Tỉnh Thanh Hoá: Hàng nghìn hộ dân vùng nguy cơ sạt lở sẽ được sắp xếp chỗ ở an toàn
Tin tức 08/11/2022 17:43
Hiện 35 hộ đã di dời đến khu TĐC thôn Bố, xã Lũng Cao (Bá Thước) |
Cùng với việc thực hiện tốt các chính sách của Đảng và nhà nước đối với vùng miền núi, tỉnh Thanh Hóa còn ban hành nhiều chính sách đặc thù; đồng thời triển khai một cách đồng bộ, có hiệu quả, phù hợp với từng vùng, từng thời điểm. Một trong sáu chương trình trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định là “Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025.”
Để hiện thực hoá Nghị quyết cũng như đảm bảo hoàn thành các nội dung, nhiệm vụ của đề án Đề án sắp xếp, ổn định dân cư vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thanh Hoá đã có kế hoạch chi tiết, cụ thể cho từng giai đoạn.
Trong năm 2021, toàn tỉnh đã tổ chức triển khai được 3 khu tái định cư (TĐC) tập trung theo lệnh đầu tư khẩn cấp để sắp xếp, ổn định cho 112 hộ dân, tổng mức đầu tư 39,275 tỷ đồng, cụ thể: Khu TĐC Bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát cho 42 hộ, mức đầu tư 14,7 tỷ đồng; Khu TĐC Bản Lở, xã Nam Động, huyện Quan Hóa cho 34 hộ, mức đầu tư 11,975 tỷ đồng; Khu TĐC khu Co Hương, Bản Ngàm, xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn cho 36 hộ, mức đầu tư 12,6 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2022-2025, thực hiện sắp xếp, ổn định cho 2.828 hộ dân tại khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, bao gồm: Tái định cư xen ghép 1.118 hộ/09 huyện/45 xã/149 thôn, bản; tái định cư liền kề 832 hộ/08 huyện/20 xã/33 thôn, bản/33 khu; tái định cư tập trung 878 hộ/06 huyện/12 xã/17 thôn, bản/17 khu.
Theo đó, năm 2022, triển khai 15 khu TĐC, sắp xếp, ổn định cho 1.219 hộ dân. Năm 2023, triển khai 11 khu TĐC, sắp xếp, ổn định cho 608 hộ dân. Giai đoạn 2024-2025, dự kiến triển khai 21 khu TĐC, sắp xếp, ổn định cho 1.001 hộ dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn các huyện miền núi.
Tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2022-2025 là 546,3 tỷ đồng, trong đó: Giai đoạn 2022-2023 là 343,825 tỷ đồng, bao gồm: Nguồn ngân sách hỗ trợ trực tiếp cho các hộ dân 77,11 tỷ đồng; hỗ trợ trực tiếp cho các hộ dân từ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức là 23,865 tỷ đồng; nguồn kinh phí thực hiện đầu tư hạ tầng các khu TĐC là 242,85 tỷ đồng. Giai đoạn 2024-2025 là 202,475 tỷ đồng, bao gồm: Nguồn kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho các hộ dân 57,125 tỷ đồng; nguồn kinh phí thực hiện đầu tư hạ tầng các khu TĐC là 145,35 tỷ đồng.
Khu TĐC Sa Ná (Quan Sơn) được xây dựng khang trang |
Trong quá trình thực hiện, các cấp, các ngành, địa phương sẽ tập trung huy động các lực lượng chức năng (Bộ đội Biên phòng, Công an, Quân đội, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, dân quân tự vệ...) và quần chúng Nhân dân tham gia hỗ trợ trong quá trình di chuyển, xây dựng, chỉnh trang nhà cửa cho 2.828 hộ dân, tương đương với khoảng 56.560 lượt người hỗ trợ.
Mới đây, 40 hộ dân đang sinh sống tại nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở tại Bá Thước đã được hỗ trợ di dời đến Khu TĐC thôn Bố, xã Lũng Cao. Khu TĐC được đầu tư xây dựng trên tổng diện tích gần 1,3 ha. Đến ngày 3/11/2022 đã bàn giao đưa vào sử dụng 4 hạng mục chính, gồm: khu đất làm nhà ở; hệ thống điện; cầu, đường giao thông nội bộ; nước sạch tập trung. Khu TĐC được thiết kế cho 44 hộ với diện tích từ 120 đến 130m2/hộ; đến nay đã phê duyệt cho 40 hộ, trong đó, có 35 hộ đã di dời đến khu TĐC còn 5 hộ chưa thực hiện di dời. Đến ngày 4/11/2022, tổng số hộ đã được nhận tiền hỗ trợ di dời là 35 hộ, mỗi hộ 50 triệu đồng.
Nhìn lại cách đây vài năm, có lẽ người dân cả nước còn nhớ như in và không khỏi xót xa khi nhớ lại những ngày cơn bão lịch sử năm 2019 đi qua xóa sổ bản Sa Ná, xã Na Mèo (huyện Quan Sơn) để lại cảnh hoang tàn, đổ nát, chỉ còn những cây đổ, nhà trôi... Hậu quả làm 10 người chết và mất tích. Nhiều tuyến đường, công trình giao thông, thủy lợi,... trên địa bàn bị hư hỏng nghiêm trọng. Người dân bản vốn đã nghèo, lúc ấy càng trở nên cơ cực. Được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, huyện, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, Sa Ná đã sớm khắc phục hậu quả của cơn bão và hoàn thành việc xây dựng khu TĐC cho 51 hộ dân, với diện tích 5,2 ha, với tổng kinh phí thực hiện trên 50 tỷ đồng.
Hộ anh Lương Văn Hoan là gia đình thuộc diện ghèo, sau bao năm làm anh tích cóp năm 2018 mới thoát nghèo, nhưng cơn lũ đã cuốn đi tài sản nên lại tái nghèo. “Gia đình tôi nằm trong khu vực thuộc diện có nguy cơ sạt lở cao, rất nguy hiểm nên được nhà nước di dời lên đây. Gia đình tôi được hỗ trợ 40 triệu, từ đó kích cầu và vợ chồng tôi đầu tư thêm tiền để dựng ngôi nhà sàn khang trang, kiên cố này. Tôi rất phấn khởi vì được đón Tết yên bình trong ngôi nhà mới 3 năm nay và quan trọng hơn là nó được đặt ở vị trí an toàn. Chúng tôi hi vọng lên nơi ở mới an toàn, vững chãi, bà con sẽ thi đua làm ăn và thoát cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo.”, anh Hoan nói.
Ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng phòng Nông Nghiệp huyện Quan Sơn cho biết: Từ khi Khu TĐC được hình thành trên đỉnh Pom Ngồ cũng là lúc các loại cây ăn quả được mọc lên như mít, nhãn, bưởi da xanh.... Đặc biệt huyện và tỉnh đã thực hiện chương trình sinh kế với mô hình chăn nuôi gà cho bà con bằng cách, hỗ trợ 66 hộ gia đình gà giống đã được tiêm vacin dịch bệnh đầy đủ cùng thức ăn 3 tuần đầu cho chúng. Hiện tại, đời sống của nhân dân Sa Ná đã được ổn định, người dân chăm lo làm ăn, hướng tới xây dựng mỗi gia đình, mỗi công dân cũng đều là kiểu mẫu.” Gác lại những mất mát, đau thương trong cơn lũ lịch sử, bản Sa Ná giờ đây đã thực sự hồi sinh. Ngay trên mảnh “đất chết” này đã được phủ xanh một màu no ấm.
Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Thanh Hoá |
Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Thanh Hoá nhấn mạnh: Hiện nay, để thực hiện Đề án này thì khó khăn nhất không phải kinh phí mà là việc tìm nơi có nền đất ổn định, không sạt lở, điều này càng khó hơn đối với đặc trưng vùng miền núi. Đơn cử như năm 2021, Bộ Công an đã giúp Thanh Hoá chỉ trong hơn 2 tháng đã làm xong 600 căn nhà cho bà con nghèo huyện miền núi Mường Lát. Tuy nhiên, các ngôi nhà này chủ yếu là xen ghép, nơi người dân đã định canh, định cư, ổn định âu dài; nền đất được chứng minh là không bị sạt lở. Đáng ngại nhất là việc, hôm nay chúng ta tìm được khu đất rất đẹp, rất bằng phẳng nhưng biết đâu thời gian sau lại là rốn nước. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã có có Đề án sắp dân cư nơi dễ bị sạt lở, dân cư sinh sống mép nước. Hiện Thanh Hoá cũng đã tìm được nhiều khu tập trung xen ghép; đồng thời, các cấp cũng đang tích cực vận động người dân di dời xen ghép đến nơi an toàn để có cuộc sống ổn định.