Tích cực phát huy vai trò Tình nguyện viên chăm sóc sức khỏe
Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau 15/12/2022 09:58
Thực hiện Đề án nhân rộng mô hình CLB LTHTGN theo Quyết định số 1533/QĐ-TTg ngày 2/8/2016 và Đề án nhân rộng mô hình CLB “LTHTGN” giai đoạn đến năm 2025 theo Quyết định 1336/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ, mô hình đã được duy trì và nhân rộng tại nhiều địa bàn của TP Đà Nẵng. Mục tiêu của CLB nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho NCT thuộc nhóm dễ bị tổn thương thông qua việc tự giúp nhau dựa vào cộng đồng và cách tiếp cận liên thế hệ. Đây là kiểu mô hình CLB đa chức năng, có sự tổng hợp hoạt động của tất cả các loại hình CLB của NCT mang tính đặc thù có sẵn trước khi mô hình CLB này được thành lập.
Thực tế, mô hình CLB LTHTGN đã trở thành địa chỉ tin cậy cho hàng nghìn NCT trên địa bàn tỉnh. Nét nổi bật của mô hình là có sự kết hợp liên thế hệ phù hợp với mong muốn của NCT, góp phần gắn kết NCT với các thế hệ trẻ trong một cộng đồng dân cư, giúp họ phát huy tối đa vai trò trong sự phát triển chung của xã hội.
Tình nguyện viên chăm sóc người bệnh tại nhà |
Ra đời từ yêu cầu thực tiễn tại cơ sở, thời gian qua, mô hình CLB LTHTGN đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực trong phát huy vai trò NCT, xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương... Bên cạnh đó, hoạt động chăm sóc sức khỏe của CLB LTHTGN thôn Dương Sơn đem lại hiệu quả rất thiết thực như thường xuyên tổ chức luyện tập thể dục dưỡng sinh, văn nghệ, cho vay vốn, tư vấn trong việc làm kinh tế cải thiện đời sống đến phối hợp Trạm Y tế xã khám sức khỏe cho thành viên, CLB còn có Tổ TNV.
Tổ hoạt động hướng về hội viên và NCT trong cộng đồng. Tổ TNV có 10 thành viên, chia nhóm ở xóm trên 5 thành viên, nhóm xóm dưới 5 thành viên, chăm sóc cho 55 trường hợp, hầu hết ở gần nhà. Trong đó có cả thành viên trong Ban chủ nhiệm CLB. Ngoài các vật dụng, thiết bị dùng theo dõi sức khỏe trang bị cho CLB còn có các trang thiết bị dành cho TNV chăm sóc tại nhà như bóp tay, lăn đồng đôi, vỏ tạ, bộ dụng cụ phục hồi cơ vai, gậy chống, dây kháng lực, bàn lăn… Những dụng cụ này giúp cho TNV có thêm điều kiện thuận lợi trong việc thực hành hoặc giúp phục hồi chức năng cho bệnh nhân tại nhà.
Chị Nguyễn Thị Loan (sinh năm 1969), bán bún bò bình dân mỗi sáng tại thôn. Chiều, chị thu xếp công việc, tập trung cho hoạt động TNV. Cứ mỗi tuần chị dành 2 buổi chiều đến nhà bà Miễn bị tai biến, đi lại khó khăn để động viên và chăm sóc. Cùng với chị Loan còn có anh Cao Viết Dũng (sinh năm 1977), TNV cũng tham gia trợ giúp ông Nhân, bà Anh (sinh năm 1954), cụ Cương (gần 100 tuổi), sống neo đơn, bị tâm thần nhẹ. Anh Dũng cứ 3 lần/tuần đến nhà chở bà Miễn đến Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng để được châm cứu. “Mình thấy giúp được ai thì ra sức giúp. Thấy họ vui khi nhấc từng bước đi là mình cảm thấy rất hạnh phúc, sung sướng”, chị Loan chia sẻ. Ở nhóm TNV xóm trên có chị Nguyễn Thị Hiếu (sinh năm 1974). Chị Hiếu có tổ chức nhóm trẻ gia đình tại nhà. Trong tuần chị đều sắp xếp cho người nhà trông coi trẻ để nhận chăm sóc sức khỏe giúp ông Nguyễn Bá Nhân cũng bị tai biến, khi người nhà có việc bận, đi xa; giúp ông Lý Phước Cường (trên bảy mươi tuổi), tập đi lại 2 lần/tuần.
Để gần gũi, trở thành người thân của người bệnh và được gia đình đồng ý, trước đó các thành viên Tổ TNV đã tiếp cận tìm hiểu tình hình sức khỏe của đối tượng cần được chăm sóc, giúp đỡ. Có người khó tính, khó chịu nhưng với tấm lòng nhân ái, chia sẻ khó khăn với NCT mắc bệnh hiểm nghèo, cô đơn, các anh chị đã dần dần xóa đi khoảng cách bằng những việc làm thiết thực, tận tụy của mình. “Cứ xem họ như người thân của mình thì mọi khó khăn đều trở thành dễ dàng hết. Bằng cách ứng xử và tận tâm của mình, người bệnh như được tiếp thêm động lực, sớm hồi phục phần nào sức khỏe. Mình rất mừng khi cụ Cường đã tự chống gậy đi lại dù còn chập chững”, chị Hiếu kể.
Bà Nguyễn Thị Chuẩn, Chủ nhiệm CLB cho biết: “10 anh chị TNV, rất có trách nhiệm, tích cực trong công việc được phân công. Khi có thời gian rảnh rỗi thì đến với người bệnh nhiều hơn. Hằng tháng, Ban chủ nhiệm CLB tổ chức họp với TNV rà soát nhu cầu của những người cần được giúp đỡ trong CLB và ngoài cộng đồng để có thể bảo đảm các nhu cầu của họ được đáp ứng dù chỉ phần nào cũng tốt”.
Hoạt động của CLB ngày càng hiệu quả, nền nếp gắn kết chặt chẽ giữa các thành viên và cộng đồng dân cư, góp phần nâng cao mọi mặt đời sống cho các thành viên, nhất là NCT khó khăn, ốm đau, bệnh tật… xứng đáng với niềm tin, kì vọng của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương vào lớp người "Cây cao bóng cả”.