văn hóa doanh nghiệp qua tốc độ xử lý các thủ tục, giải quyết công việc. Có thể nói, trong thời đại 4.0, quy mô không còn là yếu tố then chốt quyết định sức mạnh cạnh tranh mà chính “văn hóa tốc độ” mới trở thành lợi thế. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi công nghệ và phương thức quản trị bắt đầu từ việc chăm lo cho các nền tảng văn hóa, tinh thần. Với sự ra đời của công nghệ Blockchain đã đánh dấu bước đại nhảy vọt trong việc minh bạch hóa các quy trình, nhờ đó tạo ra các công cụ hỗ trợ nhà quản lý phân bổ nhiệm vụ và đánh giá hiệu quả công việc khách quan, công bằng hơn. Chính vì vậy, văn hóa quản lý bằng hiệu quả dần thay thế văn hóa áp đặt, nhằm nâng cao hiệu suất làm việc, giảm bớt các thủ tục, lễ tiết rườm rà khác. Ngoài ra, CMCN 4.0 còn đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục thay đổi, thử nghiệm cái mới và chấp nhận các thất bại.
PV: Cách mạng công nghiệp 4.0 có đặt ra những thách thức nào cho việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp hay không?
PGS. TS Dương Thị Liễu: Mặc dù công nghệ 4.0 đã giúp gia tăng thêm các hình thức quản trị mới trong văn hóa doanh nghiệp, tuy nhiên, nó cũng đặt ra không ít thách thức khác đối với các doanh nghiệp, đòi hỏi phải thay đổi để thích nghi. Điển hình như với robot và trí tuệ nhân tạo (AI), chúng được tạo ra nhằm thay thế một phần các công việc tay chân của con người, song công nghệ phát triển đã khiến robot ngày càng trở nên thông minh hơn, chúng đã xóa sổ một số công việc trước đây con người từng đảm nhiệm. Ngoài ra, sự ứng dụng công nghệ trong quản lý, vận hành doanh nghiệp khiến tính đoàn kết, tính tập thể có thể bị suy giảm do máy móc trở thành trung gian trao đổi giữa các phòng ban dẫn đến tính tương tác kém. Điều này thật đáng ngại khi mỗi người chỉ chú tâm làm tốt việc của mình mà không cần quan tâm đến các nội dung sứ mệnh, tầm nhìn chung của doanh nghiệp. Sự phụ thuộc vào máy móc có thể ít nhiều làm giảm nhu cầu sáng tạo, ảnh hưởng đến việc xây dựng thương hiệu. Nếu tính sáng tạo không được đề cao thì sẽ dẫn đến việc các thương hiệu không còn nổi bật, ghi nhớ trong lòng khách hàng. Một tác động khác do CMCN 4.0 tạo ra là tâm lý sợ rủi ro. Khi lo ngại rủi ro sẽ dẫn đến sự đầu tư dưới mức cần thiết cho những cơ hội, đáp ứng chậm chạp trước sự thay đổi nhanh chóng của thị trường dẫn đến các tín hiệu quan trọng bị doanh nghiệp bỏ lỡ hoặc phản ứng quá chậm.
PGS. TS Dương Thị Liễu, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: NVCC |
PV: Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới, theo quan điểm của bà, quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp cần thích ứng những điều gì?
PGS. TS Dương Thị Liễu: Có thể nói, văn hóa doanh nghiệp như cái neo nhân văn trong thời CMCN 4.0 bởi cho dù công nghệ có phát triển đến đâu thì các yếu tố đặc trưng của con người như: đạo đức, niềm tin, sự tương tác và kết nối,… cũng không thể thiếu được. Tuy nhiên, để bắt nhịp với tốc độ phát triển như vũ bão của công nghệ thì văn hóa doanh nghiệp cũng cần thay đổi để thích ứng trong bối cảnh mới.
Tôi cho rằng, quá trình đổi mới, nâng tầm văn hóa thời 4.0 là không thể thiếu, đây là một hành trình dài hạn cần được cụ thể hóa bằng các chương trình như xây dựng, tích hợp các giá trị cốt lõi vào hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp. Tiếp theo là định hình lại hệ thống văn hóa liên quan đến các thành tố như chiến lược, cơ cấu tổ chức, hệ thống quản trị nhân lực,… để phù hợp với môi trường kinh doanh mới. Lẽ dĩ nhiên việc chuyển đổi số sẽ mang đến không ít lợi ích cho doanh nghiệp nên nhà lãnh đạo cần phải sở hữu tầm nhìn về công nghệ. Họ cần có lập trường tiên phong về văn hóa gắn với sự quản trị bằng công nghệ để chèo lái con thuyền doanh nghiệp một cách vững vàng nhất. Ngày nay, việc sử dụng công nghệ và giao tiếp trực truyến cũng là cách gắn kết nhân viên trong doanh nghiệp, giúp họ không cảm thấy cô đơn cho dù đang làm việc ở bất cứ đâu.
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ cũng đòi hỏi nỗ lực sáng tạo của doanh nghiệp nhằm nâng cao sức mạnh cạnh tranh. Bởi lẽ các doanh nghiệp xuất sắc trong kỷ nguyên số đều có một nền văn hóa với đặc tính nuôi dưỡng, khuyến khích sự đổi mới, sáng tạo không ngừng. Văn hóa này thấm nhuần trong tư duy của nhà lãnh đạo lẫn nhân viên tạo nên thói quen, phong cách hoạt động của doanh nghiệp đó. Thúc đẩy sáng tạo đang là mục tiêu hàng đầu của các nhà lãnh đạo bởi điều này không chỉ làm gia tăng hiệu quả công việc mà còn gắn kết nhân viên với công ty bằng sự tin tưởng và thái độ tích cực.
Ngoài ra, thiết nghĩ cần cải thiện văn hóa doanh nghiệp theo hướng minh bạch hơn. Cụ thể đó là sự cởi mở, đề cao và thực hiện có hiệu quả việc chia sẻ thẳng thắn, rõ ràng về tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi, chiến lược, quy trình hoạt động để tất cả các nhân viên trong công ty đều nắm được. Đều này giúp lan tỏa thông điệp tinh thần từ nhà lãnh đạo đến toàn bộ các thành viên, kể cả các nhân viên mới đặt chân đến ngôi nhà doanh nghiệp. Việc hiểu được những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp khiến nhân viên cảm thấy tin tưởng, an tâm hơn và có động lực để làm việc hiệu quả nhất. Cuối cùng, có thể khẳng định văn hóa doanh nghiệp giống như “bộ gen” giải mã bản sắc, là nguồn cội tạo ra sự khác biệt của mỗi doanh nghiệp. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần nhận thức sâu sắc rằng văn hóa doanh nghiệp là yếu tố quan trọng trong quản trị, vận hành doanh nghiệp trong thời đại CMCN 4.0. Do đó, các nhà lãnh đạo sáng suốt cần đưa ra chiến lược xây dựng văn hóa doanh nghiệp phù hợp với đơn vị trong bối cảnh mới nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức này.
Xin cảm ơn bà!