Trang trại dưới chân núi Tiên Sơn
Tuổi cao gương sáng 04/11/2022 13:42
Vì vậy, lần nào lên điền trang, ông Châu đều vào giao lưu bóng chuyền với thanh niên xã. Ông còn mua vài chục trái bóng tặng thanh niên luyện tập. Có hôm, ông tham gia thi đấu tới 8 séc. Lần này vì sợ tôi phải chờ đợi lâu nên ông chỉ chơi có 3 séc.
Đàn gà giống tỉnh Bình Định mới nhập về trang trại |
Hạnh phúc bắt đầu từ thay đổi một nếp nghĩ, một cách làm. Tuy vợ ông là bà Nguyễn Quỳnh Loan làm Giám đốc Công ty nhưng tất cả mọi việc vợ chồng đều cùng nhau bàn bạc và đưa ra quyết định cuối cùng. Vốn sẵn bản tính cần cù và nghị lực vượt khó, trí tuệ, tháo vát làm ăn, vợ chồng ông luôn nắm bắt nhu cầu thị trường và mạnh dạn đầu tư. Với phương châm “Chân đi, miệng nói, tay làm”, biến áp lực thành động lực, điền trang đã trở thành nguồn sống của gia đình ông. Trong trang trại rộng 6ha, ông dành 4ha trồng cà phê xen bơ xanh tốt bời bời; 2ha đất còn lại ông còn đầu tư 30 tỉ đồng làm điện mặt trời, hiện đã hòa lưới điện quốc gia. Ông bảo, nếu thuận buồm, xuôi gió sau 6-8 năm sẽ hoàn vốn đầu tư và từ đó trở đi sẽ có lãi. Bên dưới các tấm pin điện mặt trời, ông tổ chức nuôi gà thịt mua giống từ tỉnh Bình Định với 5 vạn con mỗi năm. Công ty còn nuôi 120 con bò trên núi Tiên Sơn. Mỗi năm, đàn bò sinh thêm 30-40 con bê, số bê này trong 8-9 tháng, sau đó bán bò thịt.
Đàn bò 120 con của Công ty tại trang trại |
Còn 8ha đất ở xã Kdang, huyện Đak Đoa, Công ty trồng cà phê, nuôi 5 vạn con gà giống mỗi năm. Để quản lí, chăm sóc cây trồng, vật nuôi 2 trang trại kể trên, Công ty thuê gần chục lao động, mỗi tháng trả tiền lương từ 5 - 8 triệu đồng/ người. Trừ chi phí, mỗi năm Công ty thu lãi ổn định. Đời sống gia đình sung túc lên rõ rệt.
Sống hòa mình với người lao động, coi họ như anh em một nhà, cứ thấy việc là vợ chồng ông lại lao vào cùng làm. Tại trang trại Công ty cũng nuôi vài chục con lợn giống địa phương và vài chục con gà đồi để thi thoảng cải thiện đời sống cho cán bộ, người lao động và chiêu đãi khách.
Vườn cà phê xen bơ tại trang trại |
Ngồi nhậu trong cơn mưa chiều chợt đến, chợt đi, ông Châu tâm sự: “Tôi làm nông nghiệp mấy chục năm nay, lỗ, lãi từng nếm trải. Làm nông nghiệp là một cuộc vật lộn cam go. Có lúc ăn nên, làm ra, có lúc như đứng bên bờ vực những thăng trầm. Đau buồn nhất là năm đại dịch gà, tuy đàn gà nhà tôi không bị dịch nhưng vẫn bị Ban phòng chống dịch gia súc, gia cầm của huyện tiêu hủy hàng vạn con. Tài sản gia đình trôi theo đại dịch, gia đình tôi phải bán căn nhà ở trung tâm thành phố Pleiku để trả nợ ngân hàng. Trong nhiều cây, con của Công ty, nghề chăn nuôi gà với quy mô lớn hàng vạn con đã gắn bó với gia đình tôi gần 20 năm nay”.
Hệ thống điện mặt trời 2 MW tại trang trại |
Ngoài việc kể chuyện làm ăn, ông còn kể cho chúng tôi chuyện gia đình. Người em gái, không may bị bệnh hiểm nghèo đã ra đi sớm để lại ba đứa con thơ dại. Bố của các cháu đi thêm bước nữa nên cũng không có điều kiện chăm nuôi ba đứa con. Gia đình ông đã nhận làm cha nuôi, nuôi ba cháu ăn học đến nơi, đến chốn rồi dựng vợ, gả chồng cho các cháu. Hiện nay, hai người con của ông cũng đã đến tuổi trưởng thành. Vợ chồng con trai lớn đang làm luận án tiến sĩ ở Đài Loan (Trung Quốc). Còn con trai út đã nhận bằng cử nhân đang chuẩn bị thi vào công chức của tỉnh. Gia đình ông sống hiền lành, với đôi bàn tay chăm chỉ, rất hòa thuận đã làm thăng hoa hạnh phúc gia đình. Không chỉ sống riêng cho gia đình mình, khi có “bát ăn, bát để”, gia đình ông còn sẵn sàng làm từ thiện, chia sẻ, giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội.