Vấn đề tăng lương hưu và trợ cấp xã hội
Xã hội 16/07/2021 15:05
Dự kiến thực hiện với 2 phương án: Một là, từ ngày 1/7/2021, với mức tăng 10 %. Hai là, từ ngày 1/1/2022, với mức tăng 15 %, nhằm mục đích bù đắp trượt giá, chia sẻ một phần thành quả của phát triển kinh tể trong các năm 2019-2021. Sau khi lấy ý kiến các bộ, ngành, các chuyên gia, nhiều khả năng hướng về phương án 2 và Nghị định về vấn đề này đang được soạn thảo.
Từ năm 2008 đến nay, Nhà nước đã thực hiện 12 lần tăng lương hưu và Bảo hiểm xã hội cho các đối tượng quy định. Do đại dịch Covid-19 nên 2 năm (2020-2021) không tiến hành điều chỉnh lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội. Thực hiện phương án 2 (tăng 15%) thì có 2 nhóm chính thụ hưởng: Nhóm do ngân sách Nhà nước chi trả và nhóm do Quỹ Bảo hiểm xã hội chi trả.
Theo đó, những người nghỉ hưu trước năm 1995, với tổng số khoảng 900.000 người, dự kiến kinh phí tăng thêm trong năm 2022 hơn 47.300 tỉ đồng (bao gồm cả khoản đóng Bảo hiểm y tế). Còn 2,28 triệu người nghỉ hưu từ 1/1/1995 (thuộc nhóm 2) do Quỹ Bảo hiểm xã hội chi trả dự kiến kinh phí tăng trong năm 2022 gần 170.000 tỉ đồng. Đồng thời, đối với những người về hưu sau năm 1995, người được trợ cấp mất lao động và trợ cấp hàng tháng sau khi điều chỉnh ở mức thấp (dưới 2,5 triệu đồng/tháng), hoặc vẫn thấp hơn 2,3 triệu đồng đến dưới 2,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh cho đủ 2,5 triệu đồng/người/tháng. Nhóm này có khoảng gần 50% tổng số người về hưu trước năm 1995 kinh phí do ngân sách Nhà nước chi trả tăng thêm khoảng 700 tỉ đồng,v.v...
Nhìn chung, với mức tăng 15% lương hưu và trợ cấp xã hội có thể đáp ứng được nhu cầu đời sống cho các nhóm đối tượng thụ hưởng. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch covid-19 vẫn tiếp tục lây lan, mặc dù Nhân dân ta quyết liệt thực hiện mục tiêu kép nhưng tình hình phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn, giá cả hàng hóa leo thang nhất là một số hàng thiết yếu cho đời sông, đi đôi với lạm phát thì mức tăng như vậy cũng chỉ góp phần ổn định đời sống chứ chưa phải là một bước cải thiện, nâng cao mức sống cho các đối tượng như mong muốn. Do đó, cần thúc đẩy thực hiện mục tiêu kép là vừa quyết liệt “chống dịch như chống giặc” vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để đạt tăng trưởng kinh tế; đồng thời tiếp tục thực hiện lộ trình cải cách chế độ tiền lương cho các đối tượng lao động và chính sách Bảo hiểm xã hội như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII nêu ra.