Tỉnh Thừa Thiên Huế: Hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn do dịch Covid-19
Thông tin doanh nghiệp 02/08/2021 07:49
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các Ban Quản lí Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh liên hệ với các doanh nghiệp kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc; Sở Công thương phối hợp Cục Hải quan hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, nhất là ngành dệt may thuận lợi, nhanh chóng; Sở Tài chính phối hợp Quỹ Đầu tư phát triển nghiên cứu, đề xuất việc giảm, hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp vay vốn và phối hợp Cục Thuế tỉnh tham mưu việc gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất…
Là một trong những doanh nghiệp sản xuất trang phục lớn, Công ty Scavi Huế đóng tại huyện Phong Điền giải quyết việc làm thường xuyên cho 6.500 công nhân. Trong bối cảnh hiện nay, Nghị định số 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ đã giúp doanh nghiệp vơi bớt những khó khăn để duy trì sản xuất. Giám đốc tài chính Công ty, ông Đặng Văn Vĩnh cho biết, quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của công ty năm 2020 là 50 tỉ đồng, đã nộp Nhà nước 35 tỉ đồng, còn lại 15 tỉ đồng phải nộp ngày 31/3/2021, nhưng Công ty đã làm hồ sơ xin gia hạn thời gian nộp...
Ngành dệt may Huế tăng trưởng khá |
Theo ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh, trước khó khăn của các doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngoài chính sách hỗ trợ theo chủ trương của Trung ương, tỉnh triển khai thêm nhiều giải pháp như rà soát, điều chỉnh giảm mức thu 22 khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh. Đến cuối tháng 5/2021, có 5682 doanh nghiệp được các ngân hàng, tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời gian trả nợ với dư nợ 2821 tỉ đồng; 12.118 khách hàng được miễn, giảm lãi; 2.212 khách hàng được vay mới để khôi phục sản xuất với doanh số 43.739 tỉ đồng.
Đầu năm 2020 do dịch Covid-19 bùng phát, các doanh nghiệp dệt may, sợi, thủy sản, đồ gỗ mĩ nghệ, dăm gỗ… mà nhiều cơ sở do NCT làm chủ, làm chuyên gia tư vấn chịu nhiều thiệt hại. Chỉ tính riêng KCN Phú Bài có hàng chục nhà máy buộc phải đóng cửa, một số hoạt động cầm chừng. Đầu tháng 6/2020, khi dịch bệnh được kiểm soát, tỉnh đã thực hiện các giải pháp cấp bách để giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phần lớn các nhà máy dần hoạt động trở lại.
Tại KCN Phong Điền, Công ty Scavi Huế sản xuất hàng dệt may xuất khẩu sang Hàn Quốc, Mỹ và Châu Âu. Nửa cuối tháng 3/2020, Công ty gặp nhiều khó khăn khi các đơn hàng không xuất khẩu được. Nhiều dây chuyền may không có việc làm buộc phải thay đổi kế hoạch sản xuất, bố trí cho một số công nhân nghỉ việc luân phiên. Với hơn 6.000 lao động gắn bó với các nhà máy may từ khi mới thành lập nên dù khó khăn, doanh nghiệp cũng phải nghĩ cách để duy trì hoạt động để người lao động có việc làm. Đầu tháng 6/2020, Công ty kí được các hợp đồng xuất khẩu 250 triệu khẩu trang vải kháng khuẩn, 100% nguyên liệu nhập từ các nhà máy trong nước nên luôn chủ động nguồn hàng.
Tại KCN Phú Đa, nhờ kiểm soát được dịch, Công ty CP Dệt may Thiên An Phú và các doanh nghiệp phục hồi hoạt động sau khi chuyển sản xuất áo quần thời trang sang áo quần bảo hộ y tế và khẩu trang vải kháng khuẩn, bảo đảm công việc cho hơn 4.000 lao động. Hiện tất cả các đơn hàng sản xuất áo quần xuất khẩu sang Mỹ đều được đóng gói và lưu kho theo yêu cầu của đối tác, đợi thời điểm cho phép xuất khẩu.
Thừa Thiên Huế đang kiểm soát tốt dịch bệnh Covid- 19, đến nay chưa ghi nhận ca dương tính trong KCN, song UBND tỉnh chỉ đạo công tác phòng, chống dịch luôn được tăng cường, các doanh nghiệp phải sẵn sàng thực hiện phương án “3 tại chỗ”. Bà Trần Thị Kim Chi, Tổng Giám đốc Công ty Sợi Phú Bài cho biết, Công ty có gần 800 cán bộ, công nhân, chủ yếu sản xuất sợi xuất đi các nước châu Âu, Nhật Bản, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc),… Hiện Công ty đã mua 500 bộ chăn, ga, gối để bố trí chỗ sinh hoạt, ăn ở, nghỉ ngơi tại chỗ và dự trữ lương thực, thực phẩm thiết yếu cho công nhân trong khoảng 1 tháng.
Để người lao động yên tâm công tác tại chỗ, công đoàn của các tổ chức doanh nghiệp đã vận động ông bà, cha mẹ là người đã nghỉ hưu ở nhà chăm lo cho con, cháu của họ. Các tổ chức Chính trị - xã hội phối hợp với Hội NCT tăng cường các hoạt động từ thiện, vận động các mạnh thường quân ủng hộ các gia đình NCT đông con cháu, gặp nhiều khó khăn để họ không bị “đứt bữa”.
Mặc dù bị tác động bởi dịch Covid-19, nhưng 6 tháng đầu năm 2021 tỉnh vẫn đạt tăng trưởng kinh tế - xã hội 5,64%, kim ngạch xuất khẩu hơn 500 triệu USD, tăng 35% so với cùng kì. Đây là tín hiệu đáng mừng khi các doanh nghiệp có ngành hàng xuất khẩu vượt qua khó khăn, phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường.
Ngoài đẩy mạnh phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, cấp ủy, tỉnh còn thực hiện tốt gói hỗ trợ của Chính phủ 26.000 tỉ đồng, hỗ trợ trực tiếp nhóm đối tượng bị ảnh hưởng sâu, không có khả năng lao động và phục hồi. Công tác an sinh xã hội được bảo đảm, không để người dân thiếu đói do dịch bệnh. Việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, phát huy tinh thần lạc quan ở người cao tuổi được chú trọng do đây là đối tượng có nhiều bệnh lí nền, hệ miễn dịch suy yếu, dễ nhiễm dịch bệnh.
Hiện nay tỉnh Thừa Thiên Huế đang khẩn trương triển khai tiêm chủng vaccine, ưu tiên cho đối tượng NCT từ 65 tuổi trở lên, có nhiều bệnh nền, thực hiện kiên định 5 nguyên tắc phòng chống dịch, đồng thời đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống Nhân dân nhằm thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép" theo chỉ đạo của Chính phủ.