Thanh Phong – Một thời và mãi mãi
Xã hội 19/10/2023 16:00
Phát huy truyền thống Đất cách mạng - Đất anh hùng, hôm nay nhân dân Thanh Phong đã cùng nhau đoàn kết tạo nên sức mạnh tổng hợp xây dựng thành công xã Nông thôn mới nâng cao trên mảnh đất Thanh Phong ngàn năm văn hiến..
Thanh Phong - Đất cách mạng
Phong Sơn là tên gọi ngày xưa nay là xã Thanh Phong, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Trong phong trào cách mạng 1930 - 1931 Thanh Phong được xem là cái nôi cách mạng ở huyện thanh Chương. Khi mới thành lập Chi bộ Phong Sơn là một chi bộ trung kiên nằm trong Đảng bộ gang thép ở huyện Thanh Chương và trở thành người tổ chức, lãnh đạo, nhân tố quyết định mọi thắng lợi ở Phong Sơn ngày xưa và Thanh Phong hôm nay mà đỉnh cao là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 -1931. Tháng 2 năm 1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tháng 7 năm 1930 Chi bộ Phong Sơn cũng chính thức được thành lập để lãnh đạo cách mạng mà đỉnh cao là Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931. Đây là cuộc biểu tình dữ dội chưa từng thấy đã đưa anh em công nông đến một thời kỳ mới, thời kỳ kịch liệt chống lại tư bản đế quốc và địa chủ phong kiến, thời kỳ công nông phải hy sinh cho cách mạng để đòi quyền sống và quyền tự do. Tuy mới ra đời nhưng sau khi
Đường về xã Thanh Phong hôm nay. ( Ảnh: Nguyễn Thị Thùy) |
Phong trào cách mạng 1930 - 1931 bị dìm trong biển máu, kẻ địch càng khủng bố ác liệt bao nhiêu thì tinh thần chiến đấu của nhân dân, quần chúng cách mạng ở Thanh Phong càng phát triển lên cao. Các cán bộ, đảng viên bị rơi vào tay giặc, bị nhục hình tra tấn nhưng vẫn giữ được ý chí quyết tâm không khai báo. Đồng chí Nguyễn Đình Phan bị bắt giam ở nhà tù Buôn Ma Thuột bị cực hình tra tấn nhưng không khai báo nửa lời. Đồng chí Trịnh Thuyết khi ở ngoài mù chữ nhưng vào tù đã biến nhà tù thành trường học, không ngừng rèn luyện chờ dịp ra hoạt động. Còn biết bao đồng chí, đồng bào khác trong cuộc chiến đấu sống còn với kẻ thù vẫn kiên cường, bất khuất mãi mãi để lại trong lòng nhân dân niềm kính phục sâu sắc. Với phẩm chất gan dạ, kiên cường bất khuất, Chi bộ Phong Sơn đã vượt qua được thử thách trong giai đoạn bị địch khủng bố trắng.
Cách mạng tháng Tám (1945) thành công, trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ và anh dũng của dân tộc, hàng ngàn thanh niên Thanh Phong đã hăng hái lên đường xung phong vào bộ đội, Thanh niên xung phong, Dân công hỏa tuyến, ra chiến trường trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Kết thúc chiến tranh, Thanh Phong đã có 23 bà mẹ được Phong tặng và Truy tặng danh hiệu cao quý Mẹ Việt Nam anh hùng, 4 liệt sỹ thời kỳ 1930 - 1931, 33 liệt sỹ chống Pháp và 157 liệt sỹ thời kỳ chống Mỹ cùng hàng trăm người con đã để lại một phần xương thịt cho chiến tranh. Hàng nghìn cá nhân và gia đình được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến các loại. Ở hậu phương Thanh Phong là hậu cứ của nhiều cơ quan Trung ương , Quân khu 4 đóng trên địa bàn. Các phong trào "Hũ gạo kháng chiến", "Hội mẹ chiến sỹ" với khẩu hiệu thép " Xe chưa qua nhà không tiếc", " Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người". Lực lượng dân quân trực chiến của Thanh Phong được trang bị súng đại liên, súng trường kết hợp cùng bộ đội chủ lực trực tiếp chiến đấu bảo vệ bầu trời Thanh Phong. Toàn xã Thanh Phong bố trí 4 trận địa phòng không tại Rú Sim, Rú Bạc,Rú Rô, Nền Đàn. Các đoàn thể Thanh niên, Phụ nữ, Hội mẹ chiến sỹ, Hội phụ lão xã đã làm tốt chức năng của mình, vững vàng trên mọi mặt trận, góp phần to lớn cùng cả nước đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược.
Thanh Phong xây dựng thành công xã nông thôn mới nâng cao
Sau khi xây dựng thành công xã đạt nông thôn mới, Thanh Phong đã kế thừa và phát huy những bài học kinh nghiệm từ các chương trình mục tiêu, các phong trào quần chúng trước đây để vận dụng sáng tạo vào xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao. Bài học xuyên suốt của Thanh Phong là: Nâng cao đời sống của dân, vừa tạo khí thế phấn khởi cho dân vừa nuôi dưỡng sức dân, vừa được lòng dân. Tập trung giải quyết kịp thời những đề xuất, kiến nghị, vướng mắc trong xây dựng NTM tại cơ sở. Và điều quan trọng nhất là Đảng bộ xã đã đoàn kết, đồng thuận, đồng lòng, quyết tâm, trong sạch vững mạnh, tổ chức hành động quyết liệt bằng cả tấm lòng và trách nhiệm cao của cán bộ gương mẫu trước nhân dân.
Mô hình nuôi gà bằng công nghệ cao ở xã Thanh Phong (Ảnh: Nguyễn Thị Thùy) |
Với phương châm " Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân góp, dân hưởng thụ " Thanh phong đã huy động được hơn 111 tỷ đồng xây dựng NTM nâng cao, trong đó nhân dân đóng góp gần 62 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất, đạt 15/19 tiêu chí NTM nâng cao. Thanh Phong đã quy hoạch xây dựng NTM theo từng giai đoạn, hàng năm đều bổ sung quy hoạch để phù hợp với sự phát triển theo từng giai đoạn, từng năm. Tỷ lệ đường xã được bảo trì hàng năm đảm bảo Sáng - xanh - sạch - đẹp và có các hạng mục cần thiết như báo giờ, giảm tốc, cây xanh theo quy định. Đường giao thông qua khu dân cư có rãnh thoát nước, có điện chiếu sáng, camera an ninh. Về giáo dục cả 3 trường mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở ở Thanh Phong đều được cấp trên xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1, đang phấn đấu xây dựng để đạt cơ sở vật chất mức độ II. Các nhà văn hóa xóm được đầu tư nâng cấp mở rộng, có sân thể thao phục vụ cho cộng đồng. Nhân dân toàn xã xây dựng được 13 cổng chào trên các trục đường chính vào khu dân cư. Cùng với phát triển cơ sở vật chất, phong trào Văn hóa, văn nghệ quần chúng vào các ngày lễ kỷ niệm phát triển rầm rộ, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.
Nói về phong trào xây dựng NTM nâng cao ở Thanh Phong, Ông Trịnh Xuân Thị, Chủ tịch UBND xã cho biết: Nét nổi bật nhất trong việc xây dựng NTM ở Thanh Phong là xây dựng được hai mô hình NTM tiêu biểu ở xóm 4 và xóm 3. Các xóm đã chủ động tận dụng nâng cấp nhà văn hóa xóm, xây khuôn viên Xanh - Sạch - Đẹp, Khơi dậy phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao trong nhân dân…Cấp ủy, Ban chỉ huy, Ban công tác Mặt trận xóm đoàn kết, gương mẫu được nhân dân tín nhiệm. Cán bộ và nhân dân xóm được tặng nhiều danh hiệu cao quý trong các phong trào. Ông Phan Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban chỉ đạo NTM nói: Trong xây dựng NTM nâng cao, Lãnh đạo, chính quyền phải quyết liệt để thực hiện các tiêu chí thiết thực của dân, nhóm tiêu chí nâng cao đời sống của dân, vừa tạo khí thế phấn khởi cho dân, vừa nuôi dưỡng sức dân từ đó khơi dậy và phát huy tốt vai trò chủ thể của dân là nhân tố quyết định thành công chương trình xây dựng NTM.
Làm đường bê tông nội đồng ở xã Thanh Phong ( Ảnh: Nguyễn Thị Thùy). |
Về Thanh Phong hôm nay như một bức tranh đủ màu hương sắc, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa, cây xanh, cổng chào được trang hoàng rực rỡ. Trong các nhà văn hóa xóm, chiều chiều mọi người tập trung đông đủ vui chơi thể thao, luyện tập nhảy dân vũ để chuẩn bị cho ngày lễ. Tại Hội trường UBND xã các hạt nhân văn nghệ trong đó chủ lực là các cháu công chức UBND đang hăng say luyện tập chào mừng ngày lễ đón nhận danh hiệu xã Nông thôn mới nâng cao. Nhìn những giọt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt ửng hồng của mọi người, tác giả bài viết cũng cảm thấy vui lây nhưng có lẽ vui nhất là chị Thùy, công chức nông nghiệp và môi trường xã, vì từ nay về sau công tác bảo vệ môi trường đã đi vào nề nếp nên Thùy đỡ vất vả. Còn Phương, công chức chính sách LĐ-TB&XH lại càng vui hơn vì Thanh Phong có Dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 3 nên việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả theo cơ chế một cửa, kết quả giải quyết thủ tục qua dịch vụ bưu chính công ích nên Phương cũng đỡ vất vả.
Nhận xét về phong trào xây dựng NTM nâng cao ở Thanh Phong, ông Trình Văn Nhã, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương nói: Để xây dựng thành công xã NTM nâng cao, Thanh Phong đã biết phát huy nhiều bài học kinh nghiệm thành công từ các mục tiêu, các phong trào quần chúng trước đây để vận dụng sáng tạo vào xây dựng NTM. Trong đó bài học xuyên suốt là "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân góp và dân hưởng thụ". Xác định người dân hưởng lợi từ chương trình là chủ thể, là yếu tố quyết định để Thanh Phong xây dựng thành công xã NTM nâng cao.