Tiếp tục tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Xã hội 23/04/2023 15:32
CSGT Trạm 10, Công an tỉnh Bình Định xử lí nghiêm những hành vi, vi phạm TTATGT |
Trật tự an toàn giao thông còn diễn biến phúc tạp
Chỉ thị nêu rõ, những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, sự cố gắng, nỗ lực của các bộ, ban, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, tình hình TTATGT còn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông (TNGT) và thiệt hại do TNGT gây ra vẫn ở mức cao.
Quý I/2023, toàn quốc xảy ra gần 3.000 vụ TNGT, 12 vụ đặc biệt nghiêm trọng; một số vụ gây hậu quả thảm khốc làm chết nhiều người trong cùng địa phương, gia đình; khoảng 70% nạn nhân ở độ tuổi lao động; gây tổn thương đến gia đình người bị nạn và toàn xã hội. TNGT liên quan phương tiện vận tải hành khách có chiều hướng gia tăng, chiếm 7,6% tổng số vụ.
Trật tự, kỉ cương, văn hóa tham gia giao thông chưa hình thành rõ nét, một bộ phận người dân ngang nhiên vi phạm pháp luật như lái xe sử dụng cồn, ma túy, phóng nhanh, vượt ẩu, chèn ép, gây rối trật tự công cộng; vượt đèn đỏ, đi không đúng làn đường, phần đường; thanh thiếu niên tụ tập điều khiển xe tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, đi ngược chiều, v.v.
Tình trạng cản trở, chống người thi hành công vụ, từ đầu năm 2023 đến nay xảy ra 28 vụ, làm bị thương 10 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông, trong đó một số cán bộ, chiến sĩ bị thương nặng, nguy hiểm đến tính mạng.
Do nhiều nguyên, nhưng chủ yếu do gia tăng quá nhanh phương, trong khi hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập chưa đáp ứng đủ nhu cầu, đặc biệt tại các thành phố lớn, các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm. Cấp ủy, chính quyền một số địa phương còn thiếu quyết liệt, chưa chủ động, sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm TTATGT, “khoán trắng” cho các lực lượng chuyên trách.
Công tác quản lí nhà nước về TTATGT của một số bộ, ngành, địa phương còn hạn chế, nhiều nơi làm “qua loa, chiếu lệ”, chưa phân định rõ trách nhiệm, chưa chủ động phát hiện và xử lí nghiêm khắc các tập thể, cá nhân vi phạm để răn đe, phòng ngừa sai phạm, tiêu cực trong quản lí nhà nước về giao thông.
Công tác tuyên truyền chưa đủ mạnh, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe nên một bộ phận người dân “nhờn luật” khi tham gia giao thông. Đầu tư nguồn lực, phương tiện, trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động quản lí, giám sát, điều hành giao thông chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ.
Công tác bảo đảm TTATGT phải quán triệt quan điểm: Đổi mới về tư duy, nhận thức và hành động, xác định bảo đảm TTATGT là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là thành tố quan trọng trong bảo đảm an ninh con người; chính trị, trật tự, an toàn xã hội của đất nước.
Lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, động lực, nguồn lực; đặt an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân là trên hết, trước hết; bảo đảm các quyền lợi cho người dân là ưu tiên hàng đầu trong mọi hoạt động của lực lượng chức năng. Và đòi hỏi ý thức rất cao của người dân trong chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.
Mục tiêu đối với công tác bảo đảm TTATGT là: Thiết lập trật tự, kỉ cương trong chấp hành pháp luật về giao thông của cả người tham gia giao thông và lực lượng thực thi pháp luật về giao thông; xây dựng ý thức tự giác, ứng xử văn minh, chuẩn mực của người dân khi tham gia giao thông, từng bước hình thành rõ nét văn hóa giao thông trong Nhân dân; giảm thiểu TNGT, trọng tâm là bảo đảm an ninh, an toàn sức khỏe, tính mạng, tài sản của Nhân dân; khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông.
Xử lí nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp như: Tiếp tục tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác bảo đảm TTATGT. Các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lí nhà nước về bảo đảm TTATGT.
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn phụ trách. Và xem xết, xử lí trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để tình hình TTATGT xảy ra phức tạp trên địa bàn do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lí.
Tất cả các vụ TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra phải được xem xét, cá thể hóa, xử lí trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan. Đồng thời, Siết chặt kỉ luật, kỉ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lí nhà nước về bảo đảm TTATGT.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lí nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, sai phạm, tiêu cực của các cơ quan quản lí nhà nước về giao thông, lực lượng thực thi pháp luật về giao thông, chính quyền địa phương và các lực lượng khác có liên quan đến đầu tư xây dựng, quản lí hành lang an toàn giao thông (ATGT).
Trong quá trình xử lí các vi phạm pháp luật về giao thông, tuyệt đối thượng tôn pháp luật; tất cả các hành vi vi phạm phải được xử lí nghiêm theo quy định.
Đặc biệt, nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lí vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng; nghiêm cấm lực lượng chức năng "xuê xoa", bỏ qua trong xử lí vi phạm dưới mọi hình thức. Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lí nghiêm theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị.
Cương quyết khởi tố, điều tra, xử lí nghiêm các vụ TNGT có dấu hiệu tội phạm và đối tượng chống người thi hành công vụ theo đúng quy định của pháp luật.
Các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung phát hiện, xử lí nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ TNGT nghiêm trọng, như điều khiển phương tiện quá tốc độ cho phép, vi phạm nồng độ cồn, ma túy, “cơi nới” thành, thùng xe, chở hàng quá khổ, quá tải v.v.
Tiếp tục thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lí đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn nhằm tạo chuyển biến tích cực, tiến tới hình thành thói quen, văn hóa “đã uống rượu bia không lái xe”, trước hết trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đến Nhân dân.
Các địa phương phải có kế hoạch cụ thể để kiểm soát nồng độ cồn đối với tuyến, địa bàn quản lí; tập trung các thành phố, thị xã, thị trấn, khu công nghiệp đông công nhân, khu du lịch v.v. Và tuyệt đối không vì lợi ích kinh tế mà xem nhẹ việc phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe Nhân dân, cộng đồng, ATGT, trật tự an toàn xã hội.
Căn cứ tình hình thực tiễn, hằng năm tổ chức tổng kiểm soát các loại phương tiện trên toàn quốc, xử lí nghiêm các hành vi vi phạm và kiên quyết yêu cầu dừng hoạt động đối với các xe hết niên hạn sử dụng, hết hạn đăng kiểm, v.v.