Thu nhập ngoài lãi của ngân hàng sẽ tăng 25-30%
Đầu tư - Tài chính 29/04/2020 07:46
Gần cuối tháng 4,còn khoảng 10 ngân hàng chưa công bố kết quả kinh doanh quý I/2020. Tuy nhiên, bức tranh lợi nhuận sẽ có vài điểm sau: Lợi nhuận quý I của nhiều ngân hàng có giảm so với cùng kỳ nhưng khi dịch bệnh được kiểm soát sớm thì cả năm vẫn tăng trưởng so với năm 2019. Dịch bệnh có tác động tiêu cực lên mảng kinh doanh chính nhưng nhiều ngân hàng vẫn đẩy mạnh phát triển mãng khác như trái phiếu, đầu tư chứng khoán, bảo hiểm,…Do đó, khi có nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự nhưng một số ngân hàng vẫn có nhu cầu tuyển dụng.
Trong báo cáo quý I, hoạt động mua bán đầu tư chứng khoán của các ngân hàng ghi nhận tăng trưởng đột biến hàng chục lần, trăm lần.
Đứng đầu về tăng trưởng lãi mua bán chứng khoán đầu tư là VIB với 51 tỷ đồng, gấp 36 lần cùng kỳ 2019. Giá trị chứng khoán đầu tư của VIB ở mức 44.087 tỷ đồng vào cuối quý I, tăng 58% so với đầu năm.
VietABank ghi nhận tăng trưởng lãi từ đầu tư chứng khoán 34 lần, đạt 16,7 tỷ đồng. Ngân hàng có 13.170 tỷ đồng chứng khoán đầu tư.
Lãi đầu tư chứng khoán của ACB tăng 19 lần đạt 348,8 tỷ đồng trong quý I/2020. VietBank tăng 13 lần đạt gần 159 tỷ đồng lãi từ chứng khoán đầu tư. Hay như, SeaBank ghi nhận tăng trưởng 251%, đạt 34,7 tỷ đồng lãi đầu tư chứng khoán; VPBank đạt 520,7 tỷ đồng, cao hơn 208% so với quý I/2019.
Trong quý I/2020, trái phiếu và tín phiếu đều là 2 sản phẩm biến động nhiều nhất. Tính từ tháng 2, Ngân hàng Nhà nước liên tục phát hành tín phiếu trong 6 tuần liên tiếp, đưa giá trị lượng chứng khoán nợ này lưu hành trên thị trường ở mức 147.000 tỷ đồng.
Ngân hàng thương mại là các đối tượng mua và đầu tư sản phẩm này. Trong quý I, VIB mua vào gần 14.000 tỷ đồng tín phiếu. VPBank cũng mua hơn 9.038 tỷ đồng tín phiếu của NHNN.
Ngoài ra, các ngân hàng cũng tăng đầu tư tại chứng khoán nợ do các TCTD và tổ chức kinh tế phát hành. Cụ thể, giá trị chứng khoán đầu tư của VPBank tăng 28% so với đầu năm, lên 88.120 tỷ đồng. TPBank cũng nâng giá trị chứng khoán nợ đầu tư do các tổ chức kinh tế và TCTD lần lượt ở mức 17.123 tỷ đồng và 9.425 tỷ đồng.
Bên cạnh khoản lãi định kỳ hàng năm các trái chủ nhận được, khi nhà phát hành mua lại trái phiếu trước hạn, trái chủ có thể nhận được khoản lãi tất toán. Nhiều ngân hàng đã mua lại trái phiếu trước hạn. Trong khi đó, VietBank tăng giá trị chứng khoán Chính phủ, chính quyền địa phương lên hơn 5.457 tỷ đồng. TPBank cũng mua gần 5.400 tỷ đồng chứng khoán Chính phủ trong quý I, tương đương tăng 96% lên hơn 11.006 tỷ đồng.
Một điểm tích cực nữa trong quý I/2020, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các ngân hàng vẫn có nhu cầu tuyển dụng. 12/14 ngân hàng bao gồm Vietcombank, Kienlongbank, ACB, VietBank, NCB, VPbank, TPBank, BacABank, LienVietPostBank, NamABank, PGBank , VIB đều bổ sung lực lượng lao động trong 3 tháng đầu năm.
Vẫn còn hơn 10 ngân hàng nữa chưa công bố BCTC để hoàn thiện bức tranh nhân sự ngân hàng quý 1/2020. Tuy nhiên, theo số liệu của 13 ngân hàng trên cho thấy chưa có dấu hiệu biến động nhân sự đáng kể dù hoạt động kinh doanh đã bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Trong tháng 3, tháng 4, hầu hết các ngân hàng cho phép nhân viên làm việc online, làm việc luân phiên chứ chưa đề cập đến chính sách giảm nhân sự.
Các ngân hàng đã bắt đầu xuất hiên tình trạng dư thừa nhân lực vì tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, đã có Ngân hàng phải tái cơ cấu để cắt giảm nhân sự. Nhu cầu tuyển dụng ngành Ngân hàng sẽ phụ thuộc nhiều vào kế hoạch kinh doanh sắp tới và Đại hội cổ đông thường niên trong Quý II. Dưới tác động của COVID-19, các dự án kinh doanh của Ngân hàng bị trì hoãn, sự thay đổi trong khách hàng mục tiêu cũng khiến các ngân hàng phải tái định hướng lại chiến lược kinh doanh trong thời gian tới. Xu hướng phát triển "Ngân hàng số" bắt đầu từ năm 2019 và được dự đoán có nhu cầu tuyển dụng tăng trong 2020, tuy nhiên hiện tại các Ngân hàng cũng đang tập trung nguồn lực tài chính để giải quyết khó khăn do dịch bệnh COVID-19, nên nhu cầu này không được ghi nhận tăng thêm trong Quý I.
Ảnh minh họa |
Thu nhập ngoài lãi sẽ tăng 25-30%
Trong báo cáo chiến lược quý II, CTCK BIDV (BSC) nhận định thu nhập ngoài lãi vẫn là cơ hội tiềm năng của các ngân hàng. Kỳ vọng, thu nhập ngoài lãi của toàn ngành tiếp tục tăng 25 - 30% trong năm nay nhờ việc tiếp tục tăng phí dịch vụ, tăng trưởng khách hàng cá nhân và khai phá các mảnh đất mới nhiều tiềm năng (bancassurance, trái phiếu...).
Những thương vụ nổi bật trong năm 2020 có thể kể đến như FWD ký độc quyền bancassurance với Vietcombank, TPBank cũng ghi nhận phí trả trước từ hợp đồng độc quyền bancassurance với Sun Life Việt Nam.
BSC đề cập các ngân hàng giảm lãi suất, hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Việc hỗ trợ lãi suất này sẽ ảnh hưởng một phần đến thu nhập lãi của các ngân hàng. Do đó, điều chỉnh giảm nhẹ NIM toàn hệ thống xuống mức 3,56% ( giảm 8 điểm cơ bản so với báo cáo gần nhất).
Bên cạnh đó, nợ xấu có thể tăng trong bối cảnh dịch bệnh. Dịch bệnh làm ảnh hưởng chung đến lợi nhuận các ngành sản xuất và dịch vụ, hiện chiếm khoảng 82% cơ cấu cho vay, từ đó ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của các doanh nghiệp.
Ngoài ra, với giả định thận trọng, BSC điều chỉnh dự báo tăng tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống lên mức 1,7%, so với mức giả định 1,4% ban đầu. Bên cạnh đó, chi phí trích lập dự phòng cũng điều chỉnh tăng do nhận định việc chất lượng tài sản suy giảm.