Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đạt 74,5 tuổi
Tin tức 12/07/2024 15:51
Ngày 11/7, Bộ Y tế và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Dân số thế giới nhằm mục đích giải quyết những vấn đề đang còn tồn đọng trong bối cảnh nhân khẩu học thay đổi nhanh chóng trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tại đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trong 30 năm qua, Việt Nam đã nỗ lực giải quyết tình trạng bất bình đẳng và thu hẹp khoảng cách về thực trạng kinh tế - xã hội giữa các vùng cũng như các nhóm dân cư. Cụ thể, chỉ số phát triển con người được cải thiện đáng kể và đạt mức trung bình so với các nước trên thế giới. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em giảm mạnh. Đặc biệt, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng nhanh, từ 65,5 tuổi năm 1993 lên 74,5 tuổi năm 2023, cao hơn nhiều quốc gia có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.
Bên cạnh đó, tỷ suất tử vong mẹ đã giảm 6 lần trong 30 năm qua, từ mức 233/100.000 trẻ đẻ sống năm 1990 xuống còn khoảng 40/100.000 trẻ đẻ sống những năm gần đây. Từ năm 1993, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi cũng giảm từ 43,3 xuống 12,1 trên 1.000 trẻ đẻ sống năm 2020.
Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức như tốc độ già hóa dân số nhanh và sớm trở thành quốc gia dân số già; tỷ số giới tính khi sinh vẫn luôn ở mức cao... |
Từ năm 2007, Việt Nam đã bước vào thời kỳ "dân số vàng" với lực lượng lao động trẻ, dồi dào và cần được tiếp tục đầu tư cho an sinh xã hội, y tế, giáo dục, việc làm, nâng cao năng suất lao động, hướng tới phát triển bền vững.
Để duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước, Bộ Y tế đề xuất chính phủ thay đổi pháp lệnh dân số hiện hành, thay vì mỗi cặp vợ chồng, cá nhân "sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định" bằng việc họ được tự quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh; được cung cấp thông tin, tiếp cận, lựa chọn, sử dụng các biện pháp kế hoạch hoá gia đình.
Dù Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu tuy nhiên theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: Nguy cơ không đạt được mục tiêu duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc; xuất hiện xu thế mức sinh xuống thấp; tốc độ già hóa dân số nhanh và sớm trở thành quốc gia dân số già; tỷ số giới tính khi sinh vẫn luôn ở mức cao sẽ dẫn tới nguy cơ mất cân bằng giới tính; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết vẫn chậm khắc phục. Đặc biệt, tỷ lệ mang thai ở người chưa thành niên còn cao, nhất là khu vực miền núi phía bắc và Tây Nguyên...