Thanh Hoá: Hỗ trợ công tác chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa
Doanh nghiệp - Doanh nhân 14/04/2023 13:22
Chuyển đổi số có tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng. Chuyển đổi số (CĐS) trong doanh nghiệp (DN) nhằm thay đổi phương thức điều hành, quy trình làm việc, mô hình kinh doanh, mang lại những hiệu quả cao hơn và những giá trị mới.
Khó khăn lớn nhất trong CĐS của các DN đó là thay đổi thói quen. Để thay đổi thói quen trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của một DN phụ thuộc chủ yếu vào quyết tâm của người đứng đầu. CĐS số là tất yếu, là sự sống còn của DN trong thời đại 4.0, tuy nhiên có khó khăn, thách thức về nhận thức, công nghệ, thói quen; đòi hỏi DN phải có nhận thức đúng, quyết tâm cao để vượt qua khó khăn, thách thức đó.
Việc hỗ trợ các DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh thực hiện chuyển đổi số nhằm tối ưu hóa hoạt động, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho DN, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Với mục đích, ý nghĩa của Hội nghị lần này nhằm thông tin đến DN về Chuyển đổi số để phát triển theo xu hướng chung của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và các định hướng, chủ trương, chính sách của Trung ương và của tỉnh về CĐS trong DN; hướng đến một cái nhìn toàn diện, rõ nét hơn về CĐS, giúp DN nhỏ và vừa nắm bắt được những công nghệ mới, rút ra được những kinh nghiệm từ những bài học thực tế của các DN đã chuyển đổi số thành công.
Đại biểu tham dự Hội nghị Tập huấn |
Phát biểu tại Hội nghị, ông Đỗ Hữu Quyết, Phó trưởng Ban chỉ đạo CĐS tỉnh, Giám đốc sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Đại dịch Covid-19 bùng phát trong thời gian qua cũngđã và đang là động lực thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình CĐS. Điều này có thể thấy rõ qua sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng trực tuyến làm thay đổi các phương thức quản lý, điều hành, sản xuất - kinh doanh, mua bán online, thanh toán không dùng tiền mặt,…Các tiện ích thông minh được ứng dụng ngày càng nhiều để hỗ trợ công tác quản lý, thay thế dần các phương thức thủ công truyền thống.Vì vậy, cộng đồng DN Tỉnh nhà đang đứng trước nhiều cơ hội lẫn không ít những khó khăn.
“Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số là một trong những giải pháp hỗ trợ DN thích ứng với hoàn cảnh mới. Đây vừa là nhu cầu, vừa là xu hướng tất yếu, khách quan giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển, trong điều kiện hiện nay, không phải cá lớn nuốt cá bé mà cá nhanh nuốt cá chậm.”, ông Quyết nhấn mạnh.
Ông Đỗ Hữu Quyết, Phó trưởng Ban chỉ đạo CĐS tỉnh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh hóa phát biểu tại Hội nghị |
Với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ; lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân làm thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động. Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa luôn luôn tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất để DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh đẩy mạnh CĐS nhằm tạo ra những động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy giá trị đổi mới sáng tạo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Thanh Hoá quyết tâm, phấn đấu đến năm 2025 sẽ trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về CĐS.
Để hỗ trợ DN, tỉnh Thanh Hoá đã ban hành Nghị quyết số 214 về chính sách hỗ trợ DN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2026. Trong đó, có 3 chính sách hỗ trợ cho các DN chuyển đổi số, bao gồm:Hỗ trợ kinh phí sử dụng chữ ký số cho các doanh nghiệp thành lập mới; Hỗ trợ kết nối, chia sẻ thông tin, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp trên nền tảng số của các cơ quan nhà nước tỉnh Thanh Hóa; Hỗ trợ kinh phí tư vấn chuyển đổi số và mua, thuê giải pháp công nghệ số. Nghị quyết ban hành với mục đích triển khai đồng bộ, hiệu quả các nội dung của Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa, các Nghị định của Chính phủ; đồng thời tăng cường hỗ trợ nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN nhỏ và vừa trên địa bàn, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh; thu hút vốn đầu tư cho phát triển; giải quyết việc làm và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia truyền đạt các chuyên đề về Chương trình xác định Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số DN; Giới thiệu chính sách hỗ trợ về công nghệ cho DN nhỏ và vừa; Hướng dẫn đăng ký tài khoản và sử dụng Hệ thống thông tin gửi nhận văn bản điện tử giữa DN và cơ quan nhà nước; Giới thiệu một số nền tảng, giải pháp CĐS cho DNNVV. Qua đó, các đại biểu thảo luận để làm rõ hơn những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai cũng như đối chiếu với Quyết định 1970/QĐ-BTTTT ngày 13/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông để xác định, mình đang ở giai đoạn nào trong quá trình CĐS, từ đó xây dựng các giải pháp, lộ trình thực hiện CĐS cho phù hợp với mô hình hoạt động của DN.