Thơm nén tri ân
Xã hội 21/07/2022 18:04
Chủ tịch Nguyễn Thanh Bình và Đoàn công tác Trung ương Hội NCT Việt Nam dâng hương tại phần mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở khu Vũng Chùa - Đảo Yến, tỉnh Quảng Bình |
Thơm nén tri ân
Hằng năm, Trung ương Hội đều tổ chức các đoàn công tác do Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội làm Trưởng đoàn, tỏa đi các hướng, từ trung ương về với các địa phương dâng hương dâng hoa tại các khu tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ tưởng nhớ và tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước; thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ các bà mẹ Việt Nam anh hùng, những gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng. Tại các địa phương, Hội NCT tham gia các đoàn công tác của cấp ủy, chính quyền, Hội Cựu chiến binh, Hội Cựu Thanh niên xung phong (TNXP) dâng hương tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ, tặng quà NCT có công trên địa bàn.
Trong chuyến công tác trọn vẹn một tuần tại các tỉnh miền Trung mới đây, Chủ tịch Hội NCT Việt Nam Nguyễn Thanh Bình cùng Phó Chủ tịch Trương Xuân Cừ và các thành viên đoàn công tác đã đến dâng hương dâng tại khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa - Đảo Yến thuộc huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình); thắp hương dâng hoa lễ tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Quốc gia đường 9 (tỉnh Quảng Trị); Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ TNXP toàn quốc, khu mộ 10 cô gái TNXP Ngã ba Đồng Lộc (tỉnh Hà Tĩnh) và Khu Di tích Lịch sử Quốc gia Truông Bồn (tỉnh Nghệ An). Tiếp đó, các Phó Chủ tịch Trương Xuân Cừ, Phan Văn Hùng cũng về thăm, tặng quà các thương binh đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh nặng, Trung tâm Nuôi dưỡng người có công các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Phú Thọ…
Chủ tịch Nguyễn Thanh Bình thắp hương tại phần mộ liệt sĩ ở Nghĩa trang Trường Sơn |
Mỗi bông hoa, mỗi nén hương trong hành trình tri ân của Hội NCT Việt Nam đều tỏa ngát hương thơm, toát lên lòng thành kính thiêng liêng, lời tri ân sâu sắc đối với các anh hùng liệt sĩ, thương binh, người có công đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân và xương máu cho nền độc lập, tự do của dân tộc; làm trọn trách nhiệm vinh quang mà Tổ quốc giao phó, đem lại hạnh phúc muôn đời cho đất mẹ Việt Nam. Máu đào của các anh, các chị đổ xuống đã nhuộm đỏ thêm màu cờ Tổ quốc, làm xanh thêm những mảnh đất quê hương, để hôm nay đất nước thanh bình, phồn thịnh, em thơ được đến trường, cha mẹ già được chăm lo phụng dưỡng, đời sống người dân ngày càng ấm no, bộ mặt quê hương ngày thêm đổi mới.
Kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các anh hùng liệt sĩ, Chủ tịch Nguyễn Thanh Bình và các thành viên đoàn công tác cầu mong linh hồn các liệt sĩ siêu sinh tịnh độ, phù hộ cho quốc thái dân an, đất nước phồn vinh, thịnh vượng. Và hứa nguyện tiếp bước ông cha, phát huy vai trò mẫu mực, nêu gương cho con cháu và thế hệ trẻ, tiếp tục cống hiến công sức, trí tuệ, kinh nghiệm cho sự nghiệp chăm sóc và phát huy vai trò NCT của Đảng, Nhà nước; chung tay xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Chủ tịch Nguyễn Thanh Bình tặng quà tri ân NCT có công của tỉnh Nghệ An |
Miền Trung - một khúc ruột mềm
Miền Trung - khúc ruột mềm đất nước từng hứng chịu bao mưa bom bão đạn của quân thù và những cơn thịnh nộ khắc nghiệt của thiên tai, lũ lụt và hạn hán. Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, không biết bao lần đạn bom cày xới. Hàng nghìn hàng vạn hố bom cứ xuất hiện lại san bằng đi bởi những tay cày tay cuốc của các TNXP mở đường cho từng đoàn, từng đoàn xe chở lương thực, vũ khí vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Mỗi tấc đất nơi đây đều trộn máu, mồ hôi và nước mắt của các chị, các anh khi tuổi đời còn rất trẻ.
Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, cạnh đường Quốc lộ 15, thuộc xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, là nơi quy tụ trên 10.300 phần mộ của các liệt sĩ đã hi sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kì chống Mỹ cứu nước. Nghĩa trang chia thành 10 khu vực theo địa phương và một khu dành cho 68 liệt sĩ khuyết danh.
Theo Ban Quản lí di tích, đây là công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ nhất, quy mô nhất có tính nghệ thuật cao, thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc, niềm biết ơn và sự tôn vinh thầm kín của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước. Đồng thời suy tôn, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của nhân dân ta. Hiện Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn có 24 cán bộ, nhân viên thường xuyên chăm lo, tu bổ và tiếp đón các gia đình liệt sĩ, các đoàn khách trong và ngoài nước đến thăm viếng.
Đoàn công tác Trung ương Hội dâng hương các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Đường 9 |
Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, tiền thân là nghĩa trang liệt sĩ thị xã Đông Hà, xây dựng trong 2 năm 1983 -1984, nằm trên một vùng đồi quay mặt ra hướng Quốc lộ 9; là nơi yên nghỉ của hơn 9.500 anh hùng liệt sĩ thuộc bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và TNXP đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận Đường 9 và trên đất Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong đó có 3.227 mộ liệt sĩ được xác định đầy đủ tên tuổi quê quán, được mai táng theo từng tỉnh thành, có 785 mộ xác định chưa đầy đủ, còn lại chưa rõ tên tuổi.
Phó Chủ tịch Trương Xuân Cừ thắp hương phần mộ liệt sĩ ở Nghĩa trang Đường 9 |
Khu Di tích Lịch sử Ngã ba Đồng Lộc nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh xuyên qua dãy Trường Sơn, là giao điểm của Quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 của tỉnh Hà Tĩnh, thuộc địa phận thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc. Đây là một trong những điểm giao thông quan trọng trong chiến tranh, nên giặc Mỹ đã tập trung nhiều máy bay và thả bom nhằm cắt đứt đường hành quân của quân ta. Tại đây, Tiểu đội 4, Đại đội TNXP 552 gồm 10 cô gái đều quê Hà Tĩnh, tuổi đời mới chỉ 17 đến 24.
Lời hướng dẫn viên nghẹn lại giữa chừng khi giới thiệu cho chúng tôi ở khu vực hố bom đang còn sâu hoắm: Trưa ngày 24/7/1968, như mọi ngày 10 cô ra làm nhiệm vụ. Vào khoảng 16 giờ 30 phút, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống. Một trong số những quả bom đã rơi xuống ngay sát miệng hầm, nơi các cô tránh bom. Tất cả đã qua đời khi tuổi đời còn rất trẻ, phần lớn trong số họ chưa lấy chồng. Và anh xúc động đọc cho chúng tôi nghe bài thơ “Cúc ơi” của nhà thơ Nguyễn Thanh Bính: “Tiểu đội đã xếp một hàng ngang/ Cúc ơi em ở đâu không về tập hợp?/ Chín bạn đã quây quần đủ hết/ Nhỏ - Xuân - Hà - Hường - Hợi - Rạng - Xuân – Xanh/ A trưởng Võ Thị Tần điểm danh/ Chỉ thiếu mình em/ Chín bỏ làm mười răng được!/ Bọn anh đã bới tìm vẹt cuốc/ Đất sâu bao nhiêu bọn anh không cần/ Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng/ Cúc ơi! em ở đâu?/ Đất nâu lạnh lắm/ Da em xanh. Áo em thì mỏng!/ Cúc ơi! Em ở đâu?”.
Cơn mưa chiều bỗng dưng ào đến, chúng tôi trở ra xe, mắt ai nấy long lanh nước.
Chủ tịch Nguyễn Thanh Bình và Đoàn công tác Trung ương Hội NCT Việt Nam dâng hương tại Đài tưởng niệm liệt sĩ TNXP toàn quốc ở Đồng Lộc |
Truông Bồn là đoạn đèo dốc dài khoảng 5km, nằm trên tuyến đường chiến lược 15A đi qua địa phận xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Truông Bồn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Do vậy, đế quốc Mỹ điên cuồng ném bom bắn phá, hủy diệt tuyến đường này. Từ năm 1964 đến 1968, chúng đã trút xuống mảnh đất này gần 2 vạn quả bom các loại, hàng chục ngàn quả tên lửa; tàn phá hàng trăm thôn, làng dọc tuyến đường, sát hại nhiều người dân địa phương; phá hủy nhiều xe ô tô và khẩu pháo của bộ đội ta.
Với tinh thần “Đường chưa thông không tiếc máu xương”, các cán bộ, chiến sĩ, TNXP đã ngày đêm bám trụ, rà phá hàng ngàn quả bom nổ chậm; đào đắp hàng triệu mét vuông đất đá; đưa hàng ngàn lượt xe cơ giới vượt qua an toàn; vận chuyển và giải tỏa hàng triệu tấn hàng; cung cấp hàng triệu cây phi lao, cọc tre, các loại gỗ chống lầy, làm cầu cho xe qua; huy động hàng ngàn xe chở hàng vượt qua Truông Bồn. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, TNXP, công nhân ngành giao thông, dân quân tự vệ đã bị thương và không ít người đã anh dũng hi sinh. Tiêu biểu là chiến công và sự hi sinh oanh liệt vào ngày 31/10/1968 của 13 chiến sĩ TNXP “Tiểu đội cảm tử” anh hùng thuộc Đại đội TNXP 317, Đội 65, Tổng đội TNXP chống Mỹ, cứu nước tỉnh Nghệ An. Họ cũng hi sinh khi tuổi đời chỉ trên dưới 20.
Chủ tịch Nguyễn Thanh Bình thắp hương tri ân liệt sĩ tại Truông Bồn, tỉnh Nghệ An |
Hiện trong Khu Di tích Lịch sử Truông Bồn còn 3 hố bom gần khu mộ, tháp chuông; bức phù điêu lớn với nhiều họa tiết được chạm khắc tinh xảo, tái hiện hình ảnh cuộc sống, quá trình lao động, chiến đấu của các cán bộ, chiến sĩ và TNXP trên tuyến đường; đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ với ba cây hương được làm từ đá xanh nguyên khối cao 27m, đường kính hơn 1m. Xung quanh đài tưởng niệm là hai nhóm tượng, 6 trụ huyền thoại biểu tượng cho tinh thần chiến đấu, hi sinh anh dũng của lực lượng TNXP. Cùng với các di tích lịch sử suốt tuyến miền Trung và cả nước, Truông Bồn đã trở thành vùng đất thiêng liêng, biểu tượng sáng ngời của lực lượng TNXP, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, là niềm tự hào của các thế hệ người dân Việt Nam.
Ông Phan Trọng Lộc, Giám đốc Ban Quản lí Di tích cho biết: Vào dịp 27/7, ngày 31/10 và 22/12 hằng năm, chúng tôi đón rất nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, mỗi năm có khoảng 200 nghìn du khách. Câu chuyện về sự hi sinh của các chiến sĩ TNXP tại đây đã để lại ấn tượng sâu sắc cho nhiều người khi đặt chân đến khu di tích này.
Chụp ảnh lưu niệm tại cây đa do đồng chí Nguyễn Thanh Bình trồng tại Khu Di lích Lịch sử Truông Bồn, tỉnh Nghệ An |
Có những nỗi đau không thể nói thành lời, có những hi sinh không sử sách nào ghi hết, các anh hùng liệt sĩ trên dải đất hình chữ S này đã sống và chiến đấu vì lí tưởng chung của cả dân tộc; họ đã lấy máu xương, tuổi thanh xuân của mình để hiến dâng cho Tổ quốc. Và tính đến hôm nay, họ cũng đều thuộc lớp người “Cây cao bóng cả”, lớp người mẫu mực, nêu gương, không màng danh lợi vì mục đích cá nhân, chỉ có quên mình cho tất cả lí tưởng cao đẹp và độc lập dân tộc. Đó là kết tinh cao đẹp của tinh thần yêu nước, ý chí quyết thắng chống giặc ngoại xâm để viết nên một huyền thoại Việt Nam đáng ngẩng cao đầu trong thế kỉ XX.