Thị trường xăng dầu: Không thể điều hành bằng biện pháp hành chính
Kinh tế 20/12/2022 09:41
Những mệnh lệnh hành chính đã từng
Thực ra không chỉ vừa qua mà từ lâu chúng ta đã dùng mệnh lệnh hành chính điều hành thị trường xăng dầu. Đến hẹn theo chu kì, hai Bộ Tài chính và Công Thương lại gặp nhau định giá bán lẻ xăng dầu,chỉ đạo nhập khẩu xăng dầu cân đối với dự báo nhu cầu của nền kinh tế. Và, khi rục rịch tăng giá, nhiều cây xăng ngừng bán thì lạiđồng loạt ra quân kiểm tra, xử phạt...
Đến đợt cao điểm vừa qua, dù giá lên hay xuống đều có cảnh cây xăng đóng cửa hoặc bán nhỏ giọt ở nhiều nơi với thời gian không ngắn. Nhưng gọi là “cao điểm” vì hiện tượng này không chỉ có ở các cây xăng mà cả các đầu mối nhập khẩu xăng dầu, các nhà máy lọc hóa dầu cũng nảy sinh. Choáng hơn là khi truy vấn đến dự trữ xăng dầu Nhà nước mới vỡ lẽ lâu nay nhờ doanh nghiệp... giữ hộ, vì thế khi cần xả dự trữ phải nhờ doanh nghiệp “mở vòi”.
Trong tình thế này, mệnh lệnh ban ra phải nhiều, gấp gáp, quyết liệt hơn, nhưng không thể vãn hồi. Bộ Công Thương phải hạ cố “đề nghị” Tổng cục Hải quan cho 5 thương nhân đầu mối được tiếp tục nhập xăng dầu, bảo đảm không để thiếu hụt nguồn cung. Số là 5 doanh nghiệp này hồi tháng 8/2022 bị Thanh tra Bộ Công Thương xử phạt hành chính và tước giấy phép tạm thời một tháng. Mặc dù từ 6/9/2022, họ được Bộ Công Thương tạm dừng phạt tước giấy phép, nhưng vẫn chưa được Hải quan cho phép tái nhập khẩu xăng dầu.
Đoàn công tác của Tổng cục Quản lí thị trường giám sát, nắm bắt tình hình kinh doanh tại một số cây xăng tại tỉnh Nam Định. |
Vì điều hành bằng mệnh lệnh hành chính, nên khi thấy mệnh lệnh kém hiệu lực thì phải sửa đổi bổ sung. Tuy vậy, hành trình từ bản mộc đến văn bản chính không thể xong trong một sớm, một chiều, bởi yêu cầu dự thảo cần khẩn trương nhưng phải thận trọng, chu tất; vừa rút gọn thủ tục, khoa học, hợp lí, hiệu quả, khả thi, vừa đáp ứng đòi hỏi thực tiễn và công tác quản lí, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp...
Cũng trong lúc này, hai Bộ chụm đầu rút ngắn chu kì điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. Nhưng có lẽ chưa đủ “đô”, TP Hồ Chí Minh đề nghị rút ngắn nữa chu kì nói trên. Có lẽ thấy chuyện định giá rắc rối, dễ sinh chuyện, Bộ Tài chính nảy sáng kiến đề nghị giao việc này cho Bộ Công Thương, để “quy quản lí xăng dầu vào một mối”. Trước “hai đầu” hợp tình, nay “một mối” cũng... hợp lí.
Và cũng trong lúc này, nghi ngại các doanh nghiệp đầu mối tung hỏa mù về chi phí, ép chiết khấu lên cây xăng, nên cấp tốc yêu cầu họ báo cáo về từng loại chi phí. Các khoản chi phí là một trong những yếu tố để Nhà quản lí định giá bán lẻ mà nay phải ra lệnh.
Nhưng lạ hơn, thời buổi này mà vẫn yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối chia sẻ lợi nhuận cho đại lí, cho cửa hàng bán lẻ, trong đó bảo đảm mức chiết khấu tối thiểu, khác nào “Quay lại chiếc xa xưa/ Dệt tấm lòng nhân đựng gió mưa” (**)
Lại cũng nghe có lệnh cho các nhà máy lọc hóa dầu tăng cường sản xuất theo đúng cam kết. Điều đó có nghĩa là vừa qua các nhà máy này sản xuất không đúng cam kết, nhưng vì sao thì chưa ai giải thích! Lại cũng có chuyện yêu cầu các đầu mối nhập khẩu cam kết cung ứng đủ cho các cây xăng! Thời bao cấp, cứ đầu mối xăng dầu là doanh nghiệp Nhà nước là được. Nay cổ phần hóa, doanh nghiệp phải tính, kể cả phải vi phạm cam kết, bị rầy rà, cấm cửa, bởi họ biết khi cần đến thì Nhà nước lại phải “ân xá” như với 5 doanh nghiệp nói trên. Ngoài ra, các cuộc họp, các đợt ra quân, công điện tới tấp... cũng là những dạng mệnh lệnh.
Rõ ràng thị trường xăng dầu không thể điều hành bằng mệnh lệnh hành chính, nhưng nếu muốn cầm cương “con ngựa xăng dầu”, thì sẽ dùng cương roi nào? Câu trả lời mang sắc thái thị trường là: Tháo yên cương, thả nó về thị trường.
Nhiều cửa hàng xăng dầu phải đóng cửa vì vấn đề chiết khấu không đảm bảo. |
Hãy vô tư trả xăng dầu về thị trường
Qua dịp này, Nhà nước nên đoạn tuyệt với mệnh lệnh hành chính, vô tư trả xăng dầu về thị trường. Ta không lo thiếu tiền nhập khẩu, bởi xăng dầu Nhà nước dùng là tiền thuế của dân, còn dân sử dụng xăng dầu bằng tiền của mình.
Ta cũng không lo nguồn cung vì tự nhận đã tự túc được phần lớn, số phải nhập khẩu chẳng bõ bèn so với kho xăng dầu khổng lồ thế giới. Hơn nữa các thị trường ta đang nhập khẩu đều là những đối tác liên quan đến các Hiệp định thương mại, có đi có lại.
Trong thực tế, ta đã có bài học trả giá về thị trường với lúa gạo. Về tính thiết yếu thì gạo không thể xếp sau xăng dầu, nhưng nhờ trả gạo về thị trường mà ta lật ngược tình thế ngoạn mục. Từ chỗ hằng năm nước ta phải bỏ ra hàng đống tiền cùng bộ máy quản lí lúa gạo cồng kềnh để rước về bo bo, nay nằm trong TOP 3 thế giới về xuất khẩu lúa gạo.
Chúng ta càng không thể chì chiết thị trường là “con ngựa bất kham”. Thực ra nó được vận hành theo quy luật, không ai chi phối. Chỉ có người không hiểu hoặc cố tình không hiểu mới kì thị rồi bị chính nó khuất phục.
Trả xăng dầu về thị trường, mọi tổ chức và cá nhân, tự mình hay liên doanh nếu có đủ điều kiện và tuân thủ pháp luật đều có thể lập doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Họ có thể mở nhà máy lọc hóa dầu, nhập khẩu, xây bồn chứa, phân phối, chuyên chở hay bán lẻ... Các nguồn cung, phương thức phân phối hay chi phí, giá cả đều phải cạnh tranh sòng phẳng, bình đẳng. Nhà nước điều hành thị trường xăng dầu bằng thuế và nắm chắc chìa khóa kho xăng dầu dự trữ quốc gia. Và đương nhiên, các quan chức lâu nay bạc đầu vì xăng dầu sẽ trút được gánh nặng.
(*) Mục thời sự VNEPESS, thứ hai, 28/11/2022.
(**) Nhớ lời di chúc theo chân Bác - Tố Hữu.