Tìm lời giải bài toán vốn cho điện gió
Kinh tế 13/06/2019 10:46
Thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều cơ chế ưu đãi hấp dẫn để khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực điện gió, cũng như tạo nhiều cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam.
Tuy nhiên hiện nay, ngoài những khó khăn trong phát triển điện gió như hạ tầng lưới điện, một số yếu tố kĩ thuật, thời tiết... thì vấn đề tài chính luôn là mối quan tâm của các nhà đầu tư. Việc thu hút đầu tư cũng như kêu gọi nguồn vốn, bảo lãnh tài chính cho các dự án năng lượng tái tạo nói chung và dự án điện gió nói riêng còn gặp nhiều khó khăn.
Tận dụng tiềm năng từ các ngân hàng quốc tế
Để phát triển điện gió, các chuyên gia cho rằng cần có sự ổn định về chính sách thu hút đầu tư, nghiên cứu phát triển công nghệ, đặc biệt là sự vào cuộc của các định chế tài chính trong nước và quốc tế.
Theo bà Trần Hương, Quản lí thương mại Công ty Mainstream Renewable Power tại Việt Nam, khi xây dựng các dự án điện gió ở Việt Nam, ngoài những điều khoản của hợp đồng mua bán điện (PPA) và bao tiêu điện thì cơ sở hạ tầng cũng là vấn đề rất lớn.
Quy trình về bồi thường và giải phóng mặt bằng của các dự án điện gió trên bờ thường gặp nhiều khó khăn hơn so với các dự án điện gió ngoài khơi. Việc đấu nối điện vào các đường dây truyền tải gặp nhiều thách thức, bởi khi không có sẵn lưới điện nên các bên bao tiêu sẽ phải mất rất nhiều thời gian để xây dựng đường dây truyền tải.
Chia sẻ kinh nghiệm trong việc huy động vốn cũng như bảo lãnh tài chính cho các dự án điện gió, bà Hương cho biết, Công ty đã phải hợp tác rất chặt chẽ với các ngân hàng quốc tế cũng như Câu lạc bộ những nhà cho vay của châu Âu. Tuy nhiên, những bên cho vay quốc tế không thể nào tài trợ tài chính toàn bộ được cho các dự án, vì các hợp đồng mua điện hiện có không có khả năng huy động vốn tại các ngân hàng. Vì thế, công ty phải tìm ra các giải pháp như huy động các nhà tài trợ dự án có sự truy đòi ở mức hữu hạn.
Cụ thể là các bên cho vay vốn quốc tế thường yêu cầu các nhà đầu tư phải có bảo lãnh trong một số giai đoạn nhất định như giai đoạn khởi công, giai đoạn vận hành thử 1 năm. Như vậy, công ty mẹ của Mainstream Renewable Power phải thực hiện việc bảo lãnh theo yêu cầu của các nhà cho vay quốc tế. Các nhà cho vay này cũng có thể hợp tác với các ngân hàng trong nước để bảo lãnh cho những giai đoạn còn lại của dự án điện gió.
Nhà đầu tư cần làm rõ lợi ích của điện gió
Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng, đối với các dự án điện gió tại Việt Nam vẫn chưa có sự phối hợp tốt giữa Chính phủ với các cơ quan liên quan trong quá trình thu hút các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư tư nhân. Những người làm chính sách chưa thực sự gắn kết và sát sao đến những dự án điện gió, nên vẫn chưa có tiếng nói chung giữa các nhà hoạch định chính sách và những người thực hiện chính sách, khiến quá trình triển khai các dự án phát triển năng lượng tái tạo còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Bruce Weller, Trưởng bộ phận kinh doanh năng lượng và tài chính khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng BNP Paribas cho rằng, Chính phủ Việt Nam rất cần được thông qua các điều khoản hợp đồng đầu tư, để có thể thấy được những lợi ích khi quyết định phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo. “Chính phủ Việt Nam rất cần được biết và muốn thấy được những cam kết của các nhà phát triển dự án điện gió. Những cam kết này thường gắn với bảng cân đối tài sản của công ty để có thể xử lí những vấn đề cụ thể trong quá trình triển khai, hoặc nhà phát triển dự án điện gió phải thông qua những hợp đồng bảo lãnh tín dụng đầy đủ, những cơ chế bảo đảm bổ sung… luôn phải có trong hợp đồng đầu tư phát triển điện gió tại Việt Nam”, ông Bruce Weller khuyến cáo.