TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển Kinh tế - xã hội đến năm 2025
Tin tức 19/03/2023 09:13
Bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước phát biểu tại Hội nghị |
Hội nghị nhằm tiếp tục phát huy thành quả của Chương tình hợp tác phát triển Kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, góp phần vào phát triển KT-XH tại các địa phương và có đóng góp nhất định cho sự phát triển KT-XH của cả nước.
Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Khoa Học và Đầu tư; Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền; cùng đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh vùng Đông Nam bộ và Long An.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị |
Phát biểu mở đầu hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, để đưa Bình Phước từ vị trí “dự trữ” thành một “động lực” tăng trưởng và phát triển của vùng Đông Nam bộ, tỉnh tiếp tục kết nối phát triển với các tỉnh, thành thông qua việc xây dựng 58 đề án, chương trình, kế hoạch có tính định hướng trong các lĩnh vực kết cấu hạ tầng, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp, đến khoa học - công nghệ, đô thị, chuyển đổi số, nguồn nhân lực, cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt, Bình Phước đang phối hợp với các địa phương triển khai dự án giao thông kết nối vùng gồm cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) và đường Đồng Phú - Bình Dương.
Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2023- 2025 |
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, TP. Hồ Chí Minh luôn ý thức sự phát triển của thành phố không thể tách rời và có đóng góp rất lớn của các địa phương vùng Đông Nam bộ và các vùng khác. Thông qua hợp tác, liên kết vùng, TP. Hồ Chí Minh là địa phương được hưởng lợi nhất trong việc mở rộng không gian phát triển, có thêm những ý kiến đổi mới sáng tạo, kiểm nghiệm nhiều mô hình để phát triển các thế mạnh, đặc thù của từng địa phương. TP. Hồ Chí Minh có quan hệ hợp tác với 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, còn Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu chưa có chương trình hợp tác cụ thể. TP. Hồ Chí Minh mong muốn sơ kết các chương trình hợp tác và bàn chương trình khác chung cho cả vùng, nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về Đông Nam bộ.
Trên cơ sở đánh giá vị trí, tiềm năng phát triển, nhu cầu, khả năng, điều kiện của các địa phương, UBND TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ ký kết văn bản thoả thuận, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2023 - 2025.
Cụ thể, trong giai đoạn 2023 – 2025, TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu thống nhất phối hợp, mở rộng hợp tác, thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm theo quy mô phát triển của Vùng.
Về công tác quy hoạch: Các địa phương trong Vùng phối hợp lập quy hoạch tỉnh, tham gia góp ý quy hoạch các tỉnh, thành phố trong Vùng bảo đảm thống nhất phù hợp với quy hoạch Vùng, quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, chủ trương phát triển Vùng theo Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 154/NQ-CP của Chính phủ. Đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất các tác động xung đột phát triển giữa các địa phương trong Vùng.
Rà soát, nghiên cứu cập nhật quy hoạch đường, khu đô thị, khu dân cư mới ven sông để phát huy giá trị của sông Sài Gòn, sông Đồng Nai nhằm đảm bảo tính kết nối đồng bộ giữa các địa phương, phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn không gian văn hóa, du lịch đường sông, tạo lợi thế trong thu hút đầu tư, tạo nên giá trị kết nối đường sông giữa các tỉnh vùng Đông Nam Bộ.
Về cơ chế điều phối phát triển vùng: Hợp tác nghiên cứu, xây dựng, trình cấp thẩm quyền phê duyệt và vận hành cơ chế liên kết, điều phối, cơ chế đặc thù phát triển vùng Đông Nam Bộ.
Về kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư - thương mại: Xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp, thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu thụ nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn, quy chuẩn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trong các chuỗi cung ứng nông sản.
Hợp tác tổ chức các hội nghị, diễn đàn kết nối, xúc tiến thương mại, đầu tư giữa các doanh nghiệp thương mại, doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh. Phối hợp thông tin, giới thiệu, kêu gọi đầu tư giữa các doanh nghiệp của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát lưu thông hàng hóa, chống buôn lậu và gian lận thương mại, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Về kết nối giao thông, hạ tầng công nghiệp, hạ tầng dịch vụ: Hợp tác đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống đường bộ, đường sắt theo quy hoạch (các tuyến vành đai, quốc lộ và đường cao tốc kết nối) như: Đường vành đai 3 và vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh; cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Mộc Bài; cao tốc TP. Hồ – Chơn Thành; tuyến đường sắt đô thị kết nối TP. Hồ Chí Minh với Bình Dương, Đồng Nai; đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành; hợp tác xây dựng đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu; cầu Phước An và tuyến đường kết nối cầu Phước An với cao tốc Bến Lức – Long Thành…
Lĩnh vực môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu: Hợp tác bảo vệ môi trường: Bảo vệ các hệ thống sông; phòng ngừa khai thác cát trái phép; xử lý chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt và y tế; các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu…
Hợp tác quốc tế về giải pháp canh tác mới, giống mới thích ứng với biến đổi khí hậu và các giải pháp chống ngập.
Về lĩnh vực giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực: Hợp tác phát triển nguồn nhân lực và xây dựng thị trường lao động chung của Vùng để phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế, du lịch, văn hóa, thể dục, thể thao, y tế, giáo dục, nguồn nhân lực chất lượng cao,…: Vùng Đông Nam Bộ phát huy vai trò là trung tâm đại học - đào tạo nghề; Vùng Đông Nam Bộ phát huy trung tâm công nghiệp – dịch vụ làm nền tảng của thị trường lao động.
Hợp tác chuyển giao kinh nghiệm khám chữa bệnh, điều trị chuyên sâu, hội chuẩn từ xa; nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng, cơ sở dữ liệu dùng chung trong lĩnh vực y tế.
Về lĩnh vực khoa học công nghệ, chuyển đổi số: Hợp tác phát triển hạ tầng chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung của Vùng về kinh tế - xã hội, làm cơ sở hoạch định chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển và điều phối hoạt động liên kết vùng Đông Nam Bộ.
Xây dựng Đề án kết nối các sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh với các trung tâm ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ ở các địa phương trong Vùng.