Tăng cường công tác an toàn, giảm căng thẳng cho người lao động
Xã hội 12/05/2023 09:01
Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam vừa tổ chức hội thảo “Các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu căng thẳng tại nơi làm việc”. Hội thảo tập trung nêu ra thực trạng, nguyên nhân và giải pháp để giảm thiểu căng thẳng tại nơi làm việc đối với người lao động (NLĐ).
ThS Nguyễn Khánh Long (Cục An toàn lao động) cho biết, thống kê chỉ ra một số ngành nghề có số lượng người lao động bị stress cao nhất thường là sản xuất vật liệu xây dựng, ngân hàng, hóa dược, chăm sóc sức khỏe… Ngoài ra, thời gian qua, lực lượng lao động trong các ngành sản xuất thâm dụng nhiều lao động như dệt, may, da giày, chế biến thuỷ sản, lắp ráp điện tử cũng gặp nhiều căng thẳng do các nguyên nhân như: Nguy cơ mất việc làm và thu nhập, vấn đề làm thêm giờ cục bộ, việc chăm sóc gia đình, con cái,…
Bên cạnh đó, thời gian làm việc, môi trường làm việc, thiếu kĩ năng làm việc, lối sống thiếu lành mạnh, tổ chức không chuyên nghiệp cũng khiến NLĐ căng thẳng.
Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023 nhằm thúc đẩy các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, người sử dụng lao động, NLĐ và cộng đồng quan tâm thực thi nghiêm pháp luật về ATVSLĐ. Đồng thời đẩy mạnh các chương trình hành động cụ thể về cải thiện điều kiện lao động, rà soát, xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ; chăm sóc, nâng cao sức khỏe NLĐ, phòng, chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Thu hút được sự quan tâm hưởng ứng của các ngành, các cấp, đoàn thể, các tổ chức, doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, kinh doanh, NLĐ về Tháng hành động về ATVSLĐ nhằm nâng cao nhận thức về công tác ATVSLĐ, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về VSATLĐ của người sử dụng lao động và NLĐ. Nâng cao nhận thức ý thức chấp hành các quy định về ATVSLĐ cho người sử dụng lao động và NLĐ.
Để thực hiện tốt hơn về ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo và chỉ đạo công tác bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần, việc làm, phúc lợi và ATVSLĐ, chăm sóc sức khỏe NLĐ, kịp thời nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách theo hướng chú trọng phòng ngừa, loại trừ, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm có hại, tăng cường huy động các nguồn lực xã hội cho công tác chăm lo đời sống và sức khỏe của NLĐ. Triển khái có hiệu quả pháp luật về ATVSLĐ, các DN, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh cần chấp hành nghiêm pháp lệnh về ATVSLĐ, thường xuyên kiểm soát và phòng ngừa các nguy cơ rủi ro trong quá trình tổ chức các hoạt động lao động sản xuất, tổ chức chăm sóc sức khỏe, bệnh nghề nghiệp cho NLĐ: Công nhân, viên chức và NLĐ cần chấp hành nghiêm nội quy, quy trình và biện pháp bảo đảm ATVSLĐ, phòng, chống cháy, nổ, tích cực tham gia lao động sản xuất, học tập, nâng cao tay nghề. Đẩy mạnh tuyên truyền về chủ đề, hội dung hoạt động của Tháng hành động về ATVSLĐ, đặc biệt là nguyên nhân các vụ tai nạn lao động, biện pháp phòng tránh các sự cố kĩ thuật, các loại tai nạn thường gặp, truyên truyền sâu rộng về quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ trong công tác ATVSLĐ tới DN, NLĐ. Đổi mới công tác tuyên truyền về Luật ATVSLĐ, các văn bản hướng dẫn thi hành đến các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh theo hướng đơn giản, dễ nhớ, dễ hiểu. Tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn để cải thiện các điều kiện làm việc tốt hơn cho NLĐ. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các chính sách, chế độ về tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho NLĐ.
Các cấp Công đoàn tiếp tục phối hợp với chính quyền, đoàn thể, cơ quan và DN tổ chức các hoạt động hướng về cơ sở, đa dạng hóa các hoạt động, chú trọng công tác giám sát chính sách cho NLĐ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, tuyên truyền, vận động công nhân, NLĐ nâng cao trình độ, kiến thức, tay nghề, ý thức tổ chức kỉ luật, tác phong làm việc và trách nhiệm trong lao động sản xuất, đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Công đoàn trong việc tham gia xây dựng chính sách và pháp luật liên quan đến NLĐ. Bên cạnh đó, công đoàn cần quan tâm xây dựng chính sách pháp luật; trong thương lượng thỏa ước lao động tập thể phải lưu ý về căng thẳng tại nơi làm việc. Công đoàn cũng cần làm tốt công tác giám sát; trong hoạt động công đoàn phải tạo ra môi trường giảm bớt căng thẳng cho NLÐ, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân và NLĐ, tiếp tục duy trì chế độ đối thoại các cấp về ATVSLĐ, phúc lợi xã hội để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách và thúc đẩy tốt hơn nữa, phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.