Tăng cường hợp tác quốc tế và các chương trình phối hợp để chăm lo nhiều hơn cho người cao tuổi
Hoạt động hội 27/12/2021 18:04
Bà Trần Bích Thủy, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Hỗ trợ NCT Quốc tế tại Việt Nam
Bà Trần Bích Thủy |
“Từ khi có quan hệ hợp tác từ năm 1997, Hội NCT Việt Nam luôn hợp tác chặt chẽ với Tổ chức Hỗ trợ NCT Quốc tế (HAI) trong các hoạt động vì NCT. Đặc biệt từ khi Hội trở thành tổ chức thành viên của mạng lưới HAI vào năm 2010 và hai bên kí Biên bản Ghi nhớ về sự hợp tác vào năm 2019 thì mối quan hệ hợp tác đó lại càng trở nên gắn bó, đi vào chiều sâu, dựa trên thế mạnh của nhau và mang lại lợi ích thiết thực cho NCT.
Một kết quả nổi bật của mối quan hệ hợp tác giữa hai tổ chức có thể kể đến là mô hình CLB LTHTGN. Từ một mô hình của một dự án quốc tế do HAI hỗ trợ, nhờ tính thiết thực, hiệu quả và phù hợp, sự vào cuộc của Hội NCT các cấp đã nhanh chóng trở thành mô hình quốc gia, được Chính phủ đưa vào Chương trình Hành động Quốc gia về NCT và 2 đề án nhân rộng theo Quyết định 1533/QĐ-TTg ngày 2/8/2016 và Quyết định 1336/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Với sự hỗ trợ kĩ thuật và vận động tài chính không mệt mỏi của HAI, sự đồng hành và trách nhiệm to lớn của Hội NCT các cấp cùng sự hỗ trợ, ủng hộ của chính quyền địa phương, cuối năm 2020, đã có gần 3.500 CLB ở 61/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, mang lại lợi ích to lớn và lâu dài cho NCT cũng như cộng đồng nơi có CLB. Bên cạnh đó, mô hình đã không ngừng được cải tiến chất lượng để đáp ứng nhu cầu đa dạng và ngày càng lớn của NCT. Năm 2020, mô hình CLB LTHTGN của Việt Nam đã vinh dự đoạt Giải nhất Giải thưởng Sáng kiến vì một Châu Á già hóa khỏe mạnh, hạng mục Sáng kiến dựa vào cộng đồng; được Ban Kinh tế Xã hội của Liên Hợp Quốc ghi nhận là một trong những điển hình tốt góp phần thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững; được Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận là một trong những điển hình tốt về sáng kiến xã hội nhằm thúc đẩy già hóa khỏe mạnh.
Những gì đạt được trong mối quan hệ hợp tác giữa hai tổ chức trong thời gian qua vì NCT Việt Nam là rất đáng trân trọng, với phương châm đã được lãnh đạo hai bên nhất quán, đó là luôn hướng về cơ sở, tất cả vì NCT. Trong thời gian tới, với tốc độ già hóa nhanh, số lượng và tỉ trọng NCT sẽ ngày càng tăng trong tổng dân số đòi hỏi Hội NCT các cấp cần chủ động và sáng tạo hơn nữa trong thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế nói chung và tổ chức HAI nói riêng, để có thêm nguồn lực, cả về kĩ thuật và tài chính, nhằm hỗ trợ các hoạt động vì NCT Việt Nam. Quản lí tốt và hỗ trợ các cấp Hội thực hiện các Dự án quốc tế cũng là một cách tạo niềm tin, duy trì và phát triển quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế. Các thách thức liên quan đến già hóa dân số nhanh trong khi Việt Nam đang là nước có thu nhập trung bình thấp là không nhỏ, nhưng đó cũng chính là cơ hội để Hội NCT vươn lên, mở rộng hơn các mối quan hệ hợp tác và khẳng định mình trên trường quốc tế”.
Bà Phạm Tuyết Nhung, nguyên Quyền Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hội NCT Việt Nam
Bà Phạm Tuyết Nhung |
“Tôi đã có cơ hội làm việc tại Ban Đối ngoại Trung ương Hội NCT gần 15 năm, nhận thấy rất rõ kết quả và tác động của công tác đối ngoại trong hoạt động của Hội NCT và chăm sóc, phát huy vai trò NCT, bảo vệ quyền của NCT trong bối cảnh già hóa dân số của Việt Nam và thế giới.
Từ sau khi thành lập Hội NCT vào năm 1995, Trung ương Hội NCT đã những cố gắng triển khai công tác đối ngoại và huy động nguồn lực từ một số tổ chức quốc tế nhưng công tác Đối ngoại của Trung Hội NCT thực sự phát triển từ năm 2010, khi Hội NCT Việt Nam trở thành thành viên của mạng lưới Tổ chức Hỗ trợ NCT quốc tế (HAI). Trong thời gian qua, những thành tích đối ngoại thể hiện ở 4 điểm sau: Thứ nhất, chúng ta đã thực hiện tốt công tác đối ngoại nhân dân, mở rộng hợp tác quốc tế, có mối quan hệ tốt đẹp với tổ chức về NCT ở nhiều nước (Thái lan, Philippin, Inđônêxia, Campuchia, Hàn Quốc, Myanma) và một số tổ chức quốc tế. Tổ chức nhiều đoàn thăm và tìm hiểu tình hình về NCT và già hóa tại Phillipin, Thái Lan, Lào, Singapore, Campuchia, Trung Quốc… Thứ hai, thông qua hợp tác quốc tế, Hội NCT có nhiều cơ hội tham gia các hoạt động khu vực và toàn cầu như hội thảo, hội nghị, thực hiện dự án chung, tập huấn; tiếp cận nhiều thông tin, kiến thức từ các chuyên gia và tiến bộ trong công tác. Thứ ba, chính Mạng lưới Hỗ trợ NCT Quốc tế đã tạo điều kiện rất nhiều để Hội NCT huy động nguồn lực thông qua các dự án triển khai chăm sóc và phát huy vai trò NCT, vì lợi ích NCT. Chỉ tính từ 2016 đến nay, đã có 8 dự án do Trung ương Hội chủ trì và phối hợp với Tổ chức HAI thực hiện. Các hoạt động hợp tác quốc tế đã nâng cao năng lực và uy tín cho Hội NCT Việt Nam. Chúng tôi rất vui mừng khi Hội NCT Việt Nam được các nước biết đến như một tổ chức uy tín, năng động và có trách nhiệm, họ mong muốn được hợp tác, được học hỏi những điểm mạnh của chúng ta. Năm 2017, Hội đã cử đại diện tham dự cuộc họp chuẩn bị cho Công ước về quyền của NCT tại Liên Hợp Quốc, được Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Quốc gia về NCT đánh giá cao. Ngoài ra, các Bộ ngành cũng như các tổ chức tại Việt Nam đã coi trọng những ý kiến đóng góp từ Hội NCT.
…Trong số những kết quả của Hội NCT nói chung, tôi đặc biệt đánh giá cao công tác vận động chính sách của Hội NCT, cả ở phạm vi trong nước và quốc tế. Trong những năm qua, ngoài công tác xây dựng tổ chức Hội, Hội NCT Việt Nam đã tích cực tham gia xây dựng và đóng góp ý kiến trong xây dựng các văn bản Luật, nghị định, thông tư liên quan đến quyền và lợi ích, chăm sóc sức khỏe của NCT cũng như công tác dân số trong tình hình mới, ứng phó với già hóa dân số, v.v. Những thông tin, bài học từ các nước và quốc tế cũng giúp cho các chuyên gia có cách nhìn bao quát và khoa học hơn, cách nhìn này cộng với kinh nghiệm hoạt động về NCT và cộng đồng đã giúp cho Hội NCT đóng góp các ý kiến sâu sắc hơn. Đối với quốc tế, chúng ta cũng tích cực tham gia các phong trào “Hành động vì NCT”, “Chống phân biệt tuổi tác”, “Chống lạm dụng NCT”, “Phụ nữ cao tuổi và Bình đẳng giới”; tổ chức nhiều hoạt động tại cộng đồng và thúc đẩy tiếng nói của NCT.
Một kết quả to lớn nữa là Hội NCT đã thành công trong nhân rộng mô hình CLB LTHTGN, mô hình được đánh giá là phù hợp tại Việt Nam, có tính nhân văn sâu sắc, giúp NCT nâng cao chất lượng sống cả về vật chất lẫn tinh thần. CLB LTHTGN được khởi đầu xây dựng thông qua các dự án từ năm 2006, đến năm 2016 chính thức được Chính phủ chỉ đạo nhân rộng trong toàn quốc trong khuôn khổ 2 Đề án Nhân rộng mô hình CLB LTHTGN giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn đến 2025. Đến cuối năm 2021, cả nước đã có trên 3.500 CLB LTHTGN, được nhiều nước đánh giá cao và đoạt giải thưởng Vì một Châu Á già hóa khỏe mạnh năm 2020”.
Bà Phan Thùy Nghĩa, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Phát huy vai trò NCT Trung ương Hội:
Bà Phan Thùy Nghĩa |
“Trong nhiệm kì 2016-2021, Hội NCT đã triển khai, thực hiện hiệu quả các chương trình phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan như với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về “NCT phối hợp bảo vệ an ninh biên giới, biển đảo”, với Bộ Tài nguyên và Môi trường về “NCT tham gia bảo vệ môi trường, phòng chống rác thải nhựa”, với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về “xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh” và nhiều chương trình khác. Với uy tín, kinh nghiệm và vốn sống phong phú, trong bất kì lĩnh vực nào, NCT cũng tỏa “bóng cả”, nêu tấm gương sáng cho con cháu và cộng đồng dân cư cùng học tập, làm theo. Ở các vùng biên giới đất liền, biên giới biển, NCT cùng Bộ đội Biên phòng động viên con cháu trong gia đình và bà con đoàn kết chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ an ninh khu vực biên giới. Tuyên truyền nhắc nhở người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; không vi phạm pháp luật, không xâm canh xâm cư, vượt biên trái phép; cảnh giác cao với âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, không nghe theo kẻ xấu xúi giục. Đồng thời theo dõi phát hiện những trường hợp khả nghi báo cho cơ quan chức năng kịp thời xử lí.
Có thể nói công cuộc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh khó thành công nếu không có đóng góp của NCT. Không chỉ sẵn sàng hiến kế hiến công và đóng góp vật chất, NCT còn vận động con cháu, người dân hiến đất, hiến công trình, tiền của xây dựng các công trình phúc lợi, chỉnh trang đô thị, làm đẹp thêm diện mạo quê hương. Hầu hết NCT còn sức khỏe vẫn không chịu ngồi yên mà tiếp tục lao động sản xuất, làm giàu cho gia đình, xã hội và hỗ trợ con cháu cùng phát triển. Cụ nào không còn lao động được vẫn hỗ trợ trông nom các cháu, phụ giúp việc gia đình để con cháu yên tâm làm ăn, học hành, phấn đấu.
Hoạt động phát huy vai trò NCT, phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao - Gương sáng” của NCT cả nước trong 5 năm qua đã được Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp ghi nhận, biểu dương kịp thời. Có rất nhiều cán bộ, hội viên NCT được vinh danh tại các Hội nghị biểu dương cán bộ Hội tiêu biểu cơ sở khu vực Tây Bắc (năm 2017); Hội nghị biểu dương NCT làm kinh tế giỏi (năm 2018); Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết tâm thư của Già làng Tây Nguyên (năm 2019); Hội nghị biểu dương cán bộ Hội tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao - Gương sáng” giai đoạn 2015 - 2020”...
Ông Nguyễn Ngọc Minh, Chủ tịch Hội NCT tỉnh Tiền Giang
Ông Nguyễn Ngọc Minh |
“Đại hội đại biểu Hội NCT Việt Nam là sự kiện, mốc lịch sử quan trọng đối với tổ chức Hội NCT và thế hệ NCT Việt Nam. Là một cán bộ đang công tác Hội NCT địa phương, tôi luôn quan tâm và đặt trọn niềm tin hướng về sự thành công của Đại hội.
Về cảm xúc vừa mừng lại vừa lo. Mừng là vì Hội NCT Việt Nam nhiệm kì V giai đoạn 2016 - 2021 đã hoàn thành xuất sắc phương hướng, nhiệm kì, chỉ tiêu đã đề ra, trong đó nổi bật là 3 nhiệm vụ trọng tâm, 2 chương trình công tác lớn và 2 nhiệm vụ được Chính phủ giao. Vì vậy, Đại hội là dịp để tổng kết, đúc kết thành tựu, đồng thời rút ra kinh nghiệm quý để triển khai nhiệm vụ nhiệm kì VI (2021 - 2026); Vừa lo là vì dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư đã và đang diễn biến phức tạp, kéo dài làm ảnh hưởng đến Đại hội. Trong tình hình dịch bệnh lây lan cả nước, nhất là ở Thủ đô Hà Nội thì việc tiến hành tổ chức Đại hội lúc nào, hình thức Đại hội tập trung hay trực tuyến, triệu tập đại biểu từ các địa phương về tham dự ra sao?
Tuy nhiên, dù Đại hội được tổ chức dưới hình thức nào, nhưng tôi luôn đặt nhiều kì vọng vào sự thành công của Đại hội, đó là tập hợp sự đoàn kết, phát huy dân chủ, luôn sáng tạo và phát triển. Sau Đại hội tiếp tục xây dựng hệ thống tổ chức Hội sở ngày càng vững mạnh, công tác chăm sóc và phát huy vai trò NCT thực hiện ngày càng toàn diện hơn, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung và thu hút toàn xã hội tham gia. Qua đó góp phần nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần và vai trò, vị thế NCT trong đời sống xã hội. Hi vọng Đại hội VI Hội NCT Việt Nam sẽ kiến nghị Nhà nước cho thống nhất hệ thống tổ chức từ BĐD Hội NCT của nhiều địa phương thành Hội NCT chung trong cả nước.
Nước ta đang trong xu hướng ngày càng già hóa dân số, NCT ngày càng khỏe mạnh, sống lâu hơn và đông hơn. Đó là niềm vui, nhưng cũng là trách nhiệm không riêng của tổ chức NCT mà còn trách nhiệm chung của hệ thống chính trị và toàn xã hội để cùng nhau chăm sóc, phát huy và trân quý NCT”.
Ông Hà Văn Phúc, Chủ tịch Hội NCT thị trấn Bình Gia, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn
Ông Hà Văn Phúc |
“Một trong những khó khăn của chúng tôi là Hội chưa được bố trí văn phòng làm việc tại trụ sở, kinh phí hoạt động của Hội chưa được bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm, nên hoạt động của Hội bị hạn chế, không chủ động. Cán bộ Hội từ Phó Chủ tịch hội đến Chi hội trưởng không có trợ cấp hằng tháng như các đoàn thể chính trị xã hội. Hoạt động của các chi hội không đồng đều, phong trào có nhưng chưa có chiều sâu. Nguyên nhân chủ yếu do cơ sở vật chất của thị trấn còn hạn hẹp, nhiều bộ phận, phòng ban chức năng chuyên môn... thuộc thị trấn còn chưa bố trí được chỗ làm việc đầy đủ, còn phải ghép nhiều bộ phận cùng một phòng; Hội NCT là hội đặc thù chưa được cấp ngân sách để chi thường xuyên; cán bộ Hội “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.
Để tạo điều kiện cho Hội hoạt động hiệu quả, chúng tôi kiến nghị Hội NCT cấp trên tham mưu với Đảng, Chính phủ và các cơ quan chức năng có chính sách hoặc cơ chế cho Hội cơ sở có nguồn kinh phí hoạt động; có chính sách trợ cấp thường xuyên phù hợp cho Phó Chủ tịch Hội và các Chi hội trưởng. Điều lệ Hội NCT nên quy định tên gọi của ban lãnh đạo Chi hội (như Ban Chấp hành Chi hội) có Chi hội trưởng, Chi hội phó và một số ủy viên, các ủy viên đồng thời là các Tổ trưởng tổ hội; đồng thời quy định cơ quan nào phê chuẩn lãnh đạo chi hội để thống nhất thực hiện”.
Bà Ngô Thị Thơm, Chủ nhiệm CLB LTHTGN phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội
Bà Ngô Thị Thơm |
“Qua 2 năm hoạt động của CLB, với những kết quả đạt được, từ thực tiễn triển khai chúng tôi rút ra một số bài học quý, đó là: Để có CLB LTHTGN hoạt động đáp ứng được các tiêu chí thì cần có 1 Ban Chủ nhiệm tâm huyết, trách nhiệm, có sự hiểu biết nhất định về vai trò của NCT trong cộng đồng và vì mục tiêu đoàn kết, thống nhất. Tranh thủ sự giúp đỡ thường xuyên, hiệu quả của các tổ chức liên quan, các tập thể, cá nhân hảo tâm. Đẩy mạnh hoạt động tăng thu nhập và xây dựng nguồn lực để CLB phát triển bền vững. Nắm bắt nhu cầu tất yếu và tâm lí của thành viên, kết hợp với đặc thù của địa phương khu vực; thường xuyên rút kinh nghiệm không ngừng sáng tạo đổi mới nội dung hình thức hoạt động phù hợp để nâng cao chất lượng và tính thiết thực cụ thể cho từng mảng hoạt động; nhằm tạo sự hứng thú, thu hút và gắn kết các thành viên với CLB.
Để CLB có điều kiện từng bước ổn định, phát triển, hoạt động hiệu quả phù hợp với mục tiêu của đề án và nguyện vọng của NCT, chúng tôi kiến nghị với Đảng ủy, UBND, MTTQ phường Thanh Xuân Bắc, Hội NCT quận Thanh Xuân, TP Hà Nội và Tổ chức Hỗ trợ NCT Quốc tế (HAI) tiếp tục quan tâm tạo điều kiện cho CLB như tập huấn nghiệp vụ, hỗ trợ kinh phí, điều kiện pháp lí, cơ sở vật chất để CLB có đủ điều kiện hoàn thành nhiệm vụ, lồng ghép nội dung hoạt động của CLB vào các chương trình phát triển kinh tế xã hội của phường, thành phố và các đoàn thể”.