TP Hồ Chí Minh: Nhiều hàng quán vẫn đóng cửa im lìm, dù shipper đã được chạy liên quận
Tin tức - Sự kiện 20/09/2021 18:15
Quán Bún Quậy, chưa thể mở cửa |
Các hàng quán gặp nhiều khó khăn khi mở của trở lại
“Quán tôi không thể mở cửa vì chúng tôi không mua được nguyên liệu trực tiếp từ các siêu thị mà phải mua qua điện thoại, đợi 2 hoặc 3 ngày nhân viên siêu thị mới tới giao hàng, còn bán hàng thì phải bán qua điện thoại và chọn shipper là người giao hàng cho khách. Một tô bún quậy giá 50 ngàn đồng cộng 50 ngàn tiền ship đi trong bán kính 2km thì khách hàng thà chịu thèm chứ không mua hàng”, anh Nguyễn Thanh, chủ quán Bún Quậy chia sẻ.
Tại một siêu thị VinMart trên đường Ni sư Huỳnh Liên, quận Tân Bình sau 10 phút lựa chọn một số mặt hàng thì phóng viên bị quản lý siêu thị mời ra vì lý do không được mua hàng trực tiếp dù ngày chủ nhật rất vắng khách. Tương tự chúng tôi vào một quán trà sữa nổi tiếng trên đường Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình cũng bị bảo vệ chặn lại không cho mua hàng trực tiếp. Bảo vệ này giải thích phải gọi điện đặt hàng và chọn shipper là người giao hàng.
“Quán tôi đáp ứng đủ các điều kiện để được kinh doanh như thành phố yêu cầu nhưng từ khi mở bán tới nay, mỗi ngày, quán tôi chỉ nhận được chục đơn hàng. Theo tôi là do khách ngại phí giao hàng cao. Một số khách có đặt qua số điện thoại nhưng việc tìm được một tài xế giao hàng là khá vất vả trong những ngày này", anh Nguyễn Xuân Thành, chủ quán mì Quảng trên đường Bàu Cát ở quận Tân Bình chia sẻ.
Không chỉ có khách hàng mà nhiều cửa hàng kinh doanh ăn uống nhỏ lẻ cũng gặp khó vì phí giao hàng cao, giá một số món ăn cũng tăng. Khách hàng không mặn mà mua hàng, hàng quán rơi vào tình trạng ế ẩm khi mở bán trở lại.
Điển hình như tiệm bánh Như Lan ở quận 1, người dân muốn mua bánh Trung thu phải đặt hàng cho người đi chợ thay (các shipper). Rất mất thời gian xếp hàng, nên các shipper thường từ chối mua bánh Trung thu giùm khách hoặc tăng giá cước lên.
Cơ sở bánh trung thu Như Lan trên đường Hàm Nghi, ở quận 1 TP Hồ Chí Minh |
Một vị Lãnh đạo quận Tân Bình, cho biết một trong những nguyên nhân khiến các cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn chưa mở cửa nhiều là vì khó đáp ứng được yêu cầu “3 tại chỗ”. Nhân viên tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, phải test nhanh Covid-19 định kỳ, có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ở lĩnh vực hoạt động.
Shipper hoạt động chưa nhiều vì vẫn gặp khó
Anh Nguyễn Phúc Quốc, tài xế công nghệ lý giải nguyên do tỉ lệ hoàn thành các đơn hàng thấp vì nhiều tuyến đường vẫn đang giăng dây, shipper phải đi lại lòng vòng nên mất nhiều thời gian.
“Việc giao hàng liên quận trở lại giúp tăng thu nhập nhưng thật sự vẫn còn nhiều khó khăn. Chúng tôi chỉ dám nhận đơn liên quận gần nhau vì nếu đi xa thật sự rất khó di chuyển vì không thông thạo đường và ngại khi gặp các chốt kiểm soát", anh Quốc cho biết.
Anh Trần Tài một shipper lâu năm ở quận 3 cho biết “Sở Công thương TP Hồ Chí Minh và các điểm test nhanh cũng tạo điều kiện cho xét nghiệm nhanh và không mất phí nhưng giá cước tăng cao vì hãng thu thêm do chúng tôi phải chạy lòng vòng tránh các đường bị chốt, chặn rất mất thời gian”
Theo các tài xế, việc giao hàng liên quận vẫn còn gặp khó trong việc tìm điểm xét nghiệm vì một số điểm ngưng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Trong những ngày đầu hoạt động liên quận, hệ thống cũng bị lỗi vì chưa hiển thị đầy đủ thông tin shipper nên dẫn tới một số tài xế gặp khó.
Shipper chạy liên quận |
Đánh giá những ngày đầu cho shipper chạy liên quận, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, cho rằng lực lượng này gặp khó khăn do chưa quen đường sá trong tình hình mới vì việc tìm kiếm và thực hiện lộ trình qua ứng dụng Google Maps không còn chính xác, do địa phương lập chốt, rào chắn. Sở Công thương đang tiếp tục xem xét, ghi nhận để có đánh giá sâu sát hơn.
Theo ý kiến của nhiều hộ kinh doanh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh để các hàng quán mở của trở lại thì TP nên cho người dân được trực tiếp mua hàng nếu họ đáp ứng đủ 5K và có “thẻ xanh Covid-19”.