Thành lập đoàn thanh tra đặc biệt là … hơi muộn!
Sự kiện 08/06/2023 08:21
Trước tiên tôi cũng như đồng bào, cử tri cả nước cho rằng, việc tiến hành thanh tra đặc biệt đối với EVN mà đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị là rất đúng đắn. Tuy nhiên vào thời điểm này vẫn còn là hơi muộn, ông Lưu Bình Nhưỡng cho biết.
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội. |
Bởi vì những vấn đề về Tập đoàn điện lực vốn đã tồn tại từ rất lâu, trong khi điện là một loại năng lượng đặc biệt, nằm trong chính sách an ninh năng lượng quốc gia. Năng lượng là một trong 3 đột phá chiến lược mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra. Đây là ngành đóng vai trò là nguồn khí của cơ thể quốc gia, dòng tài chính là máu của quốc gia.
Chính dòng khí này hiện nay đang bị cạn kiệt do vận dụng chính sách độc quyền, nên vừa làm cạn kiệt, vừa làm ô nhiễm cơ thể quốc gia, từ đó sẽ khiến chúng ta không thể đạt được mục tiêu đã đề ra. Đồng thời làm mất đi tính chất nội hàm của sự đột phá về năng lượng quốc gia.
Những ngày vừa qua câu chuyện về EVN đã làm nóng nghị trường khi có nhiều đại biểu Quốc hội nêu lên ý kiến là rất thực tế, vì sao EVN báo lỗ công ty mẹ nhưng lại lãi công ty con (công ty con gửi ngân hàng số tiền rất lớn); việc thiếu điện, cắt điện rồi đòi tăng giá điện khiến cho dư luận dậy sóng, bức xúc.
Bản thân tôi cũng gặp cảnh bị cắt điện khi đi công tác địa phương, đang trong một sự kiện lớn và giữa tiết trời oi nóng thì bổng nhiên mất điện, khiến mọi thứ phải dừng hẳn, làm bà con rất ngao ngán, tức giận. Nếu ở đô thị còn dựa vào thứ này, thứ khác, nhưng ở địa phương, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa việc cắt điện mà không báo trước khiến nhà nhà trở tay không kịp. Người ta cứ nghĩ rằng, cắt điện ở nông thôn bao giờ cũng dễ hơn thành phố là quan điểm hết sức nguy hiểm, dân mất lòng tin, ảnh hưởng rất lớn tới các lĩnh vực nông nghiệp dụng công nghệ cao- ông Lưu Bình Nhưỡng nói.
Vì vậy, đại biểu Quốc hội đề nghị cần thành lập đoàn thanh tra đặc biệt đối với EVN là rất cần thiết, nhằm làm sáng tỏ những khuất tất bấy lâu nay mà nhân dân, cử tri đang chờ đợi. Tuy nhiên, cần phải sử dụng cơ chế liên ngành và cơ chế thanh tra phòng chống tham nhũng, thanh tra chính phủ đối với EVN. Nếu tiếp tục sử dụng thanh tra của Bộ Công thương chẳng khác nào là “đánh bùn sang ao” và sẽ không đạt được hiệu quả, thậm chí có thể dẫn đến bao che cho nhau - ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Về 26.000 tỷ lỗ của EVN, muốn làm rõ thì phải trở lại năm 2019, khi đại biểu Quốc hội Lê Thu Hà (Ủy ban đối ngoại) yêu cầu phải tiến hành kiểm toán (kiểm toán nhà nước) vào cuộc. Từ đó có thể dựa vào đề nghị thành lập đoàn thanh tra đặc biệt của đại biểu Lê Thanh Vân gồm Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương… vào cuộc thì mới hy vọng làm sáng tỏ vấn đề lỗ - lãi của EVN. Chứ chỗ này nói thế này, chỗ kia nói ý khác, rồi câu chuyện về lỗ triền miền, đòi tăng giá điện của EVN vẫn cứ tiếp tục kéo dài – ông Lưu Bình Nhưỡng nêu rõ.
“Thanh tra toàn diện không chỉ là giá điện, lỗ - lãi mà phải thanh tra cả quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và công tác cán bộ của EVN” - ông Lưu Bình Nhưỡng nêu quan điểm.