Tạo đà cho tăng trưởng kinh tế năm 2024
Kinh tế 02/12/2023 15:19
Theo số liệu thống kê, kinh tế Việt Nam 11 tháng năm 2023 tiếp tục quá trình phục hồi, tạo nền tảng cho sự phát triển ổn định trong thời gian tới. Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp là gam màu sáng trong bức tranh kinh tế với năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Cụ thể, sản lượng thủy sản tăng 2,2%; sản lượng gỗ khai thác tăng 2,9% so với cùng kì năm trước. Sản lượng lúa mùa thu hoạch tại Đồng bằng sông Cửu Long tăng thêm 80.000 tấn và lúa Thu Đông tăng thêm 392.000 tấn.
Về xuất khẩu gạo, từ đầu năm đến hết tháng 11, Việt Nam xuất khẩu 7,753 triệu tấn gạo, đạt 4,4 tỉ USD, vượt xa năm 2022 (7,1 triệu tấn, trị giá đạt 3,45 tỉ USD). Xuất khẩu gạo tăng 16,2% về lượng, nhưng tăng 36,3% về giá trị và khẳng định vị thế chất lượng gạo Việt Nam trên bản đồ lúa gạo thế giới. Xuất khẩu rau quả cũng đạt 5,3 tỉ USD, tăng 74,5% so với cùng kì năm trước, cao hơn rất nhiều so với kim ngạch xuất khẩu rau quả những năm trước đây.
Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp tháng 11 tiếp tục xu hướng tích cực, ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,8% so với cùng kì năm trước. Tính chung 11 tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 1%.
Về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), cả nước có 2.865 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng kí đầu tư, tăng 58,1% so với cùng kì với tổng vốn đăng kí đạt hơn 16,41 tỉ USD, tăng 42,4%. Giải ngân vốn đầu tư công và vốn FDI thực hiện trong 11 tháng giữ vai trò là động lực tăng trưởng quan trọng, với tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 75% kế hoạch cả năm, tăng 22,1% so với cùng kì năm trước. Đặc biệt, vốn FDI thực hiện đạt 20,25 tỉ USD, tăng 2,9% so với cùng kì năm trước và đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 11 tháng trong 5 năm qua. Điều đó minh chứng các nhà đầu tư nước ngoài luôn tin tưởng môi trường đầu tư an toàn, đầy triển vọng của Việt Nam.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng ước đạt 5,667 triệu tỉ đồng, tăng 9,6% so với cùng kì năm 2022 và nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7%; trong đó, tháng 11 ước đạt 552,7 nghìn tỉ đồng, tăng 10,1% so với cùng kì năm trước.
Năm 2023, sản xuất nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định vĩ mô. Theo dự báo, xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục thuận lợi do nhu cầu nhập khẩu tăng từ nhiều thị trường lớn, nhất là trong bối cảnh căng thẳng nguồn cung gạo vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.
Để gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh đàm phán, kí kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng nhằm đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Cùng đó, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để đẩy mạnh xuất khẩu thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, cơ hội và cách thức tận dụng từ các hiệp định…
Cùng với những giải pháp cho sản xuất nông nghiệp, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Bích Lâm cũng đề xuất Chính phủ chú trọng các giải pháp như: Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường thu hút FDI; đẩy mạnh chính sách khuyến mại và giảm giá hàng tiêu dùng; thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước trong dịp đón năm mới 2024. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chuẩn bị và tập trung nguồn hàng, tận dụng tối đa nhu cầu tiêu dùng gia tăng vào tháng cuối năm của các đối tác thương mại truyền thống và thị trường mới nhằm thúc đẩy xuất khẩu, giảm thiểu tác động của suy giảm tổng cầu thế giới đối với tăng trưởng…