Sa Pa - Hành trình từ Trạm nghỉ dưỡng đến Khu du lịch quốc gia
Tin tức 23/09/2023 08:29
Ông Tô Ngọc Liễn, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa |
Phát biểu tại Hội thảo, ông Tô Ngọc Liễn, Chủ tịch UBND thị xã cho biết: Năm 1903, đoàn thám hiểm của sở Địa lý Đông Dương, sau nhiều ngày khảo sát đã phát hiện cảnh quan kỳ vĩ của cao nguyên Lồ Suối Tủng và làng Sa Pả đoàn đặt tên Cao trạm khu vực là Sa Pa. Đây được coi là dấu mốc ban đầu hình thành khu du lịch Sa Pa. Năm 1905, một đoàn khảo sát người Pháp đã tổ chức thám hiểm và đặt được mốc tiêu trên đỉnh Fansipan.
Ngày 2/6/1909, Chánh sứ Lao Kay (tên cũ của tỉnh Lào Cai) trình Thống sứ Bắc Kỳ đề nghị thành lập khu điều dưỡng trên cao trạm Sa Pa. Từ cuối thập kỉ 20 đến đầu thập kỉ 40 của thế kỉ XX, tốc độ xây dựng thị trấn Sa Pa được đẩy mạnh nhanh chóng, với 3 lần quy hoạch trở thành khu du lịch có tiếng, bao gồm 3 khu chủ yếu là Phố Khách, An Nam, Xuân Viên.
Sa Pa có các khách sạn lớn, biệt thự chủ yếu của người Pháp mọc lên ngày càng nhiều, ngoài ra còn xây dựng vườn hoa, sân chơi; xác định các điểm du lịch như Hang Đá, Thác Bạc, Cầu Mây phục vụ cho du lịch và nghỉ dưỡng. Như vậy, hình thành khu du lịch thị trấn Sa Pa ngay từ đầu không phải vì mục đích thương mại hay kỹ nghệ mà là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng. Năm 1943, Sa Pa có khoảng 200 biệt thự và nhà do người Pháp xây dựng mang đậm nét kiến trúc phương Tây.
Từ năm 2003, Sa Pa xây dựng các công trình, hạng mục cho kỉ niệm 100 năm du lịch Sa Pa, trong đó tập trung cải tạo hạ tầng nội thị, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, đầu tư vào 4 điểm du lịch bản làng, mở 04 tuyến du lịch là Sa Pa – San Sả Hồ, Sa Pa – Sa Pả - Tả Phìn, Lao Chải – Tả Van, Bản Hồ - Thanh Phú, qua đó Sa Pa đã tổ chức thành công kỉ niệm 100 năm du lịch Sa Pa, lượng khách đến trên 124.000 người, doanh thu đạt trên 60 tỉ đồng.
Năm 2004, Sa Pa hoàn thành, công bố và bàn giao “Quy hoạch đô thị và quy hoạch du lịch Sa Pa”. Năm 2012, Bộ Xây dựng công nhận khu vực thị trấn Sa Pa mở rộng, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai đạt tiêu chí đô thị loại IV.
Năm 2017, thị xã Sa Pa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là khu du lịch Quốc gia mang tầm cỡ Quốc tế, từ đó tạo tiền đề cho việc quảng bá hình ảnh, xúc tiến đầu tư, thu hút khách du lịch đến với Sa Pa.
Ngày 1/1/2020, thị xã Sa Pa được thành lập theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây là một sự kiện mang tính bước ngoặt lịch sử dành cho sự phát triển của Sa Pa, mở ra cơ hội lớn xây dựng đô thị Sa Pa xứng tầm là Khu du lịch quốc gia, vươn tới đẳng cấp quốc tế. Hiện Sa Pa có 16 đơn vị hành chính với 6 phường và 10 xã.
Từ đầu năm 2023 đến nay, lượng khách du lịch đạt hơn 2,68 triệu lượt khách, bằng 138,6% so với cùng kỳ năm 2022, dự kiến hết năm 2023, thị xã sẽ đón trên 3,5 triệu lượt khách, doanh thu hơn 12 nghìn tỷ đồng. Với lượng du khách đến với Sa Pa ngày một tăng cao, các khách sạn, nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch cũng phát triển mạnh, các loại hình phục vụ du lịch ngày càng phòng phú.
Đến nay, thị xã Sa Pa có tổng số 1.273 cơ sở kinh doanh du lịch và dịch vụ. Trong đó, có 711 cơ sở lưu trú (321 cơ sở homestay ) với 8.107 phòng, 14.238 giường; 283 cơ sở dich vụ ăn, uống với 18.507 chỗ ngồi; 90 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu niệm và quà tặng: 67 cơ sở dịch vụ Massager, tắm lá thuốc; 27 đơn vị dich vụ vận tải với trên 200 đầu xe; 13 cơ sở dịch vụ Karaoke đảm bảo đáp ứng nhu cầu phong phú, đa dạng của khách du lịch.
Chương trình nghệ thuật "Vũ điệu dưới trăng" |
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, giới chuyên môn và các nhà quản lý đã tham luận, đưa ra những tư liệu, luận cứ khoa học, phân tích làm sáng tỏ thêm về vai trò, giá trị của vùng đất và con người Sa Pa trong tiến trình lịch sử 120 năm hình thành và phát triển từ Trạm nghỉ dưỡng đến Khu du lịch quốc gia.
Theo TS. Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam: Vấn đề đáng quan tâm hiện nay của Sa Pa là tìm giải pháp để phát triển du lịch bền vững, đem lại lợi ích “kép” du lịch trở thành sinh kế cho người dân tộc thiểu số nhưng không làm mất đi, không làm mai một những giá trị thiên nhiên, những giá trị văn hóa đã tồn tại hàng triệu, hàng trăm năm qua.
Đồng thời, Sa Pa cần nắm bắt xu hướng sau Covid hướng tới thiên nhiên, chất lượng thiết thực và đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần. Thay đổi cách làm, cách tiếp cận về giá trị sinh thái và văn hóa của Sa Pa như viên Ngọc quý, biết làm, biết giữ và biết làm gia tăng giá trị làm cho Sa Pa đẹp hơn, văn hóa bản địa được tôn trọng hơn, sinh thái cảnh quan được bảo vệ, để Sa Pa được vẹn nguyên và đẹp mãi, xứng đáng là nơi “đất gặp trời”, nơi vẻ đẹp “lặng lẽ” trong veo, là miền đất vùng cao không giống bất kỳ một nơi nào...
Ngoài ra, Sa Pa cần phải chú trọng đến công tác quản lý và giải quyết được những vấn đề về tình trạng quá tải trong các mùa cao điểm để vượt qua những hạn chế hiện nay và trở thành điểm đến danh giá, đáng trải nghiệm, đáng tự hào. Đồng thời, phát triển những sản phẩm du lịch cao cấp để hướng tới những thị trường cao cấp, không khuyến khích khách du lịch đại trà làm hỏng điểm đến. Muốn thế, Sa Pa cần học tập mô hình phát triển du lịch HallStatt (Áo).
Trong định hướng phát triển, Sa Pa đang tiếp tục thu hút đầu tư các dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn, chất lượng và phấn đấu đến năm 2030 sẽ nâng số 10 lượng khách sạn 5 sao, 4 sao trên địa bàn để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.
Song song với đó, thị xã cũng đang quan tâm phát triển các cơ sở lưu trú tại gia như homestay nhằm phân phối lượng khách đến các điểm du lịch cộng đồng, tạo cơ hội việc làm và thu nhập bền vững cho người dân địa phương – đáp ứng nhu cầu của thị trường khách quốc tế và những người ưa khám phá và trải nghiệm văn hóa.
Quang cảnh Hội thảo |
Nói về kiến trúc, Ths.KTS. Nguyễn Văn Quân, Phó Viện trưởng - Viện Kiến trúc quy hoạch xây dựng Lào Cai nhấn mạnh: Đối với Đô thị du lịch cấp quốc gia Sa Pa trong những năm tới việc đầu tiên cần thiết là phải nâng cao tính pháp lý việc thực hiện Quy hoạch chung Đô thị du lịch cấp quốc gia Sa Pa đến năm 2040 được phê duyệt, khẩn trương phủ kín các quy hoạch cấp thấp hơn làm cơ sở để thực hiện đầu tư các dự án hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng du lịch.
Ưu tiên tập trung nguồn lực cho khu vực trung tâm đô thị Sa Pa với 5 phân khu chức năng, quan tâm đầu tư 4 phân khu du lịch vệ tinh từng bước bổ sung sản phẩm du lịch cho Sa Pa tăng sức hấp dẫn đối với du khách. Bên cạnh đó Sa Pa vẫn quan tâm đầu tư quy hoạch các điểm dân cư, trung tâm xã từng bước nâng cao đời sống nhân dân của thị xã.
Tuy nhiên, ngoài các chế tài mà Sa Pa đang thực thi thì cần thiết phải có một bộ công cụ hữu hiệu phục vụ lực lượng cán bộ quản lý các cấp của Sa Pa trong quá trình tác nghiệp và chỉ có số hoá mới đáp ứng các yêu cầu cho bộ công cụ ấy. Sa Pa đang có một khối lượng dữ liệu khổng lồ liên quan đến công tác quản lý trật tự xây dựng.
Hồ sơ quy hoạch các loại, đất đai các loại, hồ sơ 116 thiết kế các công trình hạ tầng kỹ thuật, hồ sơ các công trình vật thể kiến trúc… nếu cứ xử dụng phương pháp quản lý như hiện tại thì rất khó và mất thời gian để truy xuất cơ sở dữ liệu đầy đủ cho một nội dung quản lý nhưng khi được số hoá hệ thống cơ sở dữ liệu ấy thì chỉ mất một vài thao tác.
Ngoài ra, các ý kiến tập trung nêu bật các giải pháp để phát triển du lịch Sa Pa thành ngành kinh tế mũi nhọn, khai thác hiệu quả những tiềm năng thế mạnh mà thiên nhiên đã ưu đãi vùng đất này. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ kỉ niệm 120 năm du lịch Sa Pa được khai mạc vào tối 23/9/2023, tại thị xã Sa Pa.